Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2024, theo đó, ngân sách nhà nước dự tính giảm thu hơn 38.900 tỷ đồng.
Tại tờ trình vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 600 đồng/lít.
Như vậy, mức giảm theo đề xuất của Chính phủ là 50% so với biểu thuế, tương tự mức thuế hiện hành đang thực hiện tại Nghị quyết số 30 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nghị quyết 30 về giảm thuế môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực tới 31/12/2023.
Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu dự kiến tiếp tục kéo dài đến hết 2024 |
Khi giảm thuế này, giá xăng, dầu tới tay người tiêu dùng sẽ hạ tương ứng 1.100 đồng đến 2.200 đồng mỗi lít (đã gồm VAT), riêng dầu hỏa hạ 660 đồng mỗi lít.
Từ 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần trong biểu khung thuế, tức 4.000 đồng một lít với xăng (trừ ethanol); nhiên liệu bay 3.000 đồng một lít.
Đánh giá tác động của việc giảm thuế, Chính phủ cho biết ngân sách nhà nước ước giảm thu khoảng 38.924 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm sau sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Mặt khác, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trường hợp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn tăng lên bằng mức trên của biểu khung thuế từ đầu năm 2024, sẽ làm CPI bình quân tăng thêm 0,36-0,54 điểm phần trăm. Ngược lại, nếu tiếp tục giảm thuế này hết năm sau sẽ tránh được biến động tăng giá bán lẻ xăng, dầu và không làm tăng CPI.
Việc giảm thuế này cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm thuế với xăng, dầu như vận tải, dịch vụ khí đốt, đánh bắt thủy sản.