Ngày 22.2 VCCI gây chú ý của dư luận khi đề xuất đổi cách tính phí BOT dựa trên chi phí vận tải tiết kiệm được của phương tiện và cho rằng, đây là cách giải quyết những bất cập của phương pháp tính giá BOT theo chặng (áp dụng cho dự án thu phí kín) và theo lượt (thu phí hở) hiện nay. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, chưa nhận được ý kiến góp ý này còn các chuyên gia và nhà đầu tư BOT cho rằng đề xuất trên mang tính cảm tính, không khả thi vì không định lượng được.
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Làm sao tính được để mà thu phí?
Trao đổi với Báo Lao Động ngày 23.2, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng VCCI đang “cảm tính thì nói” bởi khi phân tích hiệu quả của dự án BOT giao thông không ai tính như vậy và làm sao mà tính được. “Từng loại xe, tiêu thụ xăng dầu khác nhau, thậm chí có xe chạy cao tốc tốn hơn chạy đường quốc lộ, việc chi phí vận tải tiết kiệm được của phương tiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuỳ từng đối tượng, loại xe, tuỳ từng thời kỳ nên đây là vấn đề định tính khi phân tích về một dự án đầu tư chứ không dùng để định lượng ở góc độ tài chính” chuyên gia này phân tích và khẳng định đề xuất trên cho thấy VCCI không hiểu về giao thông mới đề xuất như vậy.
Bên cạnh đó, về tính khả thi của đề xuất, chuyên gia này cho rằng làm sao mà đòi tiền của chủ xe chỉ dựa trên việc tính cho được một xe tiết kiệm bao nhiêu tiền khi đi trên đường vì 2 chủ xe, 2 loại xe khác nhau tính khác nhau rồi, 2 nhu cầu khác nhau là khác rồi nên nếu áp dụng đề xuất này thì sẽ loạn mà các chủ xe cũng không ủng hộ.
Cùng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Hồng Trường cho rằng góp ý của VCCI là “cảm tính” bởi các dự án BOT giao thông hiện nay đều phải có phương án tài chính và tính toán từ đầu về số vốn thu hồi được trong 1 ngày, điểm nào thì hoà vốn, trả hết phí vay ngân hàng nên nếu đổi cách tính thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các dự án.
Theo ông Trường, về lý thuyết cách tính trên có thể áp dụng với dự án nhà nước bỏ tiền ra đầu tư vì chỉ thu hồi để bù vào duy tu sửa chữa và không chốt thời gian hoàn vốn còn các dự án huy động vốn của nhà đầu tư thì “không thể tính cách đó” và nếu tính cách đó dự án đó không bao giờ làm được và các nhà đầu tư mới cũng chẳng dám bỏ tiền ra đầu tư.
Còn một số nhà đầu tư BOT cho rằng đề xuất của VCCI chỉ gây hoang mang dư luận chứ không thể thực thi bởi không thể tính chi phí tiết kiệm được cho từng dự án, cho từng loại xe, đời xe và hiệu quả về an toàn khi đi đường mới chất lượng tốt với đường cũ xuống cấp thì “định lượng thế nào?”.
Bộ GTVT: Chưa nhận được góp ý nhưng sẽ tiếp thu
Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bộ GTVT cho biết, tới ngày 23.2, bộ chưa nhận được văn bản chính thức từ VCCI góp ý cho thông tư sửa đổi thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ để kinh doanh nhưng đang tiếp thu ý kiến rộng rãi để hoàn thiện dự thảo.
Theo đại diện Bộ GTVT, việc soạn thảo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT được giao cho Vụ Tài chính chủ trì và bộ vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến của người dân, các chuyên gia cũng như các tổ chức xã hội, ban, bộ, ngành. Tuy nhiên, đề xuất của VCCI về việc thay đổi cách tính phí BOT, Bộ GTVT chưa nhận được mà mới chỉ nghe qua báo chí, nội dung cụ thể của đề xuất Bộ GVTT chưa nắm được nên chưa thể đưa ra ý kiến nhưng cho biết sẽ tổng hợp sau khi nhận được cùng các ý kiến đóng góp khác để rà soát, đánh giá và sửa đổi dự thảo thông tư cho phù hợp thực tiễn.
Trước đó, VCCI đề xuất phương pháp tính mức giá mới, dựa trên chi phí vận tải tiết kiệm được của phương tiện. Cụ thể, VCCI cho rằng 2 phương pháp tính giá BOT theo chặng (áp dụng cho dự án thu phí kín) và theo lượt (thu phí hở) hiện nay đều bất cập, không giải quyết được tình trạng thu phí quá cao của một số dự án cải tạo, tăng cường mặt đường. Trong trường hợp đường cũ vẫn còn tốt, đang được đi miễn phí, chủ đầu tư chỉ thực hiện việc cải tạo, tăng cường mặt đường, nhưng được thu giá với mức tối đa là rất bất hợp lý.
Để khắc phục những bất cập trên, VCCI cho rằng phải tính toán chi phí vận tải trung bình của một phương tiện trên đường cũ, bao gồm chi phí khấu hao xe, chi phí nhiên liệu, chi phí thời gian đi lại… Sau khi dự án giao thông được thực hiện, chi phí trung bình giảm xuống, chủ phương tiện được lợi một khoản “chi phí vận tải tiết kiệm được”.
Chủ đầu tư dự án được thu phí BOT không vượt quá chi phí tiết kiệm được. Ví dụ, chi phí trung bình để một xe tải cỡ 4 - 10 tấn đi từ A đến B là 500.000 đồng, sau khi có dự án BOT chi phí giảm còn 300.000 đồng, phương tiện hưởng lợi 200.000 đồng. Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được, nhà đầu tư chỉ được phép thu mức giá tối đa 100.000 đồng.
Theo tính toán của VCCI, phương pháp này luôn “chấp nhận được” đối với chủ phương tiện, do chủ đầu tư chỉ được phép thu giá bằng 50% những gì chủ phương tiện được hưởng lợi, nên chủ phương tiện luôn được hưởng lợi 50% giá trị còn lại. Phương pháp này xem xét cả chất lượng hiện trạng giao thông trước dự án nên không gây ra tình trạng “cải tạo đường cũ, thu phí như đường mới”.
Đề xuất đổi cách tính phí BOT của VCCI: Bộ GTVT nói gì?
Trao đổi với báo Lao Động, đại diện Bộ GTVT cho biết tới ngày hôm nay (23.2), Bộ chưa nhận được văn bản chính thức ... |
Yêu cầu công an điều tra việc gây rối tại Trạm BOT Cẩm Phả
Ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết UBND tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu Công an tỉnh Quảng Ninh ... |