Việc thay đổi lập trường của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump mở ra những cơ hội kết thúc cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua giữa Nga và Ukraine.
Đến ngày 24/2 tới, cuộc chiến ở Ukraine tròn 3 năm với những tổn thất vô cùng to lớn về cả người và của cho cả hai bên, trong đó phía Ukraine mất mát hơn nhiều dù được Mỹ và châu Âu không ngừng đổ vũ khí và tiền của vào ủng hộ và giúp đỡ nhằm "đánh bại Nga".
Diễn biến cuộc chiến 3 năm qua
Theo các nhà quan sát, khi Moskva bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ngày 24/2/2022 với mục đích ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO và chấm dứt các chính sách bài Nga..., nhiều người nghĩ Kiev sẽ nhanh chóng thất thủ do sự vượt trội về mọi mặt của đối phương. Nhưng điều đó đã không xảy ra, dù trong năm đầu của cuộc chiến, Ukraine đã mất nhiều vùng lãnh thổ; một số thành trì chiến lược ở phía Đông, Đông Nam đã rơi vào tay quân Nga.
Trong năm thứ hai, Ukraine không giữ được thị trấn chiến lược Bakmut. Cuộc phản công được Kiev và phương Tây kỳ vọng làm thay đổi cục diện cuộc chiến đã thất bại. Quân đội hai bên tiếp tục giao tranh ác liệt dọc theo tuyến chiến dài 1.000 km ở vùng phía Đông Ukraine trong tình thế tương đối bế tắc.

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine sắp bước qua năm thứ ba. (Ảnh: Getty)
Bước vào năm thứ ba, quân Nga ngày càng nắm nhiều ưu thế trên chiến trường khi chiếm được Avdivka ngay từ tháng 2/2024, tạo ra một lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng thủ của Ukraine. Đặc biệt, sau khi Nga đẩy mạnh tấn công vào Kharkov ở phía Đông Bắc và gây thêm sức ép vào các khu vực còn lại ở Donetsk, quân đội Ukraine đã mạo hiểm mở cuộc xâm nhập lớn vào vùng Kursk của Nga.
Dù ban đầu gây cho Nga nhiều tổn thất, cuộc tấn công bất ngờ này cũng không làm thay đổi xu hướng của cuộc chiến như Kiev mong đợi và cũng không khiến Nga giảm các hoạt động tấn công ở vùng Donetsk và Lugansk.
Hiện tại, quân Nga chiếm được thêm Toretsk và tiến về Pokrovsk. Đây là những cứ điểm chiến lược quan trọng của Ukraine mà Kiev đã dồn sức bảo vệ suốt thời gian qua. Cho đến nay, mặc dù chưa đạt được mục tiêu biến Ukraine thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn, nhưng Nga đã chiếm và sáp nhập được 4 vùng của Ukraine là Kherson, Donetsk, Zaporizhia và Luhansk; tạo được vành đai an toàn dọc biên giới phía Tây, kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine.
Dù đang chiếm ưu thế rõ rệt trên chiến trường và cơ bản nắm quyền chủ động ở Ukraine, Nga cũng chưa thể đánh gục được đối thủ. Ngược lại, tuy phải vất vả chống đỡ để cản bước quân Nga và giảm thiểu tổn thất về mọi mặt, Ukraine vẫn có những cuộc tấn công nhỏ lẻ táo bạo và nguy hiểm nhằm vào các mục tiêu ở bên trong lãnh thổ Nga.
Mỹ "quay xe", mở ra cơ hội kết thúc cuộc chiến
Theo Báo cáo An ninh Munich 2025, chính quyền Trump đang theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên nguyên tắc "NướcMỹ trên hết", tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc như đối thủ chiến lược chính. Tại Hội nghị đang diễn ra tại thành phố Munich (14 - 16/2), Phó Tổng thống J.D. Vance đã làm rõ thêm về định hướng này khi tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng đó là một phần quan trọng của việc cùng nhau tham gia vào một liên minh chung mà người châu Âu cùng nhau tiến lên trong khi Mỹ tập trung vào các khu vực trên thế giới đang gặp nguy hiểm lớn". Điều đó cho thấy Ukraine không còn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, tuần qua, Tổng thống Trump bất ngờ có những bước đi táo bạo làm rung chuyển cục diện Ukraine.
Ngày 12/2, ông trực tiếp điện đàm với Tổng thống Nga Putin trong khi chưa hề gặp hoặc có trao đổi trước với Tổng thống Ukraine Zelensky. Hai bên Mỹ - Nga thống nhất sẽ bắt đầu đàm phán "ngay lập tức” để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Cùng ngày, tại cuộc họp của Nhóm liên lạc về Ukraine ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã thông báo những thay đổi cơ bản trong lập trường của Mỹ.
