14 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong đó có một người mang thai, hầu hết làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng, trở thành bệnh nhân Covid-19.
12 ngày, từ khi phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên, Đà Nẵng ghi nhận 192 ca. Riêng Bệnh viện Đà Nẵng, ổ dịch phức tạp nhất, có đến 11 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, thực tập sinh, bị lây nhiễm. Bệnh viện Phụ sản - Nhi, hai người. Trung tâm Y tế quận Hải Châu, một điều dưỡng.
Ngoài ra, một nhân viên y tế, một bác sĩ ở tỉnh khác đến bệnh viện Đà Nẵng thăm người nhà cũng bị lây nhiễm.
Các ca nhiễm trong nhân viên y tế đều khó xác định được nguồn lây chính xác. Trước 25/7, ngày Đà Nẵng công bố ca nhiễm đầu tiên sau 99 ngày cả nước không lây nhiễm cộng đồng, các biện pháp bảo hộ cho nhân viên y tế ít được thực hiện đầy đủ. Họ có nguy cơ lây nhiễm cao. Họ bị hoán đổi vai trò bất ngờ, trở thành người bệnh trong tình huống bất khả kháng.
Nhân viên y tế chuẩn bị đưa các bệnh nhân và thân nhân ba bệnh viện Đà Nẵng đi cách ly tập trung, hôm 27/7. Ảnh Nguyễn Đông |
Bác sĩ đầu tiên nhiễm nCoV trong đợt dịch mới, ghi nhận ngày 27/7, là "bệnh nhân 421", nam, 26 tuổi, bác sĩ khoa Mắt, Bệnh viện Đà Nẵng. Chưa có báo cáo nào đã công bố xác định được anh bị lây từ đâu. Trước khi kết quả xét nghiệm dương tính, anh chỉ ho khan và có lịch trình di chuyển khá dày.
Khoa Hồi sức tích cực chống độc, ba nữ điều dưỡng cùng được ghi nhận nhiễm nCoV ngày 26/7. "Bệnh nhân 423", 41 tuổi, ngày 24/7 tiếp xúc với "bệnh số 416" khoảng 3 phút. Còn "bệnh nhân 424", nữ, 58 tuổi, ngày 22/7 xuất hiện triệu chứng sốt, ho nhưng không điều trị. "Bệnh nhân 425", 24 tuổi. Tuy không chăm sóc trực tiếp cho các bệnh nhân đầu tiên, 416 và 418, nhưng ngày 23/7, chị này trò chuyện với các đồng nghiệp có tiếp xúc gần với ca 418.
Khoa Y học cổ truyền ghi nhận hai ca. "Bệnh nhân 435", nữ, 29 tuổi, là điều dưỡng. Chị không tham gia các phòng mạch tư ngoài bệnh viện, làm việc liên tục tại Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 21 đến 23/7. Đêm 26/7, chị sốt nên được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại Bệnh viện Phổi. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không ho, không đau họng, không khó thở.
"Bệnh nhân 571", 35 tuổi, nam điều dưỡng, anh làm việc tại khoa và có đi ăn tiệc cưới tại một nhà hàng cùng nhiều đồng nghiệp. Ngày 29/7, bệnh nhân được lấy dịch hầu họng. Ngày 31/7, bệnh nhân đi cách ly khi có kết quả.
Khoa Nội thận - Nội tiết có một nam nhân viên và hai nữ điều dưỡng dương tính. "Bệnh nhân 451", 36 tuổi, khởi phát bệnh từ ngày 26/7, với nhiều triệu chứng rõ rệt của Covid-19 như sốt, mệt mỏi nhiều, tức ngực. Những ngày này, chị nằm tại phòng Dược của khoa, chủ yếu giao tiếp với các đồng nghiệp, ít tiếp xúc bệnh nhân. Kết quả ngày 29/7 khẳng định nhiễm nCoV, hiện sức khỏe của chị cơ bản ổn định.
"Bệnh nhân 465", nữ, 29 tuổi, nhiễm nCoV không triệu chứng, chỉ được xác định dương tính khi làm xét nghiệm. Ngày 30/7 chị được chuyển đến khu cách ly và điều trị của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.
