Vụ hạt nhân Iran: Mỹ \"tự bắn vào chân\"

Giới lãnh đạo Iran khẳng định sẽ không còn ai tin nước Mỹ hoặc chỉ có người ngây thơ mới đi thương thảo với Washington trong thời gian tới

Bất chấp nỗ lực thuyết phục của các đồng minh châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-5 vẫn thông báo ý định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa 6 nước lớn và Iran, lấy lý do đây là thỏa thuận "phiến diện" và "tồi tệ".

Tự cô lập với đồng minh

Ông chủ Nhà Trắng cũng viện cớ cho quyết định trên bằng cáo buộc Tehran đang theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân dù không cơ quan tình báo Mỹ và các thanh sát viên hạt nhân quốc tế nào tin vào điều này - theo tờ The Washington Post. Chưa hết, ông Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ nối lại trừng phạt kinh tế Iran và bất kỳ nước nào "giúp Tehran tìm kiếm vũ khí hạt nhân".

Với bước đi trên, theo giới phân tích, nhà lãnh đạo Mỹ đã cô lập đất nước với các đồng minh phương Tây trong lúc có thể thúc đẩy Iran tiếp tục chương trình hạt nhân và làm trầm trọng hơn các cuộc xung đột ở Trung Đông. Trước mắt, Iran và Pháp, Đức, Anh tuyên bố tiếp tục tuân thủ thỏa thuận có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA). Điều này làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương khi các công ty châu Âu đối mặt việc bị Washington trừng phạt do làm ăn với Iran.

vu hat nhan iran my tu ban vao chan

Các nghị sĩ Iran phản ứng trước quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump Ảnh: AP

Ông Mark Fitzpatrick, Giám đốc điều hành văn phòng của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington, đánh giá việc tái trừng phạt Iran sẽ tạo ra rạn nứt lớn nhất giữa Mỹ và châu Âu kể từ chiến tranh Iraq. Lần này, theo ông, tình hình sẽ tồi tệ hơn bởi không quốc gia châu Âu nào đứng về phía Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc và Nga - 2 nước khác có tham gia ký kết JCPOA - có thể đứng về phía Iran trong việc cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận, làm xấu thêm các mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa các bên.

Để xoa dịu phản ứng chỉ trích, ông Trump cho biết chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với châu Âu để gây sức ép lên Iran, cũng như bác bỏ nhận định Mỹ đang trên đường gây chiến với Iran. Tuy nhiên, ông Trump không công bố bất kỳ sáng kiến ngoại giao nào, trong lúc một quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận hiện không có kế hoạch B sau khi Washington rút khỏi JCPOA. Dù vậy, hiện chưa rõ châu Âu có sẵn lòng tiếp tục làm việc với Mỹ hay không, nhất là sau khi nỗ lực thuyết phục ông Trump cân nhắc chỉnh sửa, thay vì rút khỏi, JCPOA của họ bị bỏ ngoài tai.

Trung Đông thêm căng thẳng

Một hậu quả nghiêm trọng không kém là Tehran có thể nối lại chương trình vũ khí hạt nhân trong trường hợp họ thấy không thể cứu vãn JCPOA, từ đó thúc đẩy một cuộc đua vũ trang ở Trung Đông. Ngoài ra, phe cứng rắn ở Iran có thể dựa vào quyết định của ông Trump để kêu gọi một chính sách đối ngoại "diều hâu", tăng cường can dự quân sự ở Iraq, Syria, Yemen, Lebanon hoặc thậm chí là trả đũa những lợi ích của Mỹ và các đồng minh ở khu vực. Hãng tin Reuters đã liệt kê một số kịch bản trả đũa khả dĩ của Iran như khích lệ các tay súng Shiite tại Iraq tấn công lực lượng Mỹ, làm ngơ trước những vụ tấn công của lực lượng Hezbollah tại Syria nhằm vào Israel hoặc tăng cường ủng hộ phiến quân Houthi tại Yemen.

