Những hoạt động của Trump ở châu Á tuần qua khiến cuộc tranh luận của các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ hoàn toàn bị lu mờ.
|
|
Tổng thống Trump tại Mỹ tháng 3/2018. Ảnh: AP. |
"Rất nhiều điều tuyệt vời đã xảy ra trong ba ngày qua. Tất cả, hoặc ít nhất là hầu hết, đều tuyệt vời cho nước Mỹ. Nhiều điều đã được hoàn thành!", Trump viết trên Twitter khi về Nhà Trắng sau chuyến công du châu Á cuối tuần qua, với một loạt hoạt động liên tiếp từ dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật, thăm Hàn Quốc và có cuộc gặp bất ngờ với lãnh đạo Triều Tiên.
Chuyến công du 100 giờ của Trump diễn ra vào thời điểm ông không phải là trung tâm chú ý của chính trường Mỹ. Thời gian ông ở Nhật dự hội nghị G20 trùng với thời điểm các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ lần đầu tiên tranh luận. Truyền thông trong nước bận rộn đưa tin về những phát ngôn của thượng nghị sĩ Kamala Harris, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden và những người muốn thay thế Trump trong cuộc bầu cử vào năm sau.
Trump không hài lòng về điều đó và dù đang công du, ông liên tục đăng tweet để chê bai các đối thủ. Ông phần nào gây chú ý khi liên tiếp tung ra những phát ngôn công kích các đồng minh, đối tác về thương mại, thậm chí còn tỏ ra hoài nghi về quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, cho rằng Tokyo chỉ hưởng lợi một chiều trong hiệp ước an ninh.
Nhưng tại hội nghị G20, Trump bỗng nhiên "đổi giọng" khi gặp nhiều lãnh đạo thế giới và không tiếc lời ca ngợi họ. Ông gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel là "người phụ nữ tuyệt vời và tôi mừng vì có bà ấy làm bạn", tỏ ý hài lòng với tài liệu về thương mại mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra.
Thông thường, các tổng thống Mỹ luôn thận trọng khi tương tác với các lãnh đạo những nước bị coi là "đối thủ" của Mỹ. Tuy nhiên, Trump muốn thể hiện ông là bậc thầy của thương lượng và hòa đồng với tất cả mọi người. Ông hiếm khi đề cập đến bất kỳ cáo buộc nào khi đối thoại với các lãnh đạo khác trừ khi các phóng viên đặt câu hỏi.
Khi gặp Thái tử Arab Mohammed bin Salman, người bị nghi ngờ liên quan đến vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi, Trump gọi Thái tử là "đồng minh tuyệt vời" đã "làm việc ngoạn mục". Ông gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người bị cáo buộc đã đàn áp và giam hàng chục nghìn người sau một cuộc đảo chính bất thành, là "người bạn ngày càng thân của tôi".
Mặc dù Mỹ - Trung đang trong căng thẳng chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Trump gọi Tập Cận Bình là "người tài giỏi", "có thể được coi là một trong những lãnh đạo vĩ đại trong 200 năm qua".
Khi gặp Putin, người bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ và làm suy yếu lợi ích của Mỹ ở nhiều nơi như Syria, Ukraine và Venezuela, Trump nói rằng ông và Tổng thống Nga "có quan hệ rất tốt". Một phóng viên hỏi Trump liệu ông có yêu cầu Nga không can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2020 hay không, Trump trả lời "tất nhiên tôi sẽ làm vậy". Sau đó ông quay sang phía Putin, cười và nói "đừng can thiệp vào cuộc bầu cử" theo kiểu bông đùa, giống như ông nói vậy chỉ để các phóng viên vừa lòng.
Theo chuyên gia Judi James, những gì Trump thể hiện ở G20, đặc biệt là ngôn ngữ cơ thể của ông, cho thấy Tổng thống Mỹ tin rằng mình là "ngôi sao", là "người quan trọng nhất" tại sự kiện.
Trump được thúc đẩy bởi mong muốn bất kể điều gì ông làm phải là "đầu tiên", "lớn nhất" và điều đó được thể hiện rất rõ trong chuyến công du châu Á. Khi nói chuyện với báo chí trong chuyến công du, ông sử dụng cụm từ "thứ nhất" 9 lần, "đáng kinh ngạc" 16 lần, "tuyệt" hay "tuyệt vời nhất" 50 lần.
