4 mẫu trẻ khiến bố mẹ đau đầu nhưng có triển vọng

Trẻ ưa bày trò nghịch phá thực chất là những đứa rất thông minh, có đầu óc sáng tạo, có các ý tưởng hay trong đầu.

Khổng Tử từng nói: "Trong ba người cùng đi với nhau, tất có người là thầy ta, cần tìm ưu điểm của họ mà học hỏi, nhược điểm của họ mà tránh, như thế mới hoàn thành được nhân cách của mình". Điều này có nghĩa là mỗi người đều có một mặt mạnh, mặt yếu khác nhau, dù là người trưởng thành hay trẻ con.

4 mẫu trẻ dưới đây, dù có thể khiến người lớn đau đầu, nhưng thực chất lại có những điểm mạnh so với trẻ khác, mà nếu được hướng dẫn phù hợp, có thể sẽ có tương lai tốt.

1. Trẻ nói không ngơi nghỉ cả ngày

Khi lên 3, với vốn từ vựng dần tích lũy được, trẻ thích sử dụng ngôn từ để bày tỏ cảm xúc, thay vì những phản ứng bản năng thời còn nhỏ như gào khóc, cười... Trẻ coi từ ngữ là phương tiện để mô tả thế giới đầy màu sắc xung quanh mình. Trẻ có thể ê a tự thoại một mình cả ngày, hoặc trẻ có thể luôn miệng nói với bạn thứ gì đó mà thật khó cụ thể hóa nó là gì. Thực tế, trẻ muốn diễn đạt cho bạn hiểu điều mình nghĩ, trông đợi sự nắm bắt của bạn. Tuy nhiên, việc trẻ nói những câu rối nghĩa, hay nói quá nhiều có thể khiến bạn bực dọc vì "chẳng hiểu nó nói gì".

Trên thực tế, sự cởi mở với quá trình ê a cả ngày của bé thực sự là một cách quan trọng để giúp trẻ học hỏi và bổ sung từ ngữ mới. Đừng quên rằng ngôn ngữ cho trẻ cơ hội biểu đạt cảm xúc, nhu cầu, mong muốn.

Những trẻ nói không ngớt miệng, thậm chí là tự thoại, thực chất là đứa bé có khả năng biểu đạt cảm xúc, vận dụng ngôn ngữ tốt. Trẻ này sẽ có năng lực lãnh đạo, tổ chức tốt trong tương lai, vì thế, cha mẹ không cần lo lắng.

4 mau tre khien bo me dau dau nhung co trien vong
Ảnh: Sohu.

2. Trẻ nghịch phá

Nhiều trẻ hiền lành, được cho là "ngoan", trong khi nhiều trẻ khác lại bị gọi là "tướng cướp" vì quá nghịch. Chúng chạy nhảy, hú hét cả ngày, trừ khi ngủ thì "nhà mới yên".

Với trẻ ở giai đoạn này, mọi sự kỷ luật, khuôn khổ không đúng cách đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển tư duy, khả năng sáng tạo. Nếu mẹ lạnh lùng nói "không" với bé, điều này chỉ càng cản trở sự sáng tạo của đứa bé, kết quả là theo thời gian, chúng trở nên lười tư duy, lười vận động trí tuệ. Cần tôn trọng tính tự phát của bé, giúp bé có cơ hội phát triển tính sáng tạo.

Đối với những hành vi nghịch phá của trẻ, chỉ cần nó không gây ảnh hưởng xấu tới người khác và không có tính rủi ro, bạn đừng nên cấm. Tốt nhất là kín đáo quan sát, lưu tâm tới bé. Ngay cả khi trẻ bày trò nghịch phá gây ra lỗi, bạn cũng nên phạt đúng mực, đừng khiến cho đứa trẻ khiếp sợ bằng roi vọt và lần sau "không dám nghịch".

Trẻ ưa bày trò nghịch phá thực chất là những đứa rất thông minh, có đầu óc sáng tạo, có các ý tưởng hay trong đầu. Nếu được khuyến khích đúng cách, con bạn không chừng có thể là nhà phát minh trong tương lai.

3. Trẻ lì lợm

Trái với những đứa trẻ yếu đuối, hay khóc nhè, nhiều trẻ bị bố mẹ hay thầy cô phàn nàn là quá lì lợm, "mặt dày", "không biết xấu hổ". Biểu hiện của trẻ này khả năng chịu đựng, không dễ òa khóc, không dễ phản ứng lại khi bị trách mắng.

Trên thực tế, trẻ này cũng có những điểm mạnh riêng, nhất là với một xã hội phức tạp. Trẻ thuộc nhóm này lớn lên dễ thích nghi với áp lực, vững vàng, mạnh mẽ hơn trong khó khăn. Chỉ cần cha mẹ có sự giáo dục phù hợp, ví dụ là nhẫn nại lắng nghe, chia sẻ, thay vì mất kiên nhẫn, dùng roi vọt để trị sự lì lợm đó, bé lớn lên sẽ là người mạnh mẽ.

4. Trẻ có "1000 câu hỏi tại sao"

Trẻ em bản tính chung là tò mò, khao khát khám phá, nhưng ở một số trẻ điều này càng nổi bật. Chúng luôn có hàng trăm nghìn câu hỏi đặt ra cho những người xung quanh, đủ khiến bố mẹ muốn điên đầu.

Phản ứng của cha mẹ nếu có một em bé như vậy trong nhà rất quan trọng. Nếu câu hỏi mà bé đặt ra nằm trong phạm vi hiểu biết của bạn, nên cố gắng giải thích cho con. Trước khi nổi cáu vì con hỏi quá nhiều, nên điều chỉnh tâm lý của bạn đã, sau đó trả lời câu hỏi của bé một cách khách quan và rõ ràng nhất có thể. Trẻ sẽ đánh giá cao sự hiểu biết, thậm chí ngưỡng mộ bố mẹ.

Ngược lại, nếu bạn không biết đáp án cho câu hỏi của con, có thể cùng con tìm hiểu và học hỏi. Như vậy vừa không mất điểm trong mắt con, vừa có thêm kiến thức, thay vì nổi cáu lên để che đậy sự không biết của mình. Đừng quên, sự ham tìm tòi của bé đồng nghĩa với tư duy nhanh nhạy, tinh thần muốn khám phá của đứa trẻ, và với kiến thức có được, nó sẽ càng tiến xa.

Con người không ai là hoàn hảo, kể cả bố mẹ lẫn con cái đều có những nhược điểm của riêng mình. Vì thế, như Khổng Tử nói, học điểm tốt, bỏ qua điểm xấu chính là cách để hai phía cùng tiến bộ.

Thùy Linh (theo Sohu)

4 mau tre khien bo me dau dau nhung co trien vong Những cách xử lý khi trẻ nói dối

Trẻ muốn gây chú ý hoặc che đậy điều gì đó nên có thể nói dối. Cha mẹ cần phân biệt mức độ hành vi, ...

4 mau tre khien bo me dau dau nhung co trien vong 12 điều chỉ có cha mẹ tốt mới làm được cho con

Cha mẹ tốt sẽ cho con đủ thời gian vui chơi, dạy con thay vì trừng phạt, cho con được là chính mình…

4 mau tre khien bo me dau dau nhung co trien vong Vì sao trẻ không nghe lời?

Muốn khẳng định cái tôi của mình hoặc không hiểu về những quy tắc ứng xử có thể là lý do khiến trẻ không nghe ...

/ vnexpress.net