Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện quá nhiều tin đồn mà sự thật giả cứ đan xen chồng chéo. Vấn đề ở chỗ không có bất cứ ai, cơ quan nào đứng ra kiểm chứng những thông tin đó là đúng hay sai, để mọi người có thể đưa ra cách ứng xử cho phù hợp. Tỷ dụ như khi gặp thông tin một nghệ sĩ nổi tiếng nào đó qua đời, nếu đó là sự thật mà mình lại không có động thái chia sẻ với người mình hâm mộ thì áy náy không yên, nhưng nếu chia sẻ nhỡ đó là tin đồn thất thiệt thì vô hình trung đã vi phạm pháp luật.
Hai người phữ bán tăm bị đánh tơi tả vì nghi bắt cóc trẻ em. |
Khi mà thấy ai đó có cách ứng xử không khéo thì người ta thường khuyên mua quyển sách “đắc nhân tâm” mà đọc. Quả là những ai từng đọc cuốn Đắc nhân tâm thì cũng có cải thiện được đôi chút về cách ứng xử, giao tiếp. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc cuốn sách đó dạy chúng ta tuốt tuồn tuột mọi thứ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, nó cũng không “vẽ” ra được đầy đủ về mọi trạng thái, hình thái cũng như hoàn cảnh cụ thể mà mỗi người trong xã hội gặp phải. Theo lẽ đó, chúng ta vẫn đôi lúc đưa ra phương án khá tệ để ứng phó với hoàn cảnh cụ thể mà mình gặp phải.
Trở lại câu chuyện hàng nghìn người dân tụ tập, bao vây nhóm người đi mua đồ gỗ nội thất rồi hè nhau lật đổ xe ô tô, châm lửa đốt trụi. Thông tin mới nhất là cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 người có liên quan đến hành vi hủy hoại tài sản.
Đương nhiên những người này nếu bị các cơ quan tố tụng chứng minh được hành vi đốt xe ô tô thì sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Song, điều đau lòng ở đây là họ vừa là người gây án (theo cáo buộc của CQĐT) nhưng đồng thời cũng là “nạn nhân” bị ám ảnh bởi những tin đồn thiếu căn cứ trên các trang mạng xã hội.
Làm sao có thể không tin khi mà có rất nhiều bài viết về những vụ bắt cóc trẻ em được hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người like, share nhan nhản trên mạng xã hội? Có nhiều người cực đoan rằng “thà giết nhầm hơn bỏ sót”, nên họ thà “vu oan” cho người nào đó có dấu hiệu đánh thuốc mê, thôi miên... để bắt cóc trẻ em, cướp tài sản, còn hơn là để đến khi sự việc xảy ra rồi có hối cũng không kịp.
Tinh thần cảnh giác cao là cần thiết và được các cơ quan chức năng khuyến khích, pháp luật bảo hộ. Song, cảnh giác không có nghĩa là mọi người có quyền chà đạp lên danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, thân thể của người khác chỉ vì nghi ngờ họ có dấu hiệu phạm tội. Việc chứng minh tội phạm là nghĩa vụ của các cơ quan tố tụng, chứ không phải là trách nhiệm của người dân.
Nếu thực sự ai cũng có sự hiểu biết pháp luật như vậy thì khi có hai người phụ nữ bán tăm bị nghi ngờ đánh thuốc mê để bắt cóc trẻ em, họ sẽ tìm cách giữ chân để báo cho cơ quan chức năng đến giải quyết, chứ không phải là quây vào đánh hội đồng đến thâm tím mặt mày những người phụ nữ này. Nói như vậy xem ra cũng chưa ổn, bởi sẽ có người cho rằng, trong số những người đốt xe, đánh hội đồng người bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em có phải ai cũng thiếu hiểu biết pháp luật đâu.
Điều này thì đúng, trong số hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người ấy chắc chắn có những người không những hiểu biết pháp luật, mà thậm chí hiểu sâu và ý thức được hậu quả pháp lý của hành động trái pháp luật đó. Song, thay vì chọn cách ứng xử văn minh, đúng pháp luật, họ lại chọn việc a dua, đồng lõa manh động với những hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật.
Đó là bàn về khía cạnh người tiếp thu những tin đồn trên các trang mạng xã hội. Vậy trách nhiệm ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước về những tin đồn đó ra sao? Đơn cử như trong vụ việc đốt xe ở Hải Dương, hay đánh người ở Bắc Giang do nghi ngờ bắt cóc trẻ em thì cơ quan quản lý nhà nước cũng có một phần trách nhiệm. Nếu như có sự kiểm chứng rằng bài viết nào là sự thật, bài viết nào là tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong nhân dân thì cơ quan chức năng phải có biện pháp tuyên truyền cho người dân hiểu, thậm chí có chế tài nghiêm khắc với những người cố tình tung tin đồn thất thiệt.
Chẳng phải trong thời gian qua có quá nhiều nghệ sĩ bỗng dưng bị “lăn ra chết” trên mạng xã hội, một số khác thì bị người ta gán cho mắc bệnh hiểm nghèo... Song, ngay cả khi bài viết đó đã bị chính nạn nhân phủ nhận thì cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để làm rõ ai là kẻ tung tin đồn thất thiệt và có ý đồ gì để đưa ra trừng trị nghiêm minh trước pháp luật hay chưa? Nếu tin đồn nào cũng lập tức được làm rõ ngay để dư luận biết đúng sai thì đâu có xảy ra nhiều chuyện rắc rối đến vậy.
Chẳng hạn mới đây rộ lên tin đồn ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt đã khiến cổ phiếu của đơn vị này sụt giảm thê thảm. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán “bay” mất 2 tỉ USD. Và nếu lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) chưa lên tiếng trấn an rằng không có chuyện đó thì e rằng nguy cơ tiềm ẩn đối với BIDV nói riêng và cả hệ thống ngân hàng nói chung là hết sức nguy hiểm. Vậy nên việc ứng phó với tin đồn giờ đây không còn là của mỗi cá nhân nữa, mà là trách nhiệm của cả xã hội.
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện quá nhiều tin đồn mà sự thật giả cứ đan xen chồng chéo. Vấn đề ở chỗ không có bất cứ ai, cơ quan nào đứng ra kiểm chứng những thông tin đó là đúng hay sai, để mọi người có thể đưa ra cách ứng xử cho phù hợp. Tỷ dụ như khi gặp thông tin một nghệ sĩ nổi tiếng nào đó qua đời, nếu đó là sự thật mà mình lại không có động thái chia sẻ với người mình hâm mộ thì áy náy không yên, nhưng nếu chia sẻ nhỡ đó là tin đồn thất thiệt thì vô hình trung đã vi phạm pháp luật.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/ung-pho-tin-don-376254