Cuộc diễn tập được mô tả chưa từng có của Hải quân Mỹ hay “chiến dịch tàu sân bay kép” của Mỹ ở Biển Đông vì tàu USS Boxer được trang bị hàng chục máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cất/hạ cánh thẳng đứng hiện đại nhất của quân đội Mỹ.
Tài khoản Twitter chính thức của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ ngày 20-10 đã đăng lại đường link về bài viết trên tờ Breitbart về việc Hải quân Mỹ tổ chức diễn tập “chiến tranh cấp cao” với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (phiên hiệu CVN 76) và nhóm tàu đổ bộ USS Boxer (Boxer ARG) của Hạm đội 7 ở khu vực Biển Đông. Cuộc diễn tập được mô tả chưa từng có của Hải quân Mỹ hay “chiến dịch tàu sân bay kép” của Mỹ ở Biển Đông vì tàu USS Boxer được trang bị hàng chục máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cất/hạ cánh thẳng đứng hiện đại nhất của quân đội Mỹ.
Đại úy Anthony Junco, Người phát ngôn của Hạm đội 7, cho biết từ trước đến nay Hải quân Mỹ chưa từng diễn tập phối hợp giữa hai nhóm tàu sân bay và tàu đổ bộ ở Biển Đông. Theo Đại úy Anthony Junco, lần gần đây nhất chứng kiến một “chiến dịch tàu sân bay kép” ở Biển Đông của Hải quân Mỹ là vào ngày 17-8-2001 khi hai tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Constellation cùng hoạt động tại vùng biển chiến lược trọng yếu này, song đó là chiến dịch giữa hai tàu sân bay với nhau chứ không phải chiến dịch giữa một tàu sân bay và một tàu đổ bộ trang bị máy bay chiến đấu như cuộc diễn tập hiện nay của lực lượng Hải quân Mỹ và lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.
Tham gia cùng hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu đổ bộ USS Boxer trong cuộc diễn tập được Hải quân Mỹ tuyên bố là nhằm đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở và “răn đe những ai thách thức các giá trị chung”, này còn có Không đoàn CVW 5, các tàu tuần dương lớp Ticonderoga và khu trục hạm lớp Arleigh Burke, tàu đổ bộ lớp San Antonio, tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry cùng Đơn vị viễn chinh 11 với hơn 2.000 lính Thủy quân lục chiến. Nội dung cuộc diễn tập bao gồm, các chiến dịch tấn công trên biển, tìm kiếm và cứu hộ, chiến lược phòng thủ bằng tàu tấn công nhanh, chặn đường tiếp tế, diễn tập bắn đạn thật và các chiến dịch chống máy bay, chống ngầm.
Cuộc diễn tập “chưa từng có của Hải quân Mỹ” ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang leo thang các hành động gây hấn, hung hăng nhằm đòi chủ quyền phi lý và phi pháp trên vùng biển chiến lược này thể hiện qua việc ráo riết bồi đắp trái phép các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ dùng vũ lực chiếm đóng thành các đảo nổi nhân tạo, ồ ạt tiến hành quân sự hóa các đảo và các thực thể chiếm đóng trái phép… Đặc biệt, mới đây nhất là việc liên tục có các hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế ở khu vực bãi Tư Chính.
Những hành vi hung hăng đòi chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc dựa theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, “đường 9 đoạn”) chính thức công bố năm 2009 mà theo đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông và còn lớn hơn nữa theo học thuyết “Tứ sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên “Hán hóa” lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) công bố năm 2013.
Theo “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra một cách mơ hồ để đòi chủ quyền có những vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines, Việt Nam, Malaysia… phù hợp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982).
Cùng với việc đơn phương công bố yêu sách chủ quyền theo “đường lưỡi bò 9 đoạn” và học thuyết “Tứ sa”, Trung Quốc thời gian qua đã huy động nguồn vật chất khổng lồ để tiến hành quân sự hóa các đảo chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời bồi đắp các thực thể cưỡng chiếm phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo. Những hành động trái phép và quân sự hóa ồ ạt các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không có mục đích gì khác là Trung Quốc muốn dựa vào chúng làm căn cứ để đòi chủ quyền, quyền chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, mọi tham vọng chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc chỉ là ảo vọng những đảo và đảo nổi nhân tạo, thực tế mà họ dùng vũ lực chiếm đóng trái phép hoàn toàn không được thừa nhận theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước UNCLOS 1982. Theo Công ước UNCLOS 1982 (Điều 60), những cái gọi là “hòn đảo” mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng, bồi đắp phi pháp hoàn toàn không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, căn cứ mà Trung Quốc dựa vào để ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính hiện nay.
Cho đến nay, Trung Quốc cũng chưa được bất cứ căn cứ nào phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982, để hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” ngoài lý do ngụy biện mà họ gọi là “quyền lịch sử”. Tuy nhiên, Công ước UNCLOS 1982 đã quy định rất rõ rằng, muốn gọi là “vùng biển lịch sử” thì phải đáp ứng ba yếu tố, gồm nhà nước cai quản khu vực, cai quản trong thời gian dài và được các nước láng giềng chấp nhận yêu sách hàng hải. Căn cứ vào Công ước được xem là bản “Hiến pháp về đại dương” của cả thế giới này, Trung Quốc thậm chí còn không có nổi một yếu tố nào trong 3 yếu tố để có thể căn cứ vào đó đòi chủ quyền theo “quyền lịch sử”.
Vì thế, những hòn đảo, thực thể mà Trung Quốc bất chấp chủ quyền các bên liên quan, bất chấp luật pháp quốc tế, đổ tiền của khổng lồ để xây dựng, bồi đắp trên Biển Đông hoàn toàn không có giá trị pháp lý để đòi chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Trái lại, đó lại chính là những biểu tượng về sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền các bên liên quan của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhiều quốc gia đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế ở Biển Đông nhằm bác bỏ đòi hòi chủ quyền phi lý và phi pháp trên vùng biển này, như các hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ cũng như “chiến dịch tàu sân bay kép” của Mỹ. Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70 thuộc Hạm đội 7, nêu rõ sự hiện diện của Mỹ qua cuộc diễn tập phản ánh cam kết đối với các giá trị chia sẻ chung với nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực, đồng thời cho biết Mỹ sẵn sàng răn đe những ai thách thức các giá trị chung này bằng “lực lượng vượt trội từ sự phối hợp của nhóm tàu sân bay và nhóm tàu tấn công đổ bộ”.
Trên thực tế, Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền hợp pháp, được công nhận và bảo hộ theo Công ước UNCLOS 1982. Bảo vệ chủ quyền của mình bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu Hải Dương 8 trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
“Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các thỏa thuận cấp cao. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 21-10)
Malaysia muốn tăng sức mạnh hải quân, sẵn sàng cho kịch bản xấu ở Biển Đông
Ngoại trưởng Malaysia thừa nhận, việc hạn chế trong trang bị cho hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển khiến nước này gặp ... |
Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo" ở Biển Đông
Trung Quốc ngoài miệng luôn nói tôn trọng chủ quyền các quốc gia khác, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa ... |
Trên Biển Đông có gì?
Làm sao để một quả địa cầu sản xuất ở nước ngoài có in hai địa danh “Hoàng Sa” và “Trường Sa”? Tôi đã mất ... |