Bảo hiểm xã hội Việt Nam giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội

 Bộ máy, vị trí, chức năng nhiệm vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày càng được củng cố, tăng cường, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn.

Gần 25 thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chế độ hưu trí, tử tuất được thiết kế theo hướng tiệm cận với nguyên tắc đóng - hưởng, từng bước hướng đến sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng;

Khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia bảo hiểm y tế; từng bước thực hiện thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Để có được những kết quả như vậy, không thể không nhắc đến những người đã đặt nền móng, những chính sách, định hướng thống nhất bộ máy tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội.

Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991 đã xác định: “Đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng: mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Từng bước tách quỹ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức nhà nước khỏi ngân sách và hình thành quỹ bảo hiểm xã hội chung cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế”.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội.

Cùng với thực tiễn thí điểm bảo hiểm xã hội ngoài quốc doanh, cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập tổ chức bảo hiểm xã hội tập trung, thống nhất đã thực sự chín muồi.

Ngày 22/06/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/CP quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội.

Ngày 30/09/1993, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 66/CP quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/1993, cùng thời điểm hiệu lực thi hành của Nghị định 43/CP.

Việc ra đời Nghị định 43/CP được đánh giá là tạo ra đột phá mới trong thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội, với những quy định về nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi được hưởng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; tách chế độ bảo hiểm xã hội ra khỏi các trợ cấp xã hội.

Theo đó, việc thực hiện 5 chế độ bảo hiểm xã hội bao gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất được áp dụng bắt buộc đối với công nhân, viên chức thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, Đoàn thể; người lao động làm việc hưởng lương hoặc tiền công ở những doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên; người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và trong các tổ chức khác của nước ngoài tại Việt Nam và người lao động Việt Nam làm việc trong khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt.

Nghị định này đã đưa ra hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng từ 1 đến 5 chế độ đối với những người lao động Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nghị định 43/CP có riêng một phần quy định về Quỹ bảo hiểm xã hội và một phần khác quy định về hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội. Theo đó, Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ sự đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già. Ảnh: Dương Ngọc. 

Đối với hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc, người sử dụng lao động, hàng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội bằng 15% tổng quỹ tiền lương, trong đó 10% để thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất, 5% để thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động hàng tháng đóng 5% tiền lương vào Quỹ bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ hưu trí, chế độ tử tuất.

Đối với hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xác định và quy định mức đóng góp.

Điều 23, Điều 24 của Nghị định 43/CP quy định, Chính phủ thành lập hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam để quản lý thống nhất quỹ và sự nghiệp bảo hiểm xã hội quy định tại Nghị định này trên cơ sở thống nhất tổ chức bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thành lập Hội đồng quản trị bảo hiểm xã hội Trung ương chủ yếu là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài chính. Có thể nói, sự ra đời của Nghị định 43/CP là sự khởi đầu cho việc cải cách thực sự cho hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam.

Nhận định việc tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định 43/CP chậm sẽ ảnh hưởng đến quá trình đổi mới hệ thống chính sách xã hội nói chung, chính sách bảo hiểm xã hội nói riêng và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, ngày 28/01/1994, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã có Tờ trình số 14/TTr-TCCP kèm theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc thành lập bảo hiểm xã hội Việt Nam và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và nhiệm vụ của Hội đồng Quản trị bảo hiểm xã hội (trích nguyên văn từ Nghị định 43/CP-Tg), gửi lấy ý kiến các bộ, ngành.

Ngày 07/05/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 215/TTg về những công việc cần làm ngay để triển khai Nghị định 43/CP, đưa ra 4 yêu cầu cấp bách: Thành lập Ban Trù bị triển khai thực hiện Nghị định số 43/CP ngày 22/06/1993 của Chính phủ; Trong Quý IV/1994, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức bảo hiểm xã hội trực thuộc bàn giao xong vốn, tài sản, công nợ và nhân sự của mình sang cho tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 43/CP;


Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của an sinh xã hội

Ngày 31/08/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 472/TTg về việc kiểm kê tài sản của các tổ chức bảo hiểm xã hội trực thuộc Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ngành lao động.

Theo Quyết định này, các tài sản đã được kiểm kê của các tổ chức bảo hiểm xã hội hiện nay sẽ được bàn giao cho tổ chức bảo hiểm xã hội mới thành lập.

Ngày 07/10/1994, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tiếp tục có Văn bản số 220/TCCP-CB về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giúp Chính phủ thống nhất quản lý việc thu, chi, quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Theo tinh thần Nghị quyết TW7 (khoá VIII) và Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển giao bộ máy tổ chức và nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, quản lý Quỹ bảo hiểm y tế từ bảo hiểm y tế Việt Nam về Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trong suốt gần 25 năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, tham mưu, đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời ban hành các chủ trương, nghị quyết, quy định phù hợp với tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế qua từng thời kỳ.

Vũ Phương

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nói về khoản nợ 800 tỉ đồng cho ALCII vay

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền 800 tỉ đồng cho Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) vay có ...

Phó TGĐ Bảo hiểm Xã Hội Việt Nam: 'Nhiều thay đổi lớn về cách tính lương hưu từ ngày 01/01/2018'

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn mới đây đã cung cấp những thông tin rất chi tiết về cách tính tỷ ...

Quỹ bảo hiểm y tế dự báo bội chi hơn 10.000 tỷ đồng năm 2017

Nhiều tỉnh như Quảng Nam, Quảng Trị hiện đã sử dụng hết 70-90% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả năm của tỉnh.  

/ giaoduc.net.vn