Người dân Xứ cờ hoa bấy lâu nay vẫn sống trong nỗi ám ảnh về nạn bạo lực súng đạn nghiêm trọng, tồn tại dai dẳng. Và người dân Mỹ lại càng ám ảnh hơn vì thực trạng nhức nhối này khi ngày 13/7 (giờ địa phương), ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng Donald Trump bị bắn vào tai khi đang vận động tranh cử tại bang Pennsylvania. Vụ việc khiến cả nước Mỹ "rúng động" và thế giới ngỡ ngàng.
Theo truyền thông sở tại, ông Donald Trump đã xuất viện vào cuối ngày 13/7 (giờ địa phương) sau khi được chăm sóc vết thương và kiểm tra sức khoẻ. Đại diện chiến dịch tranh cử của ông và lãnh đạo đảng Cộng hòa khẳng định, vị cựu Tổng thống "vẫn ổn" và sẽ có mặt tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở Milwaukee vào tuần tới. Ông sẽ chính thức được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa tại sự kiện này.
"Với tư cách là ứng cử viên của đảng Cộng hòa, ông Trump sẽ tiếp tục chia sẻ tầm nhìn để nước Mỹ vĩ đại trở lại", tuyên bố nhấn mạnh. Trước đó cùng ngày, theo xác nhận của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nghi phạm trong vụ nổ súng là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, sống ở Bethel Park, bang Pennsylvania. Trong khi đó, theo báo New York Post, đối tượng đã bắn vài phát súng, trong đó có một viên sượt qua tai của ông Donald Trump. Đối tượng này đã bị các nhân viên mật vụ bắn hạ và chết sau đó. Cảnh sát cũng đã tìm thấy một khẩu súng tiểu liên tại hiện trường. Hiện vẫn chưa rõ động cơ của Matthew Crooks khi tiến hành vụ nổ súng.
Trước đó, tại họp báo ở thành phố Butler về vụ nổ súng, đại diện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận vụ nổ súng nhằm vào ứng cử viên Donald Trump là một âm mưu ám sát. Kể lại khoảnh khắc kinh hoàng đó, tỉ phú Donald Trump chia sẻ: "Tôi bị một viên đạn xuyên qua phần trên tai phải. Thật không thể tin được hành động như vậy lại có thể xảy ra ở đất nước chúng ta".
Ông bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc nghe thấy tiếng rít, tiếng súng và lập tức cảm nhận viên đạn xuyên qua da. "Máu chảy nhiều nên tôi biết điều gì đang xảy ra. Chúa phù hộ nước Mỹ", cựu Tổng thống Mỹ nói. "Tôi muốn bày tỏ lòng thương tiếc tới gia đình khán giả thiệt mạng tại sự kiện, cũng như gia đình của người bị thương. Đến giờ chúng ta chưa biết gì về tay súng đã chết", ông chia sẻ thêm trên mạng xã hội Truth.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và thế giới kịch liệt lên án và bày tỏ sốc trước vụ việc này. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đây hành vi mà tất cả mọi người cần lên án, đồng thời xác nhận đã nói chuyện với ông Donald Trump sau khi vụ việc xảy ra. Ông khẳng định không thể để những vụ việc như vậy tiếp diễn. Hiện, ông đang đợi thêm thông tin trước khi chính thức gọi vụ tấn công này là âm mưu ám sát bất thành nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, cơ quan chủ quản của Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) Alejandro Mayorkas kịch liệt lên án vụ tấn công, khẳng định bộ này sẽ "triển khai mọi biện pháp có thể" để đảm bảo an toàn cho Tổng thống Joe Biden, cựu Tổng thống Donald Trump và chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên này.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Giám sát thuộc Hạ viện Mỹ James Comer thông báo, ủy ban này sẽ mở cuộc điều tra vụ nổ súng, đồng thời yêu cầu Giám đốc USSS Kimberly Cheatle sớm tham dự một cuộc điều trần về việc các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ nổ súng theo hướng đây là âm mưu ám sát cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong tuyên bố, ông James Comer nêu rõ: "Tôi cảm kích trước các thành viên Cơ quan Mật vụ, những người đã không màng mạng sống để bảo vệ cựu Tổng thống Trump và những công dân vô tội đang tham dự sự kiện... Bạo lực chính trị là không thể chấp nhận được dưới bất kỳ hình thức nào".
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và nhiều quan chức Nhà Trắng cho biết họ cảm thấy choáng váng trước thông tin vụ nổ súng nhằm vào ứng cử viên Donald Trump, khẳng định bạo lực chính trị là không thể chấp nhận được.
Về phía lãnh đạo quốc tế, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên án vụ nổ súng nhằm vào ông Donald Trump: "Tổng Thư ký Antonio Guterres lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực chính trị này. Ông gửi chúc tốt đẹp nhất tới ông Donald Trump, chúc ông ấy nhanh chóng bình phục".