Ông Trita Parsi, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran - Mỹ (trụ sở ở Washington), gọi động thái của ông Trump là "thảm họa", đe dọa đẩy Trung Đông trở lại nguy cơ chiến tranh. Theo chuyên gia này, một cuộc xung đột như thế có thể bắt đầu tại bất kỳ điểm nóng nào ở khu vực và đe dọa bị lan rộng bởi vai trò của Iran. Trang The Conversation chỉ ra rằng các thế lực tại Trung Đông trong những năm gần đây gần như đã phân hóa thành 2 phe ủng hộ và chống Iran. Bên nào cũng đều muốn thiết lập lại trật tự khu vực nên bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến thảm họa. Nỗi lo này càng lớn hơn bởi ngay sau khi ông Trump công bố quyết định của mình, quân đội Israel đã được đặt trong tình trạng báo động cao trong lúc truyền thông nhà nước Syria cáo buộc Tel Aviv tấn công tên lửa nhằm vào một mục tiêu gần Damascus.

Có lẽ không có gì quá khi tờ The Washington Post nhận định ông Trump đã tạo ra một cuộc khủng hoảng mới khi đơn phương xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Hình tượng hơn, tuyên bố của hơn 100 nhà ngoại giao và chính khách châu Âu gọi việc Mỹ rút khỏi JCPOA là hành động "tự bắn vào chân mình". Tạp chí Rolling Stone cũng cho rằng sau khi rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris hồi năm ngoái, những gì ông Trump làm với JCPOA tiếp tục giáng một đòn mạnh vào vị thế "lãnh đạo thế giới" và uy tín của Washington. Giới lãnh đạo Iran khẳng định sẽ không còn ai tin nước Mỹ hoặc chỉ có người ngây thơ mới đi thương thảo với Washington trong thời gian tới.

Dư chấn trên toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt không ít dư chấn từ động thái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Trump. Tác động trước mắt là giá dầu có thể tăng khi các biện pháp mới hạn chế sản lượng dầu xuất khẩu của Iran. Trong một tháng qua, theo đài CNN, giá dầu thế giới đã tăng 13% lên mức cao nhất trong 3 năm. Iran sở hữu trữ lượng dầu thô nhiều thứ 4 thế giới và gần 1/5 lượng khí thiên nhiên trên toàn cầu. Iran hiện sản xuất khoảng 3,8 triệu thùng dầu/ngày, tăng 1 triệu thùng sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ hồi năm 2016. Riêng ở Mỹ, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người lái xe, doanh số bán xe và tiêu dùng nói chung.

Các hãng máy bay, nhà sản xuất ôtô, tập đoàn khách sạn, du lịch và công ty dầu mỏ phương Tây từng ký kết hợp tác với Iran sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cũng có nguy cơ chịu tổn thất. Chịu ảnh hưởng nặng nhất có lẽ là 2 hãng máy bay Boeing và Airbus khi giấy phép xuất khẩu máy bay thương mại và các phụ tùng, dịch vụ liên quan đến Iran sẽ bị thu hồi trong vòng 90 ngày.

Nền kinh tế Iran - tăng trưởng trở lại trong vài năm qua nhưng quá trình hồi phục vẫn rất chậm - cũng khó tránh thiệt hại. Trong những tháng gần đây, đồng rial của Iran mất 22% giá trị so với một năm trước. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu ở châu Á, khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đang chật vật tìm nguồn cung thay thế dầu thô Iran nhằm tránh gặp rắc rối với Mỹ. Để tránh thiệt hại từ những biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ, Iran có thể tận dụng các kênh ngoại giao cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ của các cường quốc khác đã ký kết thỏa thuận.

Theo đài CNBC, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 8-5 cho biết Iran sẽ thảo luận với Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức để xem liệu thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có thể được duy trì nếu vắng mặt Mỹ hay không. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc chẳng những không giảm mua dầu Iran mà còn có thể tăng trong khi Tehran có khả năng tìm cách tăng cường quan hệ với Nga, quốc gia cũng đang bị Mỹ trừng phạt.

vu hat nhan iran my tu ban vao chan Kẻ thắng, người thua sau khi Mỹ xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran

Mặc dù thực hiện hứa hẹn của mình về việc rút khỏi thỏa thuận Iran, ông Trump vẫn bị đánh giá đã “thua đậm”. Câu ...

vu hat nhan iran my tu ban vao chan Nhà Trắng khẳng định ông Trump muốn có ‘thỏa thuận thực sự’ với Triều Tiên

Thông điệp được gửi kèm lệnh rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có một thỏa thuận ...

vu hat nhan iran my tu ban vao chan Ba lý do khiến ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Không hoàn toàn phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran và đó cũng không phải vấn đề lớn đối với việc thu hút cử tri ...

HOÀNG PHƯƠNG

/ http://nld.com.vn