Trump nói rằng ông đã xây dựng "nền kinh tế số một thế giới". Thỏa thuận mà ông hy vọng đạt được với Trung Quốc "có thể đi vào lịch sử". Khi trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên vào lãnh thổ Triều Tiên, ông mô tả động thái đó là "lịch sử" và "huyền thoại".
Trump sau đó tự biến mình thành "ngôi sao" thu hút mọi sự chú ý bằng cuộc gặp không ai ngờ tới với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại biên giới liên Triều. Khi người Mỹ thức dậy vào chủ nhật tuần trước, hình ảnh Trump bước qua lãnh thổ Triều Tiên xuất hiện trên khắp các kênh truyền hình và mạng xã hội, làm lu mờ tất cả những vấn đề khác, kể các cuộc tranh luận trên truyền hình vừa diễn ra của các ứng viên đảng Dân chủ.
Dường như đó là dụng ý của ông khi thúc đẩy sự kiện được chuẩn bị trong thời gian rất ngắn này. "Thật tuyệt khi gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, cuộc gặp của chúng ta được đưa tin rất đậm", Trump viết.
Một số người cho rằng trong chuyến công du châu Á, chính sách "nước Mỹ trước tiên" của Trump đã biến thành "Trump trước tiên" vì nhiều động thái và quyết định của Tổng thống dường như nhằm nâng cao vị thế của ông ở trong nước khi cuộc bầu cử năm 2020 sắp diễn ra.
Sau khi gặp ông Tập bên lề G20, Trump đồng ý hoãn áp thuế 25% với 300 triệu USD hàng Trung Quốc, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ cho Huawei, bên bị Mỹ cáo buộc là do thám cho Bắc Kinh.
Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại tin rằng Trump sẽ gặp khó khăn khi tranh cử nếu các đòn áp thuế của ông với Trung Quốc khiến người tiêu dùng Mỹ phải chịu giá cao. Trung Quốc cũng đã tung ra các đòn trả đũa nhắm vào nông dân ở Trung Tây Mỹ, vốn là cộng đồng ủng hộ lớn của ông.
Trump vào lãnh thổ Triều Tiên nhằm tạo ra hình ảnh chính trị có sức nặng mà truyền thông bảo thủ sẽ ca ngợi là bằng chứng về bản lĩnh ngoại giao của ông. Ông sẽ khoe về hành động đó trước các cử tri để chứng minh ông sẵn sàng làm những điều chưa có tiền lệ để tạo ra đột phá. Những bước đi của Trump vào lãnh thổ Triều Tiên sẽ là "công cụ hữu ích" trong chiến dịch tranh cử, Koo Kab-woo, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nói.
Cuộc gặp Trump - Kim hôm 30/6 bị nhiều chuyên gia chỉ trích rằng chỉ phục vụ lợi ích bản thân Trump, là một màn phô diễn hình ảnh để thu hút chú ý trong khi không có tiến bộ thực chất. Tuy nhiên, James Jay Carafano, chuyên gia tại quỹ Heritage nói rằng: "Dù chưa có bằng chứng cho thấy cách tiếp cận ngoại giao đó sẽ có hiệu quả, cũng không có bằng chứng nào cho thấy nó sẽ thất bại".
"Ông ấy chắc chắn sẽ bị chỉ trích nhưng ông ấy không quan tâm. Các nhà phê bình có thể lên án Trump về bất kể điều gì, ông ấy vẫn sẵn sàng thực hiện cách tiếp cận 'ngoại giao cá nhân' của mình và chịu mọi chỉ trích".
"Nếu Triều Tiên không chịu hợp tác thì những người ủng hộ Trump vẫn tán dương Tổng thống vì ông đã cố thử làm điều mới. Sức mạnh của Mỹ sẽ không bị suy yếu còn Triều Tiên thì vẫn bị cô lập", Carafano nói thêm.
Trung Quốc chỉ trích Trump 'can thiệp thô bạo' vấn đề Hong Kong
Trung Quốc yêu cầu Mỹ không ủng hộ người biểu tình dưới bất kỳ hình thức nào sau khi Trump nói "một số chính phủ ... |
Ông Trump hăm he đánh thuế hàng hoá của EU
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế mới đối với số hàng hoá trị giá 4 tỉ USD của Liên minh châu ... |
Phương Vũ (Theo CNN/ NBC)