Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cho biết, có xấp xỉ 2.100 trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19, nhiều em trong số này có nguy cơ không được bảo đảm phát triển toàn diện.
Ngày 20/10, trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc Hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, gây tổn hại sức khỏe và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào.
"Ủy ban cho rằng, tác động về mặt xã hội của đại dịch rất lớn và chưa được đánh giá đầy đủ; có tình trạng lao động tự do phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước; có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách; có xấp xỉ 2.100 trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19, nhiều em trong số này có nguy cơ không được bảo đảm phát triển toàn diện", bà Thuý Anh nhấn mạnh.
Về an sinh xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc Hội nhấn mạnh, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc Hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo trước Quốc hội. |
Về công tác y tế, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phòng, chống dịch, triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân. Cán bộ, nhân viên y tế không quản ngại vất vả, hiểm nguy, luôn đi đầu trong phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thuý Anh, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ngoài ra, công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát; chưa thực hiện nguyên tắc cách ly tạm thời ngay từ đầu để làm xét nghiệm rộng, căn cứ vào kết quả xét nghiệm để thu hẹp phạm vi cách ly; trong khi nguồn nhân lực hạn chế thì chưa huy động hiệu quả sự tham gia của y tế tư nhân.
Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc dùng cho điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa được bảo hiểm y tế thanh toán; các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm; việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch còn lúng túng, có lúc, có nơi còn chưa kịp thời.
Về bố trí nguồn lực, Ủy ban Xã hội thấy rằng, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch trong thời gian tới dự báo là lớn nhưng nguồn huy động từ xã hội giảm dần, chính vì vậy, ngân sách nhà nước vẫn sẽ vẫn là nguồn lực chính.
Về giáo dục - đào tạo, để thích ứng với đại dịch COVID-19 và đảm bảo quyền học tập của học sinh, sinh viên, Chính phủ đã linh hoạt triển khai các hình thức học tập trực tuyến, học qua truyền hình, các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khai giảng năm học mới phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội; phát động và thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
"Mặc dù vậy, việc triển khai hình thức học trực tuyến còn một số khó khăn, bất cập cả từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình, chất lượng khó đảm bảo, có nguy cơ gây ra một số hệ lụy không tốt cho trẻ em; hạn chế việc thực hành của học sinh, sinh viên", bà Thuý Anh cho biết.
Uỷ ban Xã hội gửi 3 kiến nghị đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng 12 kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội.