Tết đến bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo lắng, nhiều người cảm thấy sợ hãi, hốt hoảng vì phải vung tiền như nước cho các khoản quà cáp, biếu xén, đi lại, ăn uống trong dịp Tết. Chia sẻ với Dân Việt, Tiến sĩ Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, gia đình và phát triển cộng đồng (Hà Nội) nhận định, đừng thấy người khác có mai khủng, đào to mà chạy theo, biến Tết thành gánh nặng.
Thưa bà, Tết đến nhiều gia đình được đoàn viên, tuy nhiên bên cạnh niềm vui các gia đình cũng đối mặt với nhiều khoản lo liên quan tới tiền bạc. Bà thấy điều đó có đúng?.
Tiến sĩ Ngô Thị Ngọc Anh: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, con người cũng vì vậy mà bị cuốn theo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần nhiều tiền để chi trả cho các khoản sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt tiền càng có vai trò quan trọng trong mỗi dịp lễ Tết.
Ngày Tết là ngày đoàn viên, do vậy nhu cầu đi lại, mua sắm, tặng quà… cũng nhiều hơn chính bởi lẽ đó các gia đình sẽ phải cần một lượng lớn tiền để chi trả cho các nhu cầu này. Bạn bè tôi cho biết, chỉ chục ngày Tết gia đình họ phải chi hết cả trăm triệu. Đủ các khoản tiêu, nào quà cáp, biếu xén, mua thực phẩm, đồ ăn, quần áo cho con, cho người thân, tiền lì xì… nhiều nhất có lẽ là khoản tiền mua quà cáp, biếu tặng.
Nên chọn những món quà Tết có giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất. Ảnh: I.T
Chính bởi vì nhu cầu chi tiêu quá lớn thế nên tiền bạc thực sự trở thành nỗi lo lớn với đại bộ phận gia đình Việt Nam, đặc biệt gia đình có kinh tế khó khăn không dư giả gì. Nhiều người bị chi phối bởi việc nhà người ta có cây đào to, cây mai khủng, còn nhà mình không có gì. Hay như, thấy người ta lì xì cho con mình, mình không lì xì thì ngại, mà lì xì thì không có… vậy nên lúc nào cũng mang tâm trạng lo lắng.
Nhiều cặp vợ chồng chỉ vì tiền nong, chi tiêu mà mâu thuẫn, giận hờn thậm chí đánh nhau. Cần phải nhìn nhận vấn đề này thế nào, làm gì giải quyết xung đột nếu xung đột đó liên quan tới tài chính, chi tiêu dịp Tết?.
- Thực ra, mỗi độ Tết đến xuân về, bên cạnh niềm vui thì những gia đình của chúng ta cũng đối mặt với không biết bao nhiêu những nỗi lo, nguy cơ sự xung đột rạn nứt. Một trong những nguyên nhân chính, tác động chính là về vấn đề tài chính, chi tiêu trong gia đình. Có người thì vì chồng không đưa tiền lương, thưởng Tết nên giận. Có người thì giận vợ vì vợ chỉ chăm chăm lo cho nhà ngoại. Người khác nữa thì lại chi tiêu thả ga, nhậu nhẹt suốt ngày với bạn bè… hậu quả là vợ chồng cãi nhau, gia đình mâu thuẫn. Thậm chí có gia đình còn đứng trên bờ vực dạn nứt, ly thân, ly hôn chỉ sau một cái Tết.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, vợ chồng nên cùng nói chuyện với nhau để tìm được tiếng nói chung trong việc sử dụng tài chính, nên chi gì, tiêu gì. Khi không thống nhất được quan điểm chi tiêu thì cần bình tĩnh, nhiều khi cũng cần nhún nhường, áp dụng chiêu thức đàm phán, thương lượng đối phương để tránh sự mâu thuẫn (cười).
Bà Ngô Thị Ngọc Anh chia sẻ về các chi tiêu ngày Tết. Ảnh: I.T
Bà có lời khuyên nào để các gia đình có thể vui xuân mà vẫn chi tiêu thật hợp lý?
- Thực ra lời khuyên thì rất nhiều, tuy nhiên theo tôi chỉ cần các gia đình cân nhắc, tính toán thật kỹ khả năng tài chính của bản thân thì sẽ có cách chi tiêu hợp lý. Chỉ nên chi tối đa 2/3 nguồn tài chính có trong dịp Tết, số còn lại phải giữ lại để chi tiêu cho các khoản khác liên quan tới con cái, học hành…
Các gia đình không nên cố gắng quá, để rồi xong Tết lại cháy túi, chạy vạy, vay mượn, nợ nần khắp nơi. Quan trọng nhất không phải là mọi người chi tiêu thế nào, mà là các gia đình ăn Tết ra sao. Có lành mạnh, an vui, ấm áp hay không mới là điều quan trọng.
Chỉ còn 2 ngày nữa là tới thời khắc giao thừa, chào đón năm mới bà có lời chúc nào cho độc giả báo Dân Việt không?
- Nhân dịp năm mới sắp tới, tôi xin chúc tất cả độc giả báp Dân Việt một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, sức khoẻ dồi dào. Chúc mọi gia đình có một cái Tết ấm áp, an vui, tiết kiệm và hạnh phúc.
Hoa mắt, chóng mặt vì những khoản chi tiêu: Lý do vì sao phụ nữ “sợ Tết”
Lên kế hoạch chi tiêu, biếu tiền nội ngoại, mua sắm thực phẩm, tính toán lì xì ngày Tết vốn là những nỗi lo sợ ... |
Nàng dâu cầu cứu bác sĩ tâm thần vì áp lực ngày Tết
Một nàng dâu ở Hà Nội thường xuyên mất ngủ, căng thẳng sau gần một tháng lo lắng chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên ... |
Phụ nữ thật ích kỷ, lười biếng khi sợ Tết
Tôi đọc mấy lời phàn nàn của các bà vợ về việc sợ Tết vì phải dọn dẹp nấu ăn cho gia đình, đi lại ... |
Ảo tưởng về "Tết khỏe, Tết vui" bị bố mẹ chồng vùi dập phũ phàng
Dù đã rào trước, đón sau nhưng vừa nghe được nửa câu, bố mẹ chồng giận vợ chồng tôi tím mặt, đập bàn quát tháo. ... |