Biển số sau đấu giá - tài sản hay tài nguyên?

Sở hữu một biển số như mong muốn đã xuất hiện từ rất lâu và ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Thời gian qua, không ít những chiếc xe bình dân may mắn có được biển số đẹp đã tăng giá trị gấp nhiều lần...

Gần đây nhất, vào ngày 13-4, một chiếc KIA Sonet tại Nghệ An bốc được biển số ngũ quý 9 (999.99). Chỉ 1 ngày sau, chiếc xe có giá hơn 600 triệu này đã được người chủ mới ở Hà Nội vào tận nơi lấy lại với giá 2,6 tỷ đồng.

Hiện, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Việc này đã, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân.

8
Cơ quan Công an làm thủ tục đăng ký phương tiện giao thông cho người dân.

Biển số sau đấu giá sẽ “đi theo người” chứ không “đi theo xe”

Theo dự thảo nghị quyết, việc đấu giá biển số đẹp sẽ có nhiều điểm mới mà trước đây chưa được áp dụng.Cụ thể, các biển số chưa được đăng ký sẽ được đưa ra đấu giá trực tuyến công khai. Khi đã đấu giá thành công, chủ phương tiện được quyền giữ lại biển số ngay cả khi bán xe và dùng để đăng ký cho một xe khác mang tên mình. Như vậy, biển số này sẽ “đi theo người” chứ không “đi theo xe” như cách quản lý biển kiểm soát hiện tại. Đáng chú ý, ngay cả khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá cũng không phải nộp lại biển số.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, biển số được đem đấu giá là biển trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan đăng ký dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia và trúng đấu giá do công an cấp tỉnh tổ chức. Trong thời gian thí điểm đấu giá biển số, Cơ quan công an vẫn duy trì đồng thời 2 cách quản lý là cấp biển số ngẫu nhiên và đấu giá theo nhu cầu nên người dân có nhiều sự lựa chọn hơn.

Theo Cục CSGT thì việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay để chủ phương tiện có quyền lựa chọn. Đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá. Khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá biển số; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số hiện nay để có thể số hóa hoàn toàn hệ thống đăng ký xe phục vụ công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân.

9
Cùng với đấu giá biển số, cơ quan Công an vẫn cấp biển số theo phương thức bấm số ngẫu nhiên như hiện nay.

Về quy định thế nào là “số đẹp”, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, Bộ Công an không đề xuất quy định số nào là số đẹp vì rất nhiều người có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích. Những “biển số đẹp” này có thể là những số trùng nhau (tam hoa, tứ quý, ngũ quý,...), dãy số tiến liên tục, số “gánh”, số “phát lộc”,... Khái niệm “số đẹp” còn theo quan niệm của từng người và mang nhiều sở thích cá nhân như ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm hay một dãy số bất kỳ nào đó. Vì vậy, Cơ quan công an sẽ đưa tất cả những biển số mà dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá có thể tùy chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá để tham gia đấu giá.

Người chưa mua xe có quyền tham gia đấu giá không?

Theo dự thảo nghị quyết, biển số trúng đấu giá được cơ quan đăng ký quản lý cấp cho người trúng đấu giá khi họ làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe; khi chưa làm thủ tục đăng ký, người trúng đấu giá chưa được cấp biển số. Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật (xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu theo quy định). Người trúng đấu giá phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục đăng ký, gắn biển số trúng đấu giá vào phương tiện trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với biển số trúng đấu giá hoặc kể từ ngày chuyển nhượng phương tiện nhưng giữ lại biển số trúng đấu giá; nếu quá thời hạn trên, sẽ mất quyền đăng ký biển số trúng đấu giá và không được hoàn trả tiền trúng đấu giá

Góp ý về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ đề án đấu giá biển số. “Mục đích lớn nhất là thỏa mãn lợi ích chính đáng của người dân.Đây cũng là hình thức cao nhất mà Chính phủ mong muốn đạt được” và cho biết, người dân có quyền mua bất cứ biển nào mình thích, kể cả chưa ra biển, chưa có phương tiện vẫn có quyền đấu giá biển số.Tuy nhiên, quyền giữ biển số sau khi mua đó phải có thời hạn, chứ không thể giữ mãi mà không đăng ký để gắn với phương tiện. Theo đó, người mua bắt buộc phải đăng ký trong khoảng thời gian quy định, ví dụ 6 tháng sau nếu người mua không đăng ký gắn vào phương tiện thì biển số đó sẽ tự động quay lại kho số để đấu giá tiếp.

