Tư tưởng nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và BOT

Hôm qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về các dự án BOT. Điều đáng mừng là 5 khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện chủ trương BOT đã được chỉ ra. Vấn đề công khai, minh bạch, đấu thầu... để chống “nhóm lợi ích”, “sân sau” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo lại được nhắc đến.

Tất nhiên câu chuyện chưa dừng lại sau khi có kết luận thanh tra. Theo các báo, cánh lái xe trên các tuyến đường có trạm BOT vẫn đang tìm cách “né trạm”. Ví dụ, để “né trạm” trên quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Phòng, con đường 196 (nay gọi là đường 380), chạy trên địa bàn xã Minh Hải, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đang “gồng lên” nguy hiểm. Từ khi Trạm thu phí đi vào hoạt động đã xảy ra nhiều tai nạn giao thông trên tuyến đường này, chủ yếu do xe container gây ra.

Góp phần vào việc “vào cuộc” nhanh chóng của các cơ quan kiểm toán, thanh tra cấp Trung ương đối với các dự án BOT, thực tế đã có công rất lớn của báo chí, công luận, hành động phản kháng của cánh tài xế, khởi đầu ở Trạm thu phí Bến Thủy (Nghệ An). Nếu chỉ thắc mắc, kiến nghị bằng đơn thư qua con đường hành chính, có lẽ không ai nghe dân?

“Lối thoát” cho “cuộc chiến tiền lẻ” của cánh lái xe thời gian qua, duy nhất chỉ là lấy đối thoại thay cho đối phó. Chính quyền sinh ra không phải để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư bằng mọi giá mà coi thường quyền lợi của nhân dân. Thái độ phản kháng của lái xe qua các trạm thu phí BOT không phải chỉ vì họ. Phí vận tải tăng cao, có nghĩa là giá thành hàng hóa tăng cao mà thiệt hại cuối cùng là người tiêu dùng cả nước và kinh tế - xã hội đất nước.

Thực tế đó đang dạy chúng ta một bài học rằng: thực hiện các dự án BOT phải bảo đảm lợi ích hài hòa giữa “Nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng”. Không thể ngang nhiên “bán đường”, đè đầu, cưỡi cổ thu tiền một cách vô tội vạ.

Chính quyền do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng lên từ 02/9/1945 quyết không phải để bảo vệ cho lợi ích của các “nhóm lợi ích” hoặc biến thái của “tư bản thời hoang dã” đã và đang xuất hiện ở Việt Nam hiện nay.

Điều thứ nhất của Hiến pháp năm 1946 xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Mục 1, Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 nêu: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Có lẽ các quan chức hiện nay không ai không nhớ câu nói ngắn gọn, mộc mạc mà có sức khái quát rất cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân dân “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”.

Làm BOT cũng phải thấm nhuần tư tưởng vì nhân dân theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(http://baophapluat.vn/kinh-te/tu-tuong-nhan-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-va-bot-353313.html)

/ Theo Ngô Đức Hành/Báo Pháp luật Việt Nam