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã lên án vụ tấn công, nhấn mạnh: "Một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến hành vi bạo lực không thể chấp nhận được nhằm vào các nhân vật chính trị". Cũng từ châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên án vụ nổ súng là hành động "hèn hạ" và "đe dọa nền dân chủ".
Ở nước láng giềng Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron gọi vụ ám sát là một "thảm kịch đối với nền dân chủ". Từ Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng, thế giới không nên dung túng cho các hành động bạo lực, đồng thời gửi lời chúc ông Trump nhanh chóng bình phục. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lên án vụ tấn công là "khoảnh khắc kinh hoàng không chỉ đối với Mỹ, mà còn đối với toàn bộ thế giới dân chủ".
Tại châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự cảm thông đối với ông Donald Trump, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Bắc Kinh đang "theo dõi chặt chẽ" vụ việc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tố cáo vụ tấn công là hành động "bạo lực chính trị khủng khiếp". Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ phản đối các cuộc tấn công mang động cơ chính trị. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cũng lên án mọi hình thức bạo lực chính trị.
Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ sốc về vụ việc và gửi lời chúc ông Trump mau chóng bình phục. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cũng lên án vụ nổ súng, đồng thời kêu gọi nối lại các cuộc bầu cử ở Mỹ trong bầu không khí "yên bình và lành mạnh". Tại châu Mỹ, các nhà lãnh đạo của Argentina, Brazil, Chile, Colombia và Boliva đồng loạt lên án vụ bạo lực.
Bạo lực súng đạn ở Mỹ không phải là vấn đề mới mà dường như đó đã là một vấn nạn xã hội dai dẳng và chưa tìm được lời giải. Cơ quan Lưu trữ Bạo lực súng ở Mỹ định nghĩa, một vụ xả súng hàng loạt có nghĩa là 4 người trở lên (không bao gồm thủ phạm) bị bắn ở cùng thời gian và địa điểm, bất kể tỷ lệ tử vong hay động cơ.
Tại quốc gia này, các vụ xả súng hàng loạt đã gia tăng đều đặn trong hơn 20 năm qua, trong bối cảnh tăng chung số vụ giết người thời gian gần đây. Các vụ giết người xảy ra ở trường học, nhà thờ, siêu thị hoặc tại nơi làm việc… Và dường như không gì có thể ngăn cản được các đối tượng xả súng. Một số người cho rằng các vụ xả súng xảy ra tại Mỹ nhiều như vậy là do tình trạng bạo lực trong xã hội nước này, hoặc nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc, hay vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân không được quan tâm đúng mức…
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Giáo sư Adam Lankford thuộc Đại học Alabama cho thấy, những nguyên nhân trên phần lớn là mẫu số chung trong các vụ xả súng trên toàn thế giới. Điều khác biệt duy nhất tại Mỹ là sự bùng nổ thị trường súng đạn. Theo nghiên cứu này, Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu tới 42% số súng trên thế giới. Ngoài ra, theo một số người dân Mỹ khác, các vụ xả súng xảy ra là hậu quả xuất phát từ hoạt động của các băng nhóm tội phạm, những bộ phim bạo lực, các cuộc chiến tranh ở nước ngoài có sự tham gia của người Mỹ.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học Franklin E. Zimring và nhà tội phạm học Gordon Hawkins thuộc Đại học Berkeley, bang California, từng đưa ra những phân tích cho thấy nước Mỹ không phải là nơi dễ dàng cho hoạt động tội phạm nếu không có súng: Nguy cơ bị cướp của một người ở New York giống y như một người ở London nhưng người ở New York có khả năng bị bắn cao hơn người ở London gấp… 54 lần. Có thể thấy rằng nguyên nhân quan trọng hàng đầu, theo nhiều nhà chức trách, chuyên gia và kể cả người dân Mỹ, là do nước này có luật và chính sách về súng đạn lỏng lẻo hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa ngã ngũ được các biệp pháp pháp lý kiểm soát súng đạn tại xứ cờ hoa. Kể từ khi nhậm chức đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy các biện pháp an toàn súng đạn và thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát. Nhưng bấy lâu nay, việc siết chặt kiểm soát súng luôn bị các nhóm có lợi ích trực tiếp từ buôn bán súng như Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) chi phối và gây ảnh hưởng. Đây là lý do khiến không chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden hiện tại mà qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, cuộc chiến pháp lý kiểm soát súng đạn vẫn "năm lần bảy lượt" chưa thể đi đến hồi kết.
Và bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với người dân Mỹ khi liên tiếp xảy ra thương vong do xả súng. Cuộc chiến pháp lý kiểm soát súng đạn, vì vậy, dù vẫn luôn đặt ra thách thức đối với các nhà chức trách Mỹ, song, chắc chắn cũng là đòi hỏi cấp thiết để các nhà chức trách nước này xem xét thống nhất tìm ra giải pháp kiểm soát súng đạn, để đem lại bình yên cho người dân cũng như tránh được những thương vong không đáng có.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/am-anh-bao-luc-sung-dan-dai-dang-i737410/