Theo đánh giá của tờ Politico, điều mà Ukraine và các đồng minh NATO, trước hết là các nước EU, lo ngại nhất kể từ khi ông Trump tuyên bố "sẽ giải quyết vấn đề Ukraine trong vòng 24 giờ" nếu tái đắc cử, đã trở thành hiện thực. Đó là chủ trương cuộc chiến ở Ukraine phải được chấm dứt qua đàm phán giữa Mỹ và Nga; Kiev không thể hy vọng lấy lại các vùng đất đã bị quân Nga chiếm giữ; Ukraine cũng không thể gia nhập NATO; và quân Mỹ cũng không vào Ukraine để bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ trở thành một trong những nước cung cấp nhiều viện trợ quân sự nhất cho Ukraine. (Ảnh: CNN)
Phía Nga hoan nghênh và hoàn toàn hưởng ứng những đề xuất mới của Mỹ và cho biết đã bắt đầu ngay vào việc chính thức thành lập đoàn đàm phán. Các quan chức cao cấp của Mỹ về an ninh, ngoại giao, quốc phòng và đặc phái viên của Tổng thống về Ukraine tập trung làm rõ thêm những quan điểm, nội dung mới về cuộc chiến ở Ukraine mà chính quyền Trump 2.0 sẽ theo đuổi.
Trong khi đó, Ukraine và các đồng minh châu Âu đều sửng sốt trước nguy cơ bị gạt ra ngoài tiến trình đàm phán tìm giải pháp và đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ đòi phải được tham gia từ đầu và có tiếng nói bình đẳng như Mỹ và Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố: “Bất cứ quyết định nào về việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine đều phải có sự tham gia của Kiev và châu Âu”. Tổng thống Pháp Macron thì nói: "Chỉ có người Ukraine mới có thể đàm phán các điều khoản về một nền hòa bình lâu dài cho đất nước họ”. Còn bà Kaja Kallas, quan chức phụ trách an ninh và ngoại giao mới của Liên minh châu Âu lên tiếng "bất kỳ sự dàn xếp chóng vánh nào đều chỉ là thỏa thuận dơ dáy" và yêu cầu "trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, châu Âu cũng phải đóng vai trò trung tâm".
Nhóm Weimar plus gồm EU, Tây Ban Nha và Anh còn ra Tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Còn ngay tại Mỹ, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời Trump 1.0 John Bolton cũng đã lên tiếng cho rằng "dường như ông Trump đã ‘đầu hàng’ trước các đòi hỏi của Tổng thống Nga Putin".
Dù phản ứng mạnh mẽ, khó có khả năng Ukraine và các đồng minh châu Âu gây được áp lực đủ mạnh để buộc Mỹ phải nghe theo vì các nước này không có đủ thực lực và ý chí để đương đầu với Tổng thống Trump hừng hực quyết tâm đặt "nước Mỹ trên hết”. Tuy nhiên, ông Trump cũng đã lên tiếng Ukraine sẽ được tham gia, nhằm xoa dịu các phản ứng nói trên.
Sự "quay xe” của chính quyền Trump 2.0 trong vấn đề Ukraine và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ châu Âu. Báo cáo Munich nhận định các nước châu Âu đang phải đối mặt với "cơn bão hoàn hảo" khi ba trụ cột chính của mô hình châu Âu đều bị thách thức: kiến trúc an ninh hợp tác đã bị phá hủy bởi cuộc chiến của Nga; mô hình kinh tế đang bị đe dọa bởi xu hướng vũ khí hóa phụ thuộc lẫn nhau; và mô hình dân chủ tự do phải đối mặt với sự phản đối chưa từng có từ cả trong và ngoài nước.
Thật vậy, tại Munich, ông Vance còn làm tăng thêm những lo ngại của các đồng minh châu Âu khi công khai chỉ trích tình trạng suy thoái dân chủ tại châu Âu, cảnh báo "nếu quý vị rơi vào trạng thái sợ hãi cử tri của chính mình, thì nước Mỹ chẳng thể làm gì cho quý vị được nữa rồi”.
Trước đó, ông Vance còn "dội gáo nước lạnh” vào các đại biểu châu Âu ở Munich khi khẳng định "mối đe dọa từ bên trong các nước châu Âu nghiêm trọng hơn cả những thách thức đến từ Nga và Trung Quốc”.
“Kế hoạch 100 ngày” của ông Kellog
Theo những thông tin từ Mỹ được trang tin Strane.today của Ukraine và một số tờ báo châu Âu đưa lại, "Kế hoạch giải quyết hòa bình cuộc chiến Ukraine trong 100 ngày" do đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine Keith Kellog soạn thảo được cho là bao gồm những nội dung chính như sau:
Thực hiện ngừng bắn, đóng băng các hoạt động quân sự dọc chiến tuyến quân sự, Ukraine rút quân hoàn toàn khỏi vùng Kursk của Nga; Tổng thống Zelensky tuyên bố công nhận chủ quyền của Moskva ở các vùng của Ukraine do Nga kiểm soát; đối thoại trực tiếp cấp cao Mỹ - Nga tiến đến hai Tổng thống Trump, Putin và nhà lãnh đạo mới của Ukraine chậm nhất là ngày 9/5 sẽ ký Hiệp ước kết thúc hòa bình cuộc chiến Ukraine.
