5 bất cập khiến thị trường 'khát' xăng dầu

Công thức tính giá lạc hậu, điều hành thiếu linh hoạt, nguồn cung nhập khẩu giảm mạnh... là những nguyên nhân chính khiến thị trường xăng dầu "rối như canh hẹ".

Việt Nam chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất, nhưng tình trạng khan hiếm vẫn diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, cho thấy bức tranh thị trường tổng thể còn nhiều bất cập, cần giải pháp mạnh để bình ổn. 

Cơ chế tính phí xăng dầu lạc hậu

Thị trường xăng dầu bán lẻ gần đây diễn biến "nóng", ghi nhận nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xăng dầu chỉ ra là cơ chế tính chi phí xăng dầu hiện nay đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế.

5 bất cập khiến thị trường 'khát' xăng dầu  - 1

Hiện tượng hàng loạt cây xăng đóng cửa, hoặc bán cầm chừng...vì lỗ hé lộ những bất cập về chính sách cần giải quyết thấu đáo.

Theo phản ánh trước đó của doanh nghiệp xăng dầu, trong cơ cấu tính giá cơ sở mức phụ phí vận chuyển từ nước ngoài về cảng cố định 2,5 USD một thùng, nhưng thực tế chi phí này đã tăng gấp 2-3 lần, ở mức 5-8 USD. Thêm nữa, trong công thức giá cơ sở chưa có khoản chi phí vận chuyển từ nhà máy lọc dầu trong nước về tới kho doanh nghiệp đầu mối, tức là các đầu mối đang phải gánh chi phí này. Ngoài ra, hiện giá nhập về (đầu vào) cao hơn giá bán ra tại thị trường trong nước (đầu ra), và các chi phí chưa được hạch toán vào giá thành...nên doanh nghiệp đầu mối cũng lỗ trên mỗi lít xăng bán ra, buộc họ phải hạ chiết khấu xuống thấp, thậm chí là 0 đồng.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng cho biết VINPA nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính tính toán lại khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy trong nước về đến cảng để tính giá xăng dầu. Thời gian qua, do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu thế giới đã tăng lên mức rất cao. Trong công thức tính giá, cơ quan nhà nước đã quy định rất rõ việc tính toán theo giá thế giới trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, những chi phí nằm trong công thức giá vẫn áp dụng và sử dụng những chi phí được xác lập từ năm 2014 mà chưa được rà soát lại, chưa được hiệu chỉnh lại, trong khi từ năm 2014 đến nay, những yếu tố như lạm phát, chi phí gia tăng trong vận tải, chi phí về tỷ giá, lãi suất đã có những thay đổi.

Đặc biệt là có những phụ phí vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến việc tính thiếu cho các doanh nghiệp. Trong khi để vận hành thị trường xăng dầu một cách trơn tru, phù hợp, ngoài yếu tố thực hiện theo pháp luật thì cần làm sao để doanh nghiệp đủ chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp xăng dầu cũng phải tính toán đến lợi nhuận, nếu lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời thị trường, ảnh hưởng đến hệ thống cung ứng và gây bất ổn thị trường.

"Với mặt hàng xăng, chúng ta đang tính phụ phí trên cơ sở giá dầu/giá xăng chỉ ở mức 85USD/thùng, nhưng trong quý I/2022 và hiện tại, giá xăng dầu đã lên đến hơn 110 - 120 USD/thùng. Do đó, có thể nói là những phụ phí trong công thức giá không theo kịp dẫn đến việc các doanh nghiệp đầu mối thiếu phần chi phí và đương nhiên sẽ tác động đối với hệ thống của đầu mối là đại lý hoặc là thương nhân phân phối, dẫn đến chiết khấu giảm mạnh", ông Bảo chia sẻ tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8/2022.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bị “lệch pha” thời gian qua là do cách tính chi phí không còn phù hợp với tình hình thực tế. Một số chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu hiện đã tăng 2 - 3 lần so với trước nhưng cách tính chi phí xăng dầu không thay đổi.

Điều này khiến doanh nghiệp đầu mối bị giảm lợi nhuận, thậm chí gánh lỗ nên buộc họ phải giảm chiết khấu cho các đại lý, tổng đại lý, hoặc bán nhỏ giọt cho các cây xăng bán lẻ. Đến lượt mình, đại lý, cửa hàng bán lẻ không có hàng để bản, hoặc cũng phải bán cầm chừng để giảm lỗ. "Chuỗi cung ứng xăng dầu bị ảnh hưởng dẫn đến thị trường bất ổn thời gian vừa qua”, ông Phú nhận xét.

Chiết khấu thấp khiến người bán lẻ lỗ nặng

Công thức tính giá cơ sở bất cập khiến doanh nghiệp đầu mối, phân phối bị lỗ, dẫn đến chiết khấu hay hoa hồng dành cho đại lý, cửa hàng bán lẻ giảm mạnh, thậm chí có lúc về 0 đồng. Chia sẻ với VTC News, ông Đ.V. Hậu (39 tuổi) chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu H.Petro, cho biết đúng là trước đây có tình trạng mức chiết khấu (tiền mà doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng dầu) giảm xuống còn 0 đồng. Với hoa hồng bằng 0, cửa hàng của ông H. đang chịu lỗ tiền mặt bằng, nhân công, khấu hao tài sản…

Bà V.T. Xuyền (40 tuổi), chủ đại lý xăng dầu P.Oil, cũng cho hay, gần đây, mức chiết khấu giảm mạnh, từ 600 đồng, xuống 300 đồng, 200 đồng, 100 đồng rồi về 0 đồng/lít như hiện nay. Việc giá xăng lên xuống, biến động thất thường, chiết khấu lại về 0 khiến mỗi tháng cửa hàng của bà X. lỗ trên 10 triệu đồng, chưa tính tiền nhân công, vì tự đứng bán. 

