Phim chụp X-quang, cộng hưởng từ, CT... tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô được lưu trữ trên hệ thống truyền tải hình ảnh, không in thành bản nhựa.
Bệnh nhân 72 tuổi được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cấp cứu ngày 8/10 trong tình trạng tê mỏi chân tay, khó cử động, đi lại khó khăn, giảm thị lực, nói khó khăn, miệng tê cứng, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ.
"Phải có ngay hình ảnh mạch máu não của bệnh nhân, xác định các tổn thương", phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, nói. Bác sĩ cho biết hình ảnh chẩn đoán rất quan trọng với người bị đột quỵ ở "thời gian vàng" (trong 6 giờ đầu), khả năng cứu sống người bệnh sẽ cao hơn.
Hình ảnh chiếu chụp của bệnh nhân được chuyển thẳng từ phòng chụp lên hệ thống trực tuyến một cách nhanh chóng để các bác sĩ hội chẩn. Ảnh: Hương Thủy. |
Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ (MRI) và cắt lớp vi tính (CT). Sau khi chụp khoảng 5 giây, toàn bộ tổn thương hiện lên bằng hình ảnh trên hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, không cần in phim nhựa. Hình ảnh chiếu chụp của bệnh nhân được chuyển thẳng từ phòng chụp lên hệ thống trực tuyến một cách nhanh chóng để các bác sĩ hội chẩn. Bác sĩ nhìn vào hình ảnh, nhanh chóng nắm được tình trạng bệnh nhân, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến khu điều trị để cấp cứu kịp thời.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô là một trong số ít bệnh viện của Bộ Y tế thực hiện Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS). Trên thực tế, hầu hết bệnh viện thực hiện quản lý và lưu trữ các hồ sơ song song dưới dạng văn bản giấy và phim. Tuy nhiên các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ rời rạc, tách rời giữa phim và biên bản ghi nhận kết quả chẩn đoán, không đồng bộ nên dễ nhầm lẫn, thất lạc.
Mặt khác, thực tế cho thấy bệnh nhân lưu giữ phim để tham khảo cho lần khám chữa bệnh sau cũng không hiệu quả. Phim không được bảo quản đúng tiêu chuẩn, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và thường bị trầy xước không thể đọc chính xác được nữa. Chi phí cho việc in và lưu trữ phim là rất lớn.
Hệ thống chẩn đoán hình ảnh ứng dụng công nghệ 4.0 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Ảnh: Hương Thủy. |
Theo tiến sĩ Dũng, do sử dụng công nghệ số để xử lý phim chụp nên kết quả có rất nhanh, bác sĩ có thể xem bất kỳ chỗ nào, bất kỳ đâu. Ngoài ra, PACS còn hạn chế phim nhựa, giảm ảnh hưởng tới môi trường do thuốc rửa phim làm bằng đồng, dung dịch rửa phim bằng hóa chất.
"Quá trình lưu trữ cũng tiện lợi hơn rất nhiều so với dùng phim", bác sĩ Dũng nói. "Tất cả đều lưu trong máy, kết quả hình ảnh lúc nào cũng như mới, cần là sử dụng được ngay, thậm chí gửi sang Pháp, Mỹ trong vài giây để hội chẩn với chuyên gia nước ngoài". Với nhiều bệnh, các bác sĩ có thể so sánh được kết quả trước và sau rất nhanh mà không cần mang phim cũ ra so sánh.
Ứng dụng hệ thống PACS cũng giúp các bệnh viện chuẩn hóa quy trình chẩn đoán hình ảnh. Kết hợp PACS với hệ thống công nghệ thông tin hiện nay của bệnh viện, dần thay thế hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án bằng giấy từ trước đến nay.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô là bệnh viện không in phim đầu tiên của cả nước. Mỗi năm bệnh viện tiết kiệm được hơn một tỷ đồng do không phải in phim, hạn chế được rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Thúy Quỳnh