Ngoài ra, trong kế hoạch nêu trên, phía Mỹ cũng chủ trương các nước EU chịu trách nhiệm đóng góp chính trong tổng số 500 tỷ USD Ukraine cần được trợ giúp trong 10 năm tới để tái thiết đất nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). (Ảnh: RTE.IE)
Bên cạnh đó, nhân Hội nghị An ninh Munich, phía Mỹ cũng chuẩn bị sẵn một "Thỏa thuận tài nguyên" trao cho Tổng thống Ukraine để có thể xem xét ký ngay. Trong thỏa thuận này, phía Mỹ đề nghị được sở hữu 50% tài nguyên khoáng sản quý hiếm của Ukraine như là cách để nước này hoàn trả các khoản viện trợ quân sự mà Washington cung cấp cho Kiev suốt mấy năm qua trị giá lên đến 500 tỷ USD. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky từ chối ký ngay tại Munich khi “chưa có phân tích, đánh giá đầy đủ”.
Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế lên tiếng cho rằng Thỏa thuận trên là một ví dụ điển hình về cách thức quan hệ quốc tế đang được định hình lại trong trật tự thế giới mới; phản ánh sự chuyển dịch từ mô hình viện trợ truyền thống sang quan hệ đối tác chiến lược dựa trên lợi ích thực tế.
Một thời kỳ hỗn loạn kéo dài
Báo cáo An ninh Munich 2025 chỉ ra rằng thế giới đang trải qua quá trình "đa cực hóa" theo hai chiều: Một mặt là sự dịch chuyển quyền lực về phía nhiều trung tâm quyền lực mới, mặt khác là sự gia tăng phân cực cả trong nội bộ các quốc gia lẫn giữa các quốc gia với nhau. Điều này làm cho việc tìm kiếm giải pháp chung cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Đối với hệ thống đồng minh toàn cầu của Mỹ, những diễn biến này chắc chắn sẽ có những tác động phức tạp lâu dài. Các đồng minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang theo dõi chặt chẽ cách Washington đối xử với các đồng minh châu Âu và Ukraine. Điều này có thể dẫn đến việc các nước này phải đi tìm kiếm các bảo đảm an ninh mới để thay thế hoặc đa dạng hóa hơn nữa quan hệ đối ngoại của mình.
Giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard cảnh báo việc Mỹ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu có thể tạo ra "khoảng trống quyền lực nguy hiểm" mà không cường quốc nào có thể lấp đầy một cách hiệu quả. Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group, nhận định thế giới đang bước vào thời kỳ G-Zero - một giai đoạn không có sự lãnh đạo toàn cầu rõ ràng. Giáo sư Francis Fukuyama thì cho rằng sự suy giảm trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt có thể dẫn đến "một thời kỳ hỗn loạn kéo dài" trước khi một trật tự mới được thiết lập.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. (Ảnh: Getty)
Để đạt được một trật tự đa cực ổn định và có lợi cho tất cả các bên, Báo cáo Munich nhấn mạnh cần có một quá trình "giảm phân cực" (depolarization) bắt đầu từ việc giảm bớt những chia rẽ trong nội bộ các quốc gia. Điều này đã được phản ánh trong lời kêu gọi của Phó Tổng thống Vance: "Hãy chấp nhận những gì người dân nói với quý vị, ngay cả khi điều đó gây ngạc nhiên, ngay cả khi quý vị không đồng ý".
Như Báo cáo Munich đã chỉ ra, thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để vừa duy trì các giá trị dân chủ cốt lõi vừa thích ứng với những thay đổi căn bản trong cấu trúc quyền lực toàn cầu. Vance nhấn mạnh: "Tin vào dân chủ là hiểu rằng mỗi công dân của chúng ta đều có trí tuệ và có tiếng nói". Có lẽ đây chính là thách thức then chốt mà cả Mỹ và châu Âu phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi sang trật tự thế giới mới.
Phù hợp với tính cách của mình và triệt để với lời hứa về việc "chấm dứt cuộc chiến trong vòng 24 giờ”, những việc làm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ê kíp của mình trong mấy ngày qua đã mở toang khả năng Mỹ - Nga bắt tay nhau chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài suốt 3 năm qua ở Ukraine.
Tuy nhiên, do lập trường, quan điểm và mục đích của các bên liên quan, nhất là 2 bên đối đầu Nga - Ukraine, còn rất khác và xa nhau, quá trình đàm phán, thương lượng về một giải pháp để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine sắp tới sẽ còn vô vàn khó khăn, trắc trở và không thể sớm kết thúc được.
Trong bối cảnh đó, khi thời điểm đã chín muồi và yếu tố quan trọng nhất là quyết tâm, ý chí của Tổng thống Trump đã xuất hiện, hãy cùng hy vọng rằng quá trình đàm phán vừa được ông Trump khởi động để tìm giải pháp đem lại hòa bình bền vững cho Ukraine có tính đến an ninh và lợi ích chính đáng của cả Nga, Ukraine và tất cả các bên liên quan, sẽ sớm cán đích thành công.
https://vtcnews.vn/3-nam-cuoc-chien-nga-ukraine-co-hoi-cham-dut-xung-dot-dang-den-ar926193.html