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sơn Hải (Hà Nội), thông tin, doanh nghiệp của ông đang gặp khó khăn lớn, càng kinh doanh càng lỗ nặng do mức chiết khấu thấp không đủ chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động. Trong khi đó, tổng chi phí cho mỗi lít xăng từ đầu nguồn đến bán lẻ là từ 1.250 - 1.300 đồng/lít, chi phí cho dầu là 1.130 -1.250 đồng/lít. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải gánh đủ mọi loại chi phí khác như lương, thuê nhân sự, vận chuyển, phí bảo hiểm, công đoàn...

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho hay hiện chiết khấu với doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang là 0 đồng/lít. Trong khi chi phí vận chuyển từ kho Đức Giang đến các đại lý mất khoảng 700 đồng/lít. Với mỗi lít bán ra, doanh nghiệp lỗ 1.200-1.300 đồng. Nhưng nguồn cung cũng không sẵn, tình trạng khan hiếm, đứt hàng từ các doanh nghiệp đầu mối xảy ra liên tục. Theo bà Sinh, trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không cần có lãi nhưng cơ quan quản lý phải làm sao để doanh nghiệp có đủ chi phí trả lương cho người lao động.

Thời gian điều hành thiếu linh hoạt

Nhiều ý kiến cho rằng thời gian giữa hai kỳ điều hành giá xăng dầu hiện nay vẫn quá dài, trong khi giá xăng dầu thế giới biến động liên tục, cần phải điều hành nhanh nhạy và linh hoạt hơn. Theo đó, trong văn bản gửi Bộ Công Thương ngày 29/8, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị rút ngắn thời gian điều hành giá trong 24 giờ, kể cả ngày nghỉ, lễ. Doanh nghiệp cho rằng việc này nhằm tránh tình trạng găm hàng, tạo khan hiếm hàng giả trên thị trường và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng từ thương nhân đầu mối đến hệ thống bán lẻ.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng nhà điều hành nên nghiên cứu giảm thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống còn 1 ngày một lần, thậm chí ngắn hơn để phù hợp diễn biến giá thế giới.

Liên quan đến thời gian điều hành giá, Bộ Công Thương cho biết tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan, rà soát, đánh giá và nếu cần thiết sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định về thời gian điều hành giá cũng như một số quy định khác cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nguồn cung nhập khẩu xăng dầu giảm

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu diesel so với quý II. Đáng chú ý, trong số 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, chỉ có 19 đầu mối ghi nhận có hoạt động nhập khẩu, 14 đầu mối còn lại không ghi nhận hoạt động nhập khẩu xăng dầu.

Trong số này, có 3 thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương ngày 7/10 (do ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá ký), Bộ Tài chính đánh giá đây có thể là nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường.

"Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí", văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý II, các doanh nghiệp đầu mối đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu, do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước, đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Nhưng từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10, giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, giá bán lẻ trong nước cũng liên tục giảm theo. "Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng”, ông Đông nói.

Liên bộ Công Thương - Tài chính phối hợp thiếu nhịp nhàng

Theo các chuyên gia, việc để xảy ra những bất cập trên thị trường xăng dầu thời gian qua có trách nhiệm của Liên bộ Công Thương - Tài chính. Bộ Công Thương từng cho biết, trước những bất cập về cơ chế tính chi phí xăng dầu, Bộ đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh nhưng bị chậm trễ.

Trong khi đó, trả lời VTC News ngày 21/9, nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao…Nhằm góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước, ngày 8/7, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương thông báo điều chỉnh một số khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.

Theo đó, kết quả tổng hợp báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho thấy, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, khoản premium trong nước (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng tăng so với định mức hiện hành trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.

Để hạn chế tác động tăng giá, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, trước mắt không điều chỉnh tăng khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng biển trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu. Tại công văn này, Bộ Tài chính thông báo về việc tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu.

Đối với premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị.

"Qua tổng hợp thông tin và số liệu của các thương nhân đầu mối xăng dầu báo cáo về Bộ Tài chính cho thấy với premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, các khoản chi phí này theo báo cáo không phát sinh đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Nhiêu doanh nghiệp xăng dầu hy vọng, chi phí xăng dầu tăng sẽ giải quyết được bài toán khan hiếm xăng dầu trong nước.

Bộ Tài chính đề nghị tăng chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tối đa thêm 660 đồng

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu.

Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít; xăng RON95: 1.280 đồng/lít; dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít; dầu hỏa: 1.740 đồng/lít; dầu mazut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg.

Thời gian thực hiện được Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11.

 

https://vtc.vn/5-bat-cap-khien-thi-truong-khat-xang-dau-ar712731.html

HÒA BÌNH / VTC News