Trẻ muốn gây chú ý hoặc che đậy điều gì đó nên có thể nói dối. Cha mẹ cần phân biệt mức độ hành vi, từ đó lựa chọn cách xử lý phù hợp.
Những lý do khiến trẻ nói dối:
- Che đậy một điều gì đó để không gặp rắc rối.
- Xem cha mẹ trả lời như thế nào.
- Nghĩ rằng nói dối câu chuyện sẽ thú vị hơn.
- Gây sự chú ý.
- Có được điều mình muốn.
- Tránh làm tổn thương người khác.
Khi nào trẻ bắt đầu nói dối?
Trẻ em có thể học cách nói dối vào tuổi lên 3 - độ tuổi trẻ bắt đầu nhận ra người lớn không có khả năng đọc hiểu tâm trí trẻ và điều gì cũng biết. Vì vậy, trẻ có thể nói những điều không đúng sự thật và nghĩ cha mẹ sẽ không phát hiện ra.
Trẻ nói dối nhiều hơn ở độ tuổi 4-6 bằng việc kết hợp giọng nói với nét mặt để trông "chuyên nghiệp". Tuy nhiên, nếu người lớn yêu cầu giải thích kỹ hơn, trẻ sẽ thú nhận mình nói dối.
Lớn hơn, những lời nói dối sẽ trở nên phức tạp do trẻ đã có vốn từ nhất định và hiểu tương đối rõ về cách người lớn nghĩ.
Khuyến khích trẻ nói thật
Người lớn có thể làm điều này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực trong gia đình và giúp trẻ hiểu những gì có thể xảy ra nếu nói dối.
Dưới đây là một số lời khuyên:
- Có những cuộc trò chuyện "bóng gió" về việc nói dối với trẻ. Ví dụ hãy kể cho trẻ nghe cảm giác khi bạn phát hiện mình bị những người thân yêu nhất nói dối.
- Giúp trẻ tránh những tình huống cảm thấy cần phải nói dối. Ví dụ, nếu bạn hỏi "Ai làm đổ sữa?", trẻ sợ bị phạt nên có thể lựa chọn cách nói dối. Thay vào đó, bạn có thể nói "Có một tai nạn không may xảy ra với cốc sữa trên bàn, con hãy dọn dẹp nhé".
- Khen ngợi khi trẻ dám nhận lỗi và thừa nhận đã nói dối. Ví dụ "Mẹ rất vui vì con đã nói cho mẹ điều gì xảy ra. Chúng ta hãy cùng nhau giải quyết và sắp xếp lại mọi chuyện".
- Trở thành hình mẫu cho trẻ noi theo. Ví dụ, bạn có thể kể với trẻ về việc làm sai báo cáo hôm nay và đã nói thật với cấp trên để cùng khắc phục.
- Sử dụng một trò đùa để khuyến khích trẻ nói thật mà không xảy ra xung đột. Ví dụ, nếu trẻ đổ lỗi cho con gấu bông, hãy đùa rằng "Mẹ tự hỏi tại sao con gấu lại làm vậy?" hoặc "Con gấu bông làm vậy bằng cách nào nhỉ?" cho đến khi trẻ thú nhận mình gây ra lỗi.
Ảnh: Shutterstock |
Cách xử lý khi phát hiện trẻ nói dối
Việc giải quyết khi phát hiện trẻ nói dối không cần quá gay gắt với trẻ dưới 4 tuổi. Nếu trẻ nói dối có chủ ý, đầu tiên phải giúp trẻ hiểu việc này không tốt, tại sao không được chấp nhận và bạn có thể thiết lập một vài quy tắc trong gia đình. Cụ thể:
- Dành thời gian nói chuyện một cách bình tĩnh để trẻ hiểu cảm giác của bạn khi nhận lời nói dối đó. Hãy cảnh báo việc nói dối ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai người và sẽ như nào khi gia đình và bạn bè không còn tin trẻ nữa.
- Không nên gọi trẻ là "kẻ nói dối" hoặc nhưng câu tương tự. Khi trẻ đã thực sự nghĩ mình là "kẻ nói dối", việc nói thật trở nên không còn cần thiết và nói dối như một lẽ đương nhiên.
- Nếu trẻ nói dối vì muốn thu hút sự chú ý của bạn, hãy cho trẻ thấy mình luôn được quan tâm và không cần thiết phải nói dối nữa.
Nói dối về vấn đề nghiêm trọng
Đôi khi trẻ nói dối hoặc giữ bí mật về các vấn đề nghiêm trọng như giấu việc bạn bè hoặc chính mình bị lạm dụng, bắt nạt. Nếu nghi ngờ trẻ đang gặp phải chuyện nghiêm trong và che giấu, người lớn cần trấn an trẻ sẽ an toàn nếu nói sự thật, đồng thời cho trẻ thấy bạn sẵn sàng làm mọi thứ để vấn đề tốt hơn.
Một số trẻ xem nói dối là chuyện bình thường có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực, thậm chí bất hợp pháp như ăn trộm hoặc lừa đảo. Trường hợp này, người lớn cần tìm đến bác sĩ tâm lý hoặc cố vấn trong trường học để can thiệp kịp thời.
Thanh Hằng (Theo Raising Children)
12 điều chỉ có cha mẹ tốt mới làm được cho con
Cha mẹ tốt sẽ cho con đủ thời gian vui chơi, dạy con thay vì trừng phạt, cho con được là chính mình… |
Bảy bài học bà mẹ rút ra khi nuôi con bướng bỉnh
Trước kia khi không thể yêu cầu con trai làm theo mệnh lệnh, chị Anitra Rice (Mỹ) thường la hét, đe dọa. Giờ chị học ... |
Cha mẹ nói dối, con dễ học theo
Những câu nói dối như "Nếu con không ngoan, bố mẹ sẽ gọi cảnh sát" thể hiện sự không trung thực của bố mẹ, dễ ... |