Bờ sông Sài Gòn

Tôi ra Huế đi dọc bờ sông Hương xanh mát, ra Hội An dạo bên sông Hoài, bỗng thương Sài Gòn đến nao lòng.

 

Tôi ra Huế đi dọc bờ sông Hương xanh mát, ra Hội An dạo bên sông Hoài, bỗng thương Sài Gòn đến nao lòng.

Bờ sông, hay mép nước, là không gian đặc biệt đầy năng động của đô thị. Vì là môi trường "rìa", nó là nơi giao cắt, đan xen của nhiều cộng đồng và nhiều sắp đặt khác nhau, tạo ra sự phức hợp hấp dẫn. Từ xa xưa, nhân loại đã tận dụng bờ sông cho nhiều mục đích: hành lang thương mại, trung tâm mua bán, những công trình cảng vận, nhà máy công nghiệp nặng, rồi đến khu phức hợp đô thị. Nhưng quan trọng nhất, đó là mảng xanh kết hợp mặt nước công cộng, nơi con người gặp gỡ và giao lưu.

Đô thị hiện đại luôn cần không gian bờ nước để tạo cảm hứng, niềm vui và sự thoải mái cho mọi cư dân sống, làm việc và vui chơi. Không gian đó cần thu hút về thị giác, kết nối với xung quanh và dễ tiếp cận từ cả trên bộ lẫn mặt nước, bất kể đêm ngày. Hiếm có thành phố nổi tiếng nào không có một dòng sông lịch sử và văn hóa của riêng nó, nơi cư dân và khách du lịch luôn tìm tới.

Vậy mà Sài Gòn quá nghèo nàn về không gian công cộng ven sông. Suốt lịch sử hơn 300 năm của mình, một cách rất thực dụng, người ta đã phân công năng rõ ràng: bờ sông Sài Gòn cho công trình cảng vận, bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé để buôn bán với miền Tây, còn những dòng kênh tự nhiên khác như rạch Thị Nghè dành cho giao thông vận tải nhỏ. Tất nhiên, trong số chúng có những bờ sông thơ mộng đã đi vào phim ảnh, như chợ hoa Bến Bình Đông, bến Nhà Rồng dù nay đã mai một. Chúng ta hầu như bỏ quên những không gian bờ nước quý giá - nơi nâng đỡ tinh thần thị dân.

Rạch Thị Nghè, rạch Bến Nghé may mắn được ưu tiên cải tạo, nhưng còn rất nhiều con rạch khác đang oằn mình gánh nước thải, rác và bị lấn lấp âm thầm. Rất nhiều đoạn sông đẹp bị tư nhân hóa, đa số dân thường không được quyền tiếp cận. Xót xa nhất, dãy nhà cổ dọc theo đường Khánh Hội và Võ Văn Kiệt, những di sản gợi nhớ khung cảnh trên bến dưới thuyền của Sài Gòn xưa đang dần biến mất mà không có cách gì giữ lại.

Năm 2007, mới tập tễnh học việc thiết kế tại Nikken Sekkei, tôi may mắn được tham gia vào cuộc thi quốc tế "Thiết kế đô thị cho khu trung tâm hiện hữu và một phần bờ sông Sài Gòn" trên 930 hecta do Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì. Khảo sát thực địa xong, về đến văn phòng, trải tấm bản đồ lớn lên bàn, ông chủ nhiệm thiết kế người Nhật đã vạch một đường màu xanh rất đậm, kéo từ Tân Cảng xuống cảng Khánh Hội: "Chúng ta sẽ biến không gian bờ sông này thành một không gian công cộng phong phú, hấp dẫn và liên tục cho người Sài Gòn". Khi những công trình cảng vận dời đi, ông tin rằng sẽ có đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu xây dựng - phát triển và nhu cầu không gian thư giãn - vui chơi cho cư dân thành phố. Tôi được giao tìm những ví dụ về thiết kế - phát triển không gian ven sông khắp thế giới và vẽ những mặt cắt thể hiện ý tưởng quy hoạch cho bờ sông Sài Gòn.

Nikken Sekkei thắng cuộc thi năm ấy, được chính quyền thành phố chọn là tư vấn để lập "Quy hoạch phân khu khu trung tâm hiện hữu TP HCM 930 hecta" và xây dựng quy chế quản lý không gian, kiến trúc đô thị khu vực này. Quy hoạch phân khu đã chỉ rõ khu bờ tây sông Sài Gòn "là khu vực phát triển mới đa chức năng, hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và không gian công cộng dọc bờ sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận", "đảm bảo sự tiếp cận của người dân thành phố". 

Tôi háo hức hình dung mình có thể đi dạo, chạy bộ suốt hơn 5 km từ Khánh Hội lên Tân Cảng, thưởng thức những không gian cá tính khác nhau của Sài Gòn. 

Nhưng đến tận bây giờ, ở năm 2019, sau khi Tân Cảng và quân cảng Ba Son dời đi, thay vào đó lại là hàng chục tháp căn hộ cao cấp.

Những công viên, mảng xanh dọc bờ sông Sài Gòn cũng được tạo ra, nhưng tiếc thay chỉ dành cho cư dân thu nhập cao của dự án ấy. Người ta không hề có ý định thiết kế không gian đó phục vụ đại đa số cư dân. Bạn sẽ khó có cơ hội đến gửi xe, đi dạo hoặc đánh cầu lông, tập thể dục như cách bạn đang sử dụng một công viên công cộng.

Những người làm quy hoạch như tôi vẫn không hiểu vì sao, mặc dù đã có quy hoạch, quy chế ở trên, Thành phố vẫn để cho ngày càng nhiều những bờ nước chỉ phục vụ số ít như vậy mọc lên. Bờ sông bị chẻ nhỏ cho nhiều dự án, mất tính kết nối - liên tục, và bị cô lập với phần còn lại của thành phố. Chúng ta vì đâu đã lãng phí, đánh mất cơ hội nâng cao chất lượng đô thị, cải tạo bộ mặt của Sài Gòn khi để tuột những không gian công cộng ven sông cho những dự án không phục vụ số đông?

Nhưng thà chậm còn hơn không làm gì. Vẫn còn khu cảng Khánh Hội để chúng ta sửa chữa sai lầm, còn rất nhiều không gian ven sông cần được "cứu" bằng quy hoạch để hình thành nơi chốn lành mạnh cho mọi người. Bên cạnh đó, chính quyền có thể ra cơ chế vừa bắt buộc, vừa ưu đãi nhà đầu tư tại những lô đất ven sông để họ có thể vừa tạo cảnh quan sông trong dự án của mình với yêu cầu không "ngăn cản" người dân tiếp cận chúng.

Nhà đầu tư được tự do đề xuất phương án quy hoạch, chỉ cần đảm bảo tiêu chí có không gian công cộng ven sông phục vụ cộng đồng. Đáp lại, chính quyền sẽ cho phép họ được tăng thêm hệ số sử dụng đất nhằm cân đối bài toán kinh doanh. 

Bảo vệ, tái thiết bờ sông là việc cần ưu tiên để Sài Gòn đáng sống hơn.

 

Lê Nam

 

Không để các dự án biến không gian sông Sài Gòn thành… ‘của riêng’­
Lấn hàng ngàn mét sông Sài Gòn làm đường đô thị
Vì sao người trẻ chuộng sống Sài Gòn?
Đại lộ ven sông Sài Gòn có thể nối vào cao tốc TP HCM - Mộc Bài
Đưa đại lộ ven sông Sài Gòn vào quy hoạch cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

 

/ vnexpress.net