Global Times và China Daily nói những người biểu tình Hong Kong tìm đến sự giúp đỡ của Mỹ đang thách thức sự kiên nhẫn của chính quyền trung ương.
"Nếu Mỹ thông qua dự luật can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong, thì đó không phải vì lợi ích của đặc khu, mà nhằm mục đích biến trung tâm tài chính thành một quân bài để Washington có thể tăng áp lực lên Bắc Kinh. Mỹ sẽ chỉ quyết định chính sách đối với Hong Kong dựa trên lợi ích của họ", bài xã luận trên Global Times ngày 9/9 cho biết.
Bài báo được đăng một ngày sau khi hàng ngàn người biểu tình Hong Kong tuần hành tới lãnh sự quán Mỹ, kêu gọi các quan chức và chính trị gia Mỹ ủng hộ bằng cách đưa ra những hành động ngoại giao chống lại chính quyền thành phố.
Global Times, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết một số người biểu tình cực đoan đang "trải qua cơn cuồng loạn, tuyên bố sẵn sàng phá hủy mọi thứ nếu nhu cầu không được đáp ứng".
Tờ báo lập luận việc Mỹ thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong sẽ là hành động can thiệp sâu sắc vào đặc khu và khẳng định điều này không ảnh hưởng tới quyền hạn của Bắc Kinh trong việc xử lý vấn đề ở Hong Kong.
"Nếu tình hình ở Hong Kong vượt khỏi tầm kiểm soát, dẫn đến rối loạn và thảm họa nhân đạo trong xã hội, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có hành động theo Luật cơ bản", Global Times nói thêm.
Người biểu tình Hong Kong kéo đến lãnh sự quán Mỹ hôm 8/9, giơ 5 ngón tay thể hiện 5 yêu sách với chính quyền đặc khu. Ảnh: Reuters. |
Một bài xã luận khác đăng tải trên China Daily cùng ngày cũng cảnh báo người biểu tình không nên thách thức sự kiên nhẫn của chính quyền trung ương và khẳng định đang có các thế lực nước ngoài đứng sau xúi giục.
"Họ đã thách thức điểm mấu chốt của chính sách 'một quốc gia, hai chế độ' bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để đạt được mục tiêu bất chính là tạo ra một 'Hong Kong độc lập'", bài đăng trên China Daily cho biết.
Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong cho phép chính phủ Mỹ đánh giá mức độ tự chủ chính trị của Hong Kong hàng năm để xác định có nên tiếp tục tình trạng thương mại đặc biệt theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992 hay không. Nếu tình trạng thương mại đặc biệt không còn, các khoản đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc và Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng.
Truyền thông Trung Quốc cũng lên án hành vi bạo lực hôm 8/9, khi một số người biểu tình đập phá trạm tàu điện ngầm. Bài đăng trên Tân Hoa Xã hôm 9/9 cáo buộc người biểu tình quá ích kỷ, đặt lợi ích bản thân lên trên mọi người.
"Đối với phần lớn những người yêu Hong Kong thầm lặng, đã đến lúc phải đứng lên và lớn tiếng nói không với bạo lực này", Tân Hoa Xã khẳng định.
Người phát ngôn của chính quyền Hong Kong cũng cho biết các cơ quan lập pháp nước ngoài không nên can thiệp vấn đề nội bộ của đặc khu dưới bất kỳ hình thức nào. "Chúng tôi sẽ duy trì quyền tự chủ để bảo vệ lợi ích và lợi thế của chúng tôi dựa trên chính sách một quốc gia, hai chế độ", người phát ngôn nói.
Biểu tình tại đặc khu Hong Kong đã bước sang tuần thứ 14 với những diễn biến ngày càng phức tạp. Trung Quốc nhiều lần lên án hành vi bạo lực của người biểu tình giống như "khủng bố" và có biểu hiện của cách mạng màu, thuật ngữ được dùng để chỉ phong trào biểu tình ở Đông Âu vào những năm 2000.
Chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đã tuyên bố áp dụng mọi biện pháp và không khoanh tay đứng nhìn nếu chính quyền đặc khu không thể kiểm soát tình hình biểu tình.
Ngọc Ánh (Theo Politico)