Người trúng đấu giá biển số xe ôtô có được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố biển số?

Sau khi Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá được ban hành, nhiều người dân rất quan tâm, kỳ vọng đề án này sớm đi vào cuộc sống để họ có cơ hội sở hữu những biển số xe theo ý muốn.

Người trúng đấu giá biển số được hưởng quyền lợi gì?

Khi nghe tin có đề án thí điểm đấu giá biển số xe ôtô, anh Nguyễn Đình Long ở quận Tây Hồ, Hà Nội rất phấn khởi. Theo anh Long, từ trước đến nay, nhu cầu về biển số “đẹp” của người dân rất cao. Nhiều người quan niệm xe gắn biển “tứ quý”, “ngũ quý” hoặc có trùng ngày sinh, ngày cưới của mình sẽ mang lại nhiều may mắn.

“Do đây là nhu cầu chính đáng của cá nhân, nên Nhà nước cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận biển số theo ý muốn. Điều này không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đăng ký, quản lý ôtô, môtô, đáp ứng cao nhất việc lựa chọn biển số theo nhu cầu của người dân, mà còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước” - anh Long chia sẻ.

Được biết, từ năm 1993, phương án đấu giá biển số xe lần đầu tiên được Cục CSGT đề xuất, nhưng chưa thực hiện được do vướng các quy định.

Đến năm 2022, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá đã được hoàn thiện với các quy định khá chặt chẽ về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số…

Người trúng đấu giá biển số xe ôtô có được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố biển số? ảnh 1

Khá nhiều người dân quan tâm tới đề án đấu giá biển số xe ô tô

Cùng chung mối quan tâm tới việc đấu giá biển số xe ôtô, ông Đào Mạnh Hùng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nêu quan điểm, một trong những nội dung trong Dự thảo được nhiều người chú ý là khi mua biển số qua đấu giá, người dân được hưởng quyền lợi gì.

Theo Dự thảo, người trúng đấu giá được ký hợp đồng với cơ quan, tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá; được sử dụng biển số trúng đấu giá; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu.

Khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá. Nghĩa là biển số trúng đấu giá sẽ đi theo phương tiện đến suốt đời. Quy định này là hoàn toàn hợp lý.

“Tuy vậy, điều tôi còn băn khoăn là biển số xe ôtô sau đấu giá có được sang nhượng, hay điều kiện chuyển nhượng như thế nào? Bên cạnh đó, dù người dân có quyền mua bất cứ biển số xe nào mình thích, song quyền giữ biển số sau khi mua phải có thời hạn. Cần có quy định người mua bắt buộc phải đăng ký trong khoảng thời gian nhất định, nếu sau thời gian đó không đăng ký gắn vào phương tiện, thì biển số sẽ quay lại kho số để đấu giá tiếp” - ông Hùng đề xuất.

Nên cho phép người đấu giá trúng biển số có quyền về tài sản

 

Theo Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, Công an các địa phương sẽ tổ chức đấu giá dưới hình thức ký hợp đồng thuê Công ty đấu giá tài sản, để công ty này tổ chức đấu giá theo các hình thức được quy định trong Luật Đấu giá tài sản. Cụ thể, có thể đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; đấu giá trực tuyến.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, có thể áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để cấp biển số theo lựa chọn của người dân dưới hình thức online qua phần mềm. Theo đó, sẽ định giá số sàn cao hơn lệ phí cấp bình thường, rồi đưa tất cả các số lên mạng để người dân lựa chọn. Nếu người dân có nhu cầu số nào thì lên mạng kiểm tra xem còn số đó hay không và trả giá bất kỳ. Giá này không công khai, đến hết thời hạn đấu giá thì phần mềm sẽ tự lọc người trả giá cao nhất sẽ trúng.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, việc quan trọng nhất trong Đề án là tháo gỡ vướng mắc trong quy định của pháp luật về quyền của người trúng đấu giá đối với biển số.

Nếu chỉ cho phép người trúng đấu giá sử dụng biển số theo phương tiện thì khi mua bán, chuyển nhượng, biển số đó sẽ theo phương tiện hoặc bị thu lại nếu chuyển nhượng ngoại tỉnh.

Nếu biển số trúng đấu giá được coi là tài sản thì người dân có thể mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp đối với biển số đó, đồng thời mới có thể áp dụng các quy định của luật đấu giá tài sản để tổ chức thực hiện hoạt động đấu giá.

Ngoài ra, có một số nội dung khác cần được quan tâm như thời hạn sở hữu của chủ biển số xe, quyền đặt cọc, cầm cố, bảo lãnh và các quyền khác theo quy định của bộ Luật Dân sự về quyền tài sản - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

https://www.anninhthudo.vn/nguoi-trung-dau-gia-bien-so-xe-oto-co-duoc-mua-ban-chuyen-nhuong-cam-co-bien-so-post502743.antd

H.L / anninhthudo.vn