Bất cập về cơ chế, chính sách: Thu nhập của công nhân giám sát môi trường giảm

Hà Nội chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý vệ sinh môi trường từ Sở Xây dựng về Sở Tài nguyên và Môi trường là chủ trương đúng, phù hợp chuyên môn nghiệp vụ, thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, sau 1 năm chuyển sang cơ quan quản lý mới, một số cơ chế, chính sách giữa 2 cơ quan chưa thực hiện được, hầu hết công nhân làm công tác vệ sinh môi trường và quản lý, giám sát hoạt động tại các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố bị cắt giảm thu nhập khiến đời sống khó khăn.

cong-nhan.jpg
Công nhân tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) làm việc vất vả nhưng thu nhập chưa tương xứng. Ảnh: Đức Duy

Công việc tăng, thu nhập giảm

Từ năm 2019 đến nay, mỗi ngày, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Quyết phải di chuyển hơn 50km từ nhà lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) làm việc. Công việc chính mỗi ngày của anh là quản lý giám sát công tác vận chuyển rác thải của các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường ra - vào bãi rác, kiểm tra quy trình xử lý rác, nước rác của các nhà máy… “Do chúng tôi thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, tiếp xúc trực tiếp với chất thải và mùi hôi thối từ bãi rác nên rất độc hại, nguy cơ cao ảnh hưởng sức khỏe”, anh Quyết chia sẻ.

Một cán bộ khác (xin được giấu tên) có thâm niên gần 20 năm làm công việc kiểm tra, giám sát tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì - thị xã Sơn Tây) cho biết, khối lượng công việc tăng, vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng chính sách đãi ngộ cho người lao động thấp. Năm 2023, bình quân thu nhập của người lao động làm việc trực tiếp trong bãi rác là 4-5 triệu đồng/người/tháng - mức này không đủ bảo đảm đời sống bản thân và gia đình. Trong khi đó, cũng công việc này, từ năm 2022 trở về trước, người lao động có mức thu nhập 9-13 triệu đồng/người/tháng tùy thâm niên công tác do được hưởng các chế độ, chính sách: Tiền lương, chế độ phụ cấp, hệ số tăng thêm do đặc thù công việc quản lý, giám sát hoạt động của bãi rác...

Phân tích về bất cập này, Phó Trưởng phòng Quản lý giám sát chất thải rắn (Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Hà Nội) Trịnh Minh Tuấn cho biết, từ ngày 1-1-2023, việc chuyển đầu mối tham mưu công tác chuyên môn và quản lý nhà nước lĩnh vực chất thải rắn từ Sở Xây dựng về Sở Tài nguyên và Môi trường là chủ trương đúng. Nhưng còn một số cơ chế, chính sách giữa 2 cơ quan chưa thực hiện được dẫn đến mức thu nhập của cán bộ, công nhân viên bị giảm mạnh.

Cụ thể, bên Sở Xây dựng, ngoài tiền lương chi trả theo hệ số quy định của Nhà nước, người lao động còn được hưởng một phần thu nhập tăng thêm từ định mức chi phí quản lý dự án, chi phí giám sát thi công theo Văn bản số 8745/UBND-XDGT ngày 12-11-2014 và Văn bản số 6895/UBND-ĐT ngày 1-12-2016 của UBND thành phố Hà Nội.

Từ năm 2018, chế độ chính sách này được điều chỉnh theo Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15-2-2017 của Bộ Xây dựng... Trong đó quy định, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị của Sở Xây dựng (đơn vị quản lý giám sát hoạt động tại 2 khu xử lý chất thải tập trung) được hưởng định mức chi phí quản lý dự án là 40% và định mức chi phí giám sát thi công là 50%... Nhờ có nguồn này, cán bộ, công nhân viên của đơn vị được hưởng tổng thu nhập đạt 9-13 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2023 đến nay, các chế độ, chính sách tăng thêm này không được áp dụng do không có nguồn chi và chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.

Sớm tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Về vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết, thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án điều chỉnh đơn giá bảo đảm đúng trình tự, quy định, áp dụng cho các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành văn bản hướng dẫn theo quy định tại Khoản 5, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 về phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt… nên UBND thành phố Hà Nội chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Trong thời gian chờ hướng dẫn và sự điều chỉnh chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số cán bộ, công nhân Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Hà Nội kiến nghị, các sở, ngành thành phố nghiên cứu, áp dụng cơ chế hỗ trợ đặc thù cho người lao động do làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại, ảnh hưởng sức khỏe. Ngoài ra, nên có chính sách hỗ trợ người lao động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần…

Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Hà Nội Nguyễn Tân Cương cho biết, đơn vị đã báo cáo vấn đề này lên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời tham mưu thành phố áp dụng chính sách hỗ trợ đặc thù, có phụ cấp độc hại cho cán bộ, công nhân viên...

Trước mắt, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên khắc phục, chia sẻ khó khăn với ngành; đồng thời động viên người lao động duy trì hiệu quả công việc quản lý, giám sát hoạt động xử lý rác thải, vệ sinh môi trường tại 2 khu xử lý rác thải tập trung và các tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố để hoàn thành nhiệm vụ của ngành cũng như góp phần bảo đảm thành phố luôn sạch, đẹp.

https://hanoimoi.vn/bat-cap-ve-co-che-chinh-sach-thu-nhap-cua-cong-nhan-giam-sat-moi-truong-giam-654027.html