Ông Phan Đức Hiếu cũng chia sẻ kinh nghiệm ở Singapore, cấp biển số bình thường là 321 đô la Singapore, biển số theo phương thức lựa chọn tối thiểu là 1.000 đô la Singapore. Người dân muốn đấu giá thì phải nộp lệ phí và tiền đặt cọc vào tài khoản của cơ quan đấu giá.Nếu không trúng đấu giá thì tiền đặt cọc tự động trả lại vào tài khoản của cá nhân đó.Lệ phí là khoản tiền nhất định để duy trì việc đấu giá”, ông Hiếu cho biết.

10
Chiếc xe có biển số ngũ quý 9 được một người dân ở Nghệ An bán lại với giá chênh gần 2 tỷ đồng.

Đấu giá như thế nào?

Theo dự thảo đề án thì Bộ Công an giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, việc tổ chức đấu giá trực tuyến là phù hợp, chúng ta nên tận dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, hoàn toàn có thể cấp biển số theo lựa chọn của người dân dưới hình thức online qua phần mềm. Theo đó, định giá số sàn cao hơn lệ phí cấp bình thường.Sau đó đưa tất cả các số lên mạng để người dân lựa chọn. Nếu người dân có nhu cầu số gì thì lên mạng kiểm tra xem còn số đó hay không và trả giá bất kỳ. Giá này không công khai nên người dân và cả các cơ quan chức năng cũng không biết có bao nhiêu trả giá, giá bao nhiêu.Đến hết thời hạn đấu giá thì phần mềm sẽ tự lọc giá nào cao nhất thì người trả giá cao nhất sẽ trúng.Việc này rất dễ, không tốn nhiều công sức mà rất công khai, minh bạch” - ông Hiếu cho biết.

Ông  Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, nghị quyết có thể thí điểm ở nhiều luật, việc cho phép đấu giá trực tuyến có thể thực hiện được. Việc đấu giá tổ chức công khai trên mạng, giá người dân đưa ra được giữ kín, không ai biết, kể cả cơ quan chức năng, nếu hết thời hạn đấu giá ai trả cao nhất thì trúng đấu giá.

Về giá của biển số được cấp thông qua đấu giá, Bộ Công an đề nghị xác định giá khởi điểm được chia thành 2 vùng, với mức giá khác nhau. Trong đó, vùng 1 (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh): Giá khởi điểm gấp 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương. Vùng 2 (các địa phương còn lại): Giá khởi điểm gấp 10 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương. Như vậy, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có mức giá khởi điểm thấp nhất là 40 triệu đồng/biển số.

11
Những chiếc xe có biển số đẹp có thể được mua lại với giá gấp nhiều lần giá trị thật.

Vì sao không coi biển số trúng đấu giá là tài sản?

Một số người đề nghị nên coi biển số trúng đấu giá là tài sản.Theo đó, người trúng đấu giá có thể cho, tặng, chuyển nhượng, thừa kế. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ Công an thì biển số trúng đấu giá chỉ cấp cho người trúng đấu giá, nếu bán, cho, tặng phương tiện thì được giữ lại biển số và được đăng ký sử dụng biển số đó khi mua xe mới.

Trả lời về việc này, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, việc quy định biển số đi theo người sẽ rất thuận lợi cho việc xác định chủ xe là ai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đối với hệ thống đăng ký, quản lý điện tử của lực lượng CSGT thống nhất toàn quốc sẽ thực hiện được yêu cầu này và đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông - Vận tải khẳng định, việc đưa các biển số đẹp ra đấu giá là chủ trương đúng đắn và nên thực hiện ngay. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện rất cần sự công khai, minh bạch và thống nhất giữa các địa phương. “Biển số đẹp phải được coi như là tài nguyên hữu hạn chứ không nên coi đây là một loại hàng hóa có thể mua bán, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy như “găm hàng”, “thổi giá”, hay nạn “cò” biển số. Do đó, tôi thấy biển số đẹp gắn với người mua và không cho phép chuyển nhượng, mua bán là rất hợp lý”, vị chuyên gia chia sẻ.