"Bệnh nhân 646", 30 tuổi. Từ ngày 23 đến 1/8, anh làm việc ở viện, về nhà chỉ tiếp xúc với người trong gia đình, không đến nơi nào khác.
"Bệnh nhân 495" là kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng, 30 tuổi. Trong vòng 14 ngày trước khi dương tính nCoV, chị làm việc tại khoa. Hiện, bệnh nhân có bầu 11 tuần. Chị cùng "bệnh nhân 569", mang thai 35 tuần là hai bệnh nhân Covid-19 đang mang thai đầu tiên ở Đà Nẵng.
Bộ Y tế đã xây dựng phương án chăm sóc, điều trị cho hai thai phụ và con của họ. Theo Bộ, hiện chưa có bằng chứng nCoV lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, một bác sĩ hồi sức cấp cứu và ba điều dưỡng đã đến hỗ trợ tại Trung tâm Y tế Hòa Vang, nơi các chị đang điều trị để theo dõi sát sao.
Việt Nam đã có 19 nhân viên y tế nhiễm nCoV cả trong và ngoài bệnh viện. Ảnh Nguyễn Đông |
"Bệnh nhân 653", 34 tuổi, nữ nhân viên Khoa dược, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Bệnh nhân từ ngày 18/7 đến 2/8 chủ yếu trong bệnh viện. Ngày 27/7, chị bắt đầu ho, ngày 2/8 lấy mẫu xét nghiệm. Chiều 4/8, Bộ Y tế công bố chị nhiễm nCoV.
Chiều 5/8, một nhân viên y tế khác cùng cơ quan với "bệnh nhân 653" cũng mắc Covid-19.
"Bệnh nhân 448", thực tập sinh tại Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 22/6 đến 17/7. Ngày 20/7, cô sốt, sau đó uống thuốc và khỏi. Ngày 26/7, bệnh nhân bắt xe khách về TP Buôn Ma Thuột. Ngày 28/7, cô được ghi nhận là ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Đăk Lăk.
"Bệnh nhân 503", là nữ điều dưỡng, 29 tuổi tại Trung tâm y tế quận Hải Châu. Ngày 21 đến 23/7 bệnh nhân đi tập huấn tại Bệnh viện Phụ sản Nhi - Đà Nẵng, sau đó làm ngày xen kẽ tại trung tâm y tế. Ngày 28/7, chị sốt nên được đưa đi cách ly, lấy mẫu. Hiện bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hòa Vang.
Ngoài ra, còn có "bệnh nhân 596", 23 tuổi, nữ, nhân viên y tế phòng khám tư đường Đống Đa. Các ngày 14 đến 19/7 chị vào khoa Ngoại chấn thương thần kinh, Bệnh viện C Đà Nẵng chăm người bệnh.
"Bệnh nhân 669", Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, 50 tuổi. Bác sĩ này cùng vợ là "bệnh nhân 595" đến thăm người thân, tại Khoa Nội, Bệnh viện Đà Nẵng. Họ tiếp xúc gần với người nhà là "bệnh nhân 510".
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, cho biết, đây là những nhân viên y tế bị nhiễm nCoV trước khi phát hiện ca đầu tiên. Sau đó, các bệnh viện đã cung cấp đầy đủ trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế.
"Trong cuộc chiến chống Covid-19, các y bác sĩ trong bệnh viện là những chiến sĩ trên trận tuyến đầu. Các y bác sĩ mắc Covid-19 được bố trí khu cách ly riêng, đảm bảo thời gian điều trị, hồi phục sức khỏe để sớm tiếp tục quay lại công tác phòng chống dịch", Thứ trưởng nói.
Trước đó, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu "đưa y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng ra ngoài" để giảm lây nhiễm, giải phóng nhanh bệnh viện. Ai còn làm việc sẽ có xe đưa đón.
Đợt dịch trước, hai điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai, hai bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhiễm nCoV.
Ca nCoV mới ở Philippines cao nhất Đông Nam Á |
Thêm 16 người Đà Nẵng, một Đồng Nai nhiễm nCoV |
WHO hoàn tất điều tra sơ bộ nguồn gốc nCoV tại Trung Quốc |