Ngày 9/3, tại TP HCM, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp tổ chức Tọa đàm giới thiệu Luật Dầu khí năm 2022 đến các nhà thầu dầu khí.
Tham dự buổi Tọa đàm có ông Trần Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có các Thành viên HĐTV Tập đoàn: Bùi Minh Tiến, Trần Bình Minh, Nguyễn Văn Mậu; các Phó Tổng Giám đốc: Dương Mạnh Sơn, Lê Ngọc Sơn, Phạm Tiến Dũng; cùng đại diện lãnh đạo các Ban/Văn phòng, các đơn vị thành viên của Tập đoàn.
Về phía Hội Dầu khí Việt Nam có TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội; cùng đại diện lãnh đạo các Ban/Văn phòng Hội.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Chủ trì buổi tọa đàm gồm: Ông Trần Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than Bộ Công Thương; ông Lê Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam.
Ông Trần Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than Bộ Công Thương
Ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam và ông Trần Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than Bộ Công Thương nhấn mạnh, Luật Dầu khí 2022 có nhiều điểm mới, đột phá, do đó buổi Tọa đàm mong muốn phổ biến Luật Dầu khí 2022 rộng rãi đến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, trong đó đặc biệt là các nhà thầu dầu khí; đồng thời là cơ hội để lắng nghe, ghi nhận thêm những ý kiến đóng góp, trao đổi khách quan, đa chiều để góp phần giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện những nét chính của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022, góp phần hiện thực hóa, đưa Luật vào thực thi kể từ ngày 1/7/2023.
Đại diện Petrovietnam giới thiệu về Luật Dầu khí 2022
Tại buổi tọa đàm, đại diện Petrovietnam đã giới thiệu tóm tắt nội dung Luật Dầu khí năm 2022. Theo đó, ngày14/11/2022, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Dầu khí mới (Luật Dầu khí 2022) – đây là lần đầu tiên Luật Dầu khí của nước ta được sửa đổi một cách toàn diện kể từ khi được ban hành lần đầu tiên vào năm 1993. Luật Dầu khí 2022 gồm 11 Chương, 69 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, quy định các vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Luật Dầu khí 2022 được đánh giá có nhiều điểm mới, tiến bộ, nhiều nội dung mang tính đột phá: Phạm vi điều chỉnh được mở rộng; cùng với đó một số khái niệm mới được bổ sung để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật; một số khái niệm cũng được điều chỉnh để phù hợp với thực tế;… Cụ thể như, Điều tra cơ bản về Dầu khí là một nội dung mới, nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện và quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Chính sách của Nhà nước về dầu khí được thể hiện rõ ràng, có nhiều ưu đãi: không thu tiền sử dụng khu vực biển cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; chính sách khuyến khích đầu tư; khuyến khích chia sẻ và tiếp cận, cùng sử dụng các cơ sở hạ tầng, công trình dầu khí sẵn có.
Trong hoạt động dầu khí, cơ sở để triển khai hoạt động dầu khí là hợp đồng dầu khí được ký kết trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp của các dự án khai thác tận thu (đây là một nội dung mới phản ánh nhu cầu thực tế nhiều mỏ dầu khí đang được khai thác ở giai đoạn cuối).
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được thông tin về chương trình hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022. Việc xây dựng Nghị định nhằm cụ thể hóa một số quy định của Luật để thống nhất cách thức thực hiện và sự phối hợp giữa các bên liên quan (tổ chức, cá nhân, nhà thầu, Petrovietnam, cấp thẩm quyền). Hợp đồng mẫu của Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (Hợp đồng mẫu PSC) sẽ là Phụ lục của Nghị định. Nghị định phải được ban hành không muộn hơn tháng 6/2023 để có hiệu lực vào ngày 01/7/2023.
Hiện nay, Dự thảo Nghị định (Phiên bản 1 đã được gửi xin ý kiến tại Công văn số 274/BCT-DKT ngày 18/01/2023) gồm 68 Điều và 01 Phụ lục (Hợp đồng mẫu PSC). Trong đó, nội dung chính của Nghị định chia thành các nhóm vấn đề như: Điều tra cơ bản về dầu khí; Quy trình Lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí; Hợp đồng dầu khí; Quy định về ưu đãi cho hoạt động dầu khí; Chính sách khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; Quyết toán chi phí hoạt động dầu khí; Mẫu Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí;…
Sau khi nghe các nội dung khái quát về Luật và Nghị định, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan, nhằm góp phần bổ sung, hoàn thiện Nghị định, sớm đưa Luật Dầu khí mới vào thực tiễn áp dụng.
Đặc biệt, trong chương trình của Tọa đàm, Petrovietnam cũng sẽ giới thiệu về Kế hoạch lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí năm 2022 đối với một số lô mở dự kiến tổ chức trong năm 2023.
Một số hình ảnh bên lề Tọa đàm:
Các đại biểu trao đổi bên lề buổi Tọa đàm
https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/3ac48d2d-916e-4a15-9018-97152ea0d748