Để vực dậy các hãng hàng không vào giai đoạn này, đại diện cơ quan Nhà nước cho rằng sự hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các hãng bay có vốn để khôi phục lại các dịch vụ.
Vận tải hàng không đang diễn ra theo tình huống xấu với hơn các kịch bản đã dự báo vì dịch COVID-19 và các hãng bay Việt Nam rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và các doanh nghiệp trong ngành nhằm vực dậy thị trường nội địa và quốc tế.
Phục hồi hoàn toàn khi nào?
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tất cả các quốc gia nền kinh tế thế giới và đặc biệt có ngành hàng không. Đến nay, theo ước đoán của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thiệt hại hàng không toàn cầu đã lên tới 200 tỷ USD.
Ông Thắng cũng thừa nhận đối với hãng hàng không Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi hiện có 250 chiếc tàu bay, trong dịch COVID-19 chỉ khai thác 1-2% đội bay, Hiện nay, hàng không Việt Nam chỉ khôi phục được một phần và còn khoảng 70-80% đội tàu bay vẫn đang nằm đất.
Nhấn mạnh trong giai đoạn vừa qua, các hãng hàng không đã tham gia hết sức tích cực, nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải về công tác phòng chống dịch, Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways không chỉ thực hiện dừng bay, giãn cách ghế ngồi hành khách, các biện pháp phòng ngừa y tế nhưng cũng tích cực tham gia nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao như vận chuyển đồng bào từ nước ngoài về nước, vận chuyển hàng cứu trợ, trang thiết bị vật phẩm y tế phòng chống dịch.
Đề cập đến thời gian khôi phục lại thị trường hàng không, ông Thắng tiết lộ, theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không trong nước cơ bản khôi phục hoàn toàn vào giữa năm 2021.
“Thị trường hàng không quốc tế tương đối khó đoán vì diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở các quốc gia trên thế giới hết sức phức tạp và việc khôi phục bay quốc tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu du lịch. Dự báo nhanh nhất phải cuối năm 2021, thị trường hàng không quốc tế mới khôi phục bằng năm 2019,” ông Thắng nhìn nhận.
Nhấn mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 là “chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không,” theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, tiềm lực tài chính của Vietnam Airlines trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra là rất lớn. Tiền mặt, các khoản đều ở mức độ dự trữ tài chính mạnh. Tuy nhiên, dịch bệnh đã “kéo” hàng không chậm lại 3-4 năm và làm cho tích lũy của 4-5 năm trước của đơn vị này coi như về 0.
Với lịch bay và tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, Tổng giám đốc Vietnam Airlines dự kiến năm 2020, hãng sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch.
"Cũng như các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Giai đoạn cả năm nay và sang năm tới chính xác là quá trình vượt khó và hồi phục. Đồng thời cũng là giai đoạn cách mạng phải thay đổi để có thể tồn tại qua đại dịch,” ông Thành bày tỏ.
Ông Thành cho biết Vietnam Airlines đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá như tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết…
Được biết, Vietnam Airlines đã đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng (thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0%) để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ sau dịch bệnh mới là quan trọng
Khẳng định khó khăn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền, theo ông Thắng, các hãng không bay thì không có doanh thu, điều này giống như dòng máu trong cơ thể nếu tắc sẽ làm gián đoạn rất lớn.
“Thiệt hại rõ ràng đối với các hãng hàng không chính là không có doanh thu trong mùa dịch nhưng vẫn phải trả các chi phí tàu bay, nhân viên, các chi phí quản lý khác... Đơn cử như đội tàu bay không đưa vào khai thác nhưng vẫn phải trả tiền sân đỗ máy bay, tiền duy tu bảo dưỡng, trả lương nhân viên tối thiểu cũng là một khoản chi rất lớn đối với các hãng,” ông Thắng đưa ra dẫn chứng.
Theo ông Thắng, để vực dậy các hãng hàng không vào giai đoạn này thì sự hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các hãng hàng không có vốn để khôi phục lại các dịch vụ.
“Hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ chỉ là hỗ trợ mồi, khuyến khích các hãng hàng không duy trì hoạt động, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của chính hãng bay,” người đứng đầu Cục Hàng không nói.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, hàng không mới phục hồi hoàn toàn vào cuối 2021. (Ảnh: Phan Công/Vietnam+)
Đề cập đến việc Bộ Tài chính vừa có Thông tư quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không, trong đó giảm nhiều loại phí đến hết năm nay, ông Thắng cho rằng đây là một cú hích cả về tinh thần và vật chất để các hãng hàng không có quyết tâm vượt qua khó khăn này.
“Hỗ trợ trong dịch bệnh là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là hỗ trợ sau dịch bệnh. Các vấn đề thuế, phí chỉ là cú hích hay hỗ trợ mồi, quan trọng là hỗ trợ dài hạn không phải chỉ là giảm thuế, phí mà chính là thiết lập các đường bay, hoạt động bay và đặc biệt là có nguồn vay để cho các hãng bổ sung nguồn vốn thiếu, vốn mất trong quá trình dịch bệnh để khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Khi đó, các hãng có lãi mới có thể phát triển lại được thị trường,” vị Cục trưởng Cục Hàng không phân tích.
Nhấn mạnh giai đoạn khôi phục là thời điểm quyết định, có tính sống còn với các hãng hàng không vào thời điểm này, ông Thắng cho biết Cục Hàng không sẽ hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng khôi phục thị phần nội địa; kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành có các gói giảm giá, giãn giá, thậm chí là miễn giá; làm việc với các ngân hàng có các gói vay ưu đãi cho các hãng hàng không có tiền để chi trả các chi phí để tiếp tục duy trì các hoạt động.
Liên quan đến vận tải hàng không, tại buổi họp giao ban tháng Năm của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều ngày 6/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Vụ Vận tải, Cục Hàng không nghiên cứu, đề xuất việc khôi phục một số đường bay thương mại quốc tế với tần suất rất hạn chế, ưu tiên cho các chuyên gia, cho các khách công vụ... đồng thời vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, thực hiện cách ly đúng như quy định./.
Hỗ trợ hãng bay "cho có", ACV bị phản ứng gay gắt |
Hãng bay ‘è cổ’ gánh thuế phí, ACV lãi khủng, có 31 nghìn tỷ gửi ngân hàng |
Khoang thương gia của hãng bay tốt nhất thế giới có gì? |