- Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận máy bay sơ tán công dân bị bắn ở Sudan
- "Chảo lửa" Sudan đối mặt nguy cơ xảy ra thảm họa sinh học quy mô lớn
- Giao tranh bùng phát trở lại ở Sudan, thêm nhiều người bỏ chạy
Trong 3 tuần qua, bác sĩ Huwaida al-Hassan, 52 tuổi cùng 2 con gái là nha sĩ 24 tuổi Waddaha và sinh viên y khoa 22 tuổi Zainab đã ngày đêm chăm sóc những người dân thường bị thương và bệnh nhân mãn tính tràn ngập Bệnh viện Albaan Aljadid ở Thủ đô Khartoum của Sudan. Họ làm việc liên tục kể từ ngày giao tranh giữa các bên tham chiến ở Sudan nổ ra hôm 15-4.
Bất chấp nhiều nỗ lực ngừng bắn, đụng độ ác liệt giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vẫn tiếp diễn, khiến hơn 550 người thiệt mạng và 4.926 người khác bị thương. Ít nhất 60% cơ sở chăm sóc sức khỏe của Thủ đô Khartoum đã ngừng hoạt động vì bạo lực. “Trong vài ngày đầu tiên, tôi không phân biệt được ngày hay đêm, hay là ngày thứ mấy trong tuần”, nữ bác sĩ al-Hassan kể lại.
Các nhân viên tranh thủ chợp mắt tại một bệnh viện quá tải bệnh nhân ở Khartoum, Sudan |
Giữa muôn vàn khó khăn
Khi hầu hết các bệnh viện và nhà thuốc đóng cửa, phụ nữ mang thai không thể tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng như thuốc mà họ cần để sinh con an toàn. Giống như nhiều bác sĩ quanh Khartoum, bác sĩ sản khoa al-Hassan đã tự mình giúp đỡ bệnh nhân trong khả năng có thể, tiếp nhận những phụ nữ mang thai phức tạp phải sinh mổ.
Tình trạng thiếu thiết bị và thuốc men trầm trọng, thậm chí cả nhân viên tại bệnh viện đã khiến bà al-Hassan phải đỡ đẻ trung bình 5 em bé mỗi ngày với rất ít sự trợ giúp hoặc vật dụng hỗ trợ. “Hầu hết những ngày đó không có bác sĩ gây mê, vệ sinh thích hợp, điện cũng chập chờn, lại thiếu thuốc phù hợp. Tôi chỉ có thể giữ các bà mẹ tối đa 10 giờ sau ca sinh mổ để nhường chỗ cho bệnh nhân mới”, al-Hassan nói.
Ngoài việc đỡ đẻ, với sự giúp đỡ của các con gái và các nhân viên y tế khác, bà al-Hassan còn tư vấn qua điện thoại cho những phụ nữ mang thai gặp biến chứng và chăm sóc những người bị thương hay bệnh nhân mãn tính khác tại bệnh viện. “Tất cả chúng tôi đang làm nhiều công việc khác nhau, từ điều trị bệnh nhân ngoài chuyên môn của mình, mang thức ăn cho nhân viên và bệnh nhân, đến dọn dẹp phòng bệnh và vệ sinh thiết bị”, bà al-Hassan nói. Bà nói thêm: “Các nhân viên y tế thực sự kiệt sức, họ chỉ kịp chợp mắt ở một góc nào đó trong vài phút rồi lại tỉnh ngay để tiếp tục công việc”.
Dù sao, al-Hassan, thành viên của Hiệp hội Bác sĩ Sudan cảm thấy mình còn may mắn hơn hầu hết các nhân viên y tế tại bệnh viện. “Tôi đã đưa mẹ già của mình rời khỏi Khartoum và vì sống gần bệnh viện nên tôi có thể gặp gia đình và có vài giờ nghỉ ngơi mỗi ngày. Trong khi hầu hết các nhân viên đã không rời bệnh viện trong nhiều tuần”, bác sĩ này nói.
Quyết không rời nhiệm vụ
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất là ngày bà ra ngoài mua bánh mì cho nhân viên và bệnh nhân, nhưng cuối cùng lại phải đỡ một em bé sinh trong ô tô. “Người mẹ không thể đến bệnh viện nên chúng tôi đỡ ngay tại đó. Mẹ cậu bé đã đặt tên con mình là Chiến thắng”, bà kể.
Nhiều bệnh viện ở Sudan đã bị tấn công, các cơ sở nhân đạo bị cướp phá và các nhóm viện trợ nước ngoài buộc phải đình chỉ hầu hết các hoạt động của họ. Liên hợp quốc cho biết, khoảng 100.000 người đã rời khỏi Sudan sang các nước láng giềng, với hơn 42.000 người Sudan đã vượt biên sang Ai Cập cùng với 2.300 công dân nước ngoài kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Nhưng al-Hassan, dù thường xuyên tranh luận với chồng về chủ đề này, đã nhất quyết ở lại. “Chồng tôi liên tục bảo tôi rời đi, nhưng tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là người dân và đất nước của mình. Tôi sẽ không bao giờ bỏ lại cả hai phía sau”, bà al-Hassan cho biết.
Mỗi lần người chồng gọi điện để hỏi thăm tình hình, nếu có tiếng bom lớn phía sau là bà không trả lời điện thoại để tránh làm người thân lo lắng thêm. “Tôi biết ông ấy lo lắng cho sự an toàn của vợ con, nhưng chúng tôi có nhiệm vụ và chúng tôi phải tiếp tục”, nữ bác sĩ quả quyết.