Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 đưa ra một con số không lạ: Phát hiện thừa biên chế 57.000 người trong khu vực nhà nước. Nói “không lạ”, là bởi kết quả của “phép trừ tinh giản” luôn là sự tăng thêm.
Thừa, có nghĩa là có cũng được, không có cũng vẫn được. Thừa, có nghĩa là “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.
Nhưng không lạ, vì chẳng hạn theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, nhưng sau 2 năm thực hiện Nghị quyết này, không những không giảm 140.000 người mà ngược lại, còn tăng lên 96.000 người...
Không lạ, bởi tiếng là giảm, nhưng số cơ quan bộ và ngang bộ thuộc Chính phủ vẫn còn tới 30 đầu mối. Trong khi ở Nhật chỉ 11, Singapore 15, ngay cả đất nước tỷ dân láng giềng cũng chỉ 20.
Không lạ, vì bên cạnh bộ, cơ quan ngang bộ, chúng ta còn có quá nhiều tổng cục. Kết quả thực hiện nghị quyết 39 công bố hồi năm ngoái cho thấy cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với năm 2011; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với năm 2011 (mà số liệu này chưa kể Quân đội và Công an).
Riêng các cơ quan giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ, tăng 21%; đầu mối cấp phòng cũng tăng 37,4%;...
Tính đến ngày 1.3.2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước khoảng 4 triệu người, chưa tính Quân đội và Công an. Số cán bộ công chức ở Trung ương là 279.143 người; cấp tỉnh, huyện 2.080.000 người; cấp xã, thôn, tổ dân phố 1.266.000 người.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức TƯ Phạm Minh Chính từng nhìn nhận: Về cơ bản, tỷ lệ công chức nước ta cao hơn rất nhiều so với các nước.
Và đây là những con số: Tỷ lệ công viên chức hưởng lương trên 1.000 dân ở Việt Nam là 43 người chưa kể Quân đội và Công an, trong khi đó Philipines, tính cả Công an và Quân đội là 1.000 dân mới có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người; Singapore có 25 người...
Đưa ra con số dư thừa, đến 57.000 biên chế, có nghĩa là Chính phủ cũng đã biết đó là một tồn tại, một thứ tồn tại vừa tiêu hao tiền bạc từ NSNN, vừa chỉ làm rối, làm cồng kềnh bộ máy.
Để giảm dư thừa, để tinh giản thực sự là phép trừ, có lẽ cần có những đề án như cách mà Bộ Công an đang làm, cần có những chỉ tiêu tinh giản cụ thể cho từng bộ, ngành ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu như một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ.
Còn nếu chỉ trông chờ vào những đề án của một bộ chuyên nghiệp như Bộ Nội vụ thì kết quả đã có rồi đấy. Ít nhất 2 đời Bộ trưởng rồi chứ đâu phải là chuyện mới mẻ gì.
Thu nhập tăng thêm không phải là “chiếc bánh” ai cũng được chia phần
Đề án chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tại TPHCM theo cơ chế đặc thù đã được bàn ... |
Công chức Hà Nội vi phạm quy tắc ứng xử do \'ảnh hưởng thời tiết\'
Sau một năm ban hành Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức, Hà Nội dự kiến có thêm chế tài xử lý ... |
Cán bộ Hà Nội \'thích thì mới làm\'
HĐND Hà Nội cho rằng còn tình trạng cán bộ công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, gợi ý lấy tiền để ... |