Bác sĩ khẳng định việc bà bầu 7 tháng tham gia thi chạy chỉ là một số trường hợp cá biệt và không nên áp dụng rộng rãi cho phụ nữ mang thai.
Bà bầu 7 tháng có nên chạy bộ 5 km? Trả lời câu hỏi của Báo điện tử VTC News, bác sĩ Đinh Việt Anh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết không thể có kết luận chung cho mọi trường hợp là tốt hay không tốt, nên hay không nên. Một số thai phụ có thể chạy 5km là chuyện bình thường, nhưng không phải ai cũng có thể và cũng không nên tùy tiện làm theo.
Hình ảnh thai phụ bụng bầu 29 tuần (hơn 7 tháng) về đích ở một cuộc thi chạy diễn ra mới đây ở Việt Nam gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến chê trách và lo ngại cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé. Dù vậy, cũng có nhiều người bênh vực, cho rằng các thai phụ vẫn có thể tập luyện thể thao ở mức độ vừa sức.
Trước khi phân tich cụ thể, bác sĩ Đinh Việt Anh nhấn mạnh các thai phụ cần "lắng nghe cơ thể". Không có công thức chung nào về tập luyện thể dục thể thao trong thai kỳ, bởi thể trạng mỗi người là khác nhau. Thậm chí, với mỗi người, chỉ số cơ thể cũng thay đổi qua từng giai đoạn.
Hình ảnh bà bầu tham gia giải chạy gây ra nhiều tranh cãi.
"Chúng tôi thường khuyến cáo thai phụ không nên vận động quá sức. Có thể hiểu đơn giản là cơ thể sẽ ưu tiên sử dụng oxy cho não, cơ bắp hơn tử cung. Tuy nhiên, mức độ thế nào là quá sức lại không phải công thức áp dụng cho mọi trường hợp", bác sĩ Đinh Việt Anh cho biết.
"Đối với những người chơi thể thao thường xuyên, cơ thể đã quen với cường độ vận động nhất định, ngưỡng quá sức có thể cao hơn người khác. Tuy nhiên, ngay cả những trường hợp này, cũng vẫn cần theo dõi kỹ, liên tục trạng thái cơ thể.
Điều chắc chắn là họ cần giảm cường độ, khối lượng vận động đi rất nhiều. Ví dụ, nếu bạn đó đã quen chạy 10 km hay 20 km trước đây và vẫn duy trì nhịp vận động mức thấp hơn trong thai kỳ, thì việc chạy 5km có thể coi là nhẹ.
Ngược lại, nếu cơ thể không quen vận động thì việc đó là không nên, thậm chí ngay cả việc tập thể dục cũng cần phải xem xét kỹ. Nhìn chung, việc tăng cường độ vận động đột ngột so với thói quen là điều không tốt cho tất cả mọi người, thai phụ thì càng không nên".
Trên thực tế, một số giải chạy ở Việt Nam và thế giới ghi nhận các trường hợp thai phụ tham gia. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng chỉ nên coi đây là các trường hợp cá biệt và không nên lấy làm hình mẫu chung cho việc tập luyện thể thao đối với phụ nữ mang thai.
Bác sĩ Dương Tiến Cần (bệnh viện Thể thao Việt Nam) cho biết các thai phụ nên vận động nhưng ở mức độ nhẹ như đi bộ. Bên cạnh các vấn đề sức khỏe, người mang thai khi tập luyện thể thao luôn phải lưu ý tới những rủi ro khác có thể xảy ra.
Theo vị chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường thể thao đỉnh cao ở Việt Nam, chạy bộ với quãng đường 5km luôn có rủi ro cho phụ nữ mang thai.
"Về mặt y khoa, tôi cho rằng không nên áp dụng rộng rãi phương pháp này. Phụ nữ mang thai tháng thứ 7, thường chỉ nên duy trì đi bộ mỗi ngày khoảng 30 phút để thư giãn. Có thể chạy chậm hoặc đi bộ, nhưng 5 km là cả một vấn đề.
Việc chạy bộ có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học, sự thay đổi nội tiết. Người phụ nữ mang thai, cơ thể luôn có sự thay đổi. Tôi nghĩ hoạt động như vậy giống như đánh cược. Quan điểm của tôi là không thể đem ra đại trà. Tôi cho rằng cần có sự khuyến cáo, thậm chí cảnh báo", bác sĩ Dương Tiến Cần cho biết.