Khi trường đại học vận hành theo cơ chế "giá dịch vụ đào tạo", liệu người mua và người bán có được thỏa thuận, đàm phán với nhau hay không?
Đã từng tranh cãi nảy lửa trước khi trình Quốc hội
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH), tiêu đề của Điều 65 là "Học phí" được thay bằng "Giá dịch vụ đào tạo". Ngay lập tức đề xuất đã bị phản ứng mạnh mẽ.
Giải thích về điều chỉnh này, Bộ GD-ĐT cho biết trong luật gốc (dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục) vẫn dùng khái niệm "học phí" (ở điều 105); cụ thể là "mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo".
Bà Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Tổ soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH cho biết trước khi đi đến sử dụng từ “giá dịch vụ đào tạo” các thành viên trong ban soạn thảo đã có những tranh cãi nảy lửa. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn, kinh nghiệm của các nước và Luật Giá thì sửa điều khoản "học phí" thành “giá dịch vụ đào tạo” là nhằm bao gồm tất cả các khoản thu khác.
Bà Quỳ lý giải, ở nhiều nước, bên cạnh học phí có rất nhiều khoản khác như phí ghi danh, phí tài liệu học tập... do vậy nếu chỉ quy định một khoản thu là học phí thì những khoản thu khác sẽ không được chấp nhận.
“Nếu chỉ gọi “học phí” thì có đưa vào học phí những khoản phí khác không? Nếu đưa tất cả những khoản phí khác vào học phí cũng không đúng, còn nếu không quy định thì những khoản khác sẽ không được chấp nhận, nên điều này có cái khó riêng” – bà Quỳ nói.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng gọi học phí là "giá dịch vụ đào tạo" là hợp lý. Lý do là hiện tại học phí của các trường tự chủ đã được tính theo chi phí phục vụ đào tạo (tùy trường được tự chủ về chi thường xuyên hoặc tự chủ cả chi thường xuyên và đầu tư). Mặt khác, mức học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ ban hành cũng căn cứ một phần vào cách tính của các trường tự chủ.
“Sự điều chỉnh này giúp minh bạch thông tin về các khoản thu của các trường đại học, giúp cho việc định mức thu học phí của các trường khác nhau tùy theo cam kết dịch vụ cung cấp cho người học. Về bản chất, giá dịch vụ đào tạo sẽ bao gồm tất cả các loại chi phí cấu thành nên, tùy thuộc kiểu trường được bao cấp hay không bao cấp. Trên thực tế lâu nay, các trường tư thục đã thu theo kiểu này, chỉ các trường công lập vẫn lấn cấn về tự chủ”- ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, từ "giá dịch vụ đào tạo" là rõ nghĩa theo kế toán nhưng lạ lẫm với người học. Vì vậy, về từ ngữ có thể dùng từ dễ hiểu và có thông lệ, còn điều quan trọng là công bố rõ cách tính giá thành của dịch vụ cung cấp cho người học.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng về bản chất pháp lý đề xuất gọi “giá dịch vụ đào tạo” là đúng vì đã có Luật phí và lệ phí, Luật giá. Khi nói "giá", ban soạn thảo đã giải thích bao hàm cả học phí và những đóng góp khác, nhưng trong thực tế của các trường khoản thu chủ yếu và thường kì là học phí. Học phí là khái niệm quen thuộc với người dân và xã hội, do vậy nếu tên gọi khác nhau nhưng bản chất không thay đổi thì nên giữ tên “học phí”. Theo ông Thắng việc tính học phí hoặc “giá dịch vụ đào tạo” sẽ gần với chi phí đào tạo nhất. Như vậy nhà nước có thể hỗ trợ những đối tượng chính sách, các đối tượng khác học bậc học không bắt buộc phải có trách nhiệm đóng góp. Hiện nay, chi phí đào tạo chưa tính đúng tính đủ, và vẫn còn bao cấp nên các đơn vị vẫn chưa thực sự chú trọng tới chất lượng đào tạo. Nhưng khi học phí đã tính đúng tính đủ chi phí đào tạo thì các trường đại học phải đáp ứng chất lượng tương xứng. Các trường khác nhau có "giá dịch vụ đào tạo" khác nhau và người học có quyền lựa chọn.
Đừng để giáo dục là cái chợ!
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Khoa luật - Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng nếu xét về tên gọi thì gọi "học phí" hay "giá dịch vụ đào tạo" đều không làm thay đổi bản chất. Học phí vẫn là khoản tiền phải trả cho việc học cùng với những dịch vụ kèm theo việc học. Ngoài ra, trong pháp luật, khoản tiền phải trả cho một loại dịch vụ thường được gọi "thù lao" hoặc "phí dịch vụ", ít khi sử dụng từ “giá dịch vụ”. Cụ thể, Luật Thương mại khi quy định về dịch vụ cũng chỉ nói "thù lao" hoặc " phí dịch vụ". Do vậy dùng từ "phí" hay "thù lao" chẳng ảnh hưởng đến bản chất pháp lý và bản chất kinh tế.
"Nếu xét về cơ chế, khi chúng ta đề cập đến từ “giá” thì thường sẽ phải chấp nhận sự thỏa thuận giữa các bên tham gia. Tuy nhiên, học phí cũng như những loại dịch vụ công khác thường không có thỏa thuận. Do vậy nếu sử dụng cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” thì chúng ta có sẵn sàng chấp nhận sự “thuận mua, vừa bán” hay không"- ông Sơn đặt câu hỏi.
Theo ông Sơn, cái gốc của vấn đề là khi quan niệm “học phí” bao hàm cả "giá dịch vụ" thì cơ chế hình thành “giá dịch vụ đào tạo” có tuân theo Luật giá và các quy định quy luật của thị trường hay không? Trong đó, người mua và người bán có được thỏa thuận, đàm phán với nhau hay không?
"Về khung pháp lý, hoạt động giáo dục có khung pháp lý riêng. Chúng ta có Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục…. Các đạo luật này được ban hành bởi hoạt động giáo dục có đặc thù riêng. Do đó, ngay cả khi chúng ta coi hoạt động giáo dục như một loại dịch vụ, chúng ta không thể biến nó thành “cái chợ”. - ông Sơn nói.
Tương tự, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, cho rằng học phí thì gọi là học phí và không có lý do gì để thay đổi từ này.
Theo ông Tùng lâu nay, xã hội vẫn đang hiểu phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Còn Luật phí và Lệ phí thì định nghĩa "phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công được quy định trong danh mục phí được ban hành". Điều đó không có nghĩa là ngoài danh mục này không được gọi là phí. Vì Luật phí và lệ phí cũng ghi rõ định nghĩa này áp dụng "trong luật này", chứ không phải áp dụng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Phan Thị Bích Nguyệt cho rằng, dù được hưởng cơ chế tự chủ nhưng các trường công vẫn phải đặt lên hàng đầu "trách nhiệm xã hội". Do vậy, quan điểm của trường là sẽ tính suất đào tạo tương ứng với chất lượng đang cung cấp nhưng không để bất kì một sinh viên nào đỗ vào trường phải bỏ học do nghèo, khó khăn.
Bà Nguyệt cho rằng, các trường chỉ tính như thế nào để đáp ứng chất lượng của trường đang cung cấp cho người học một suất đào tạo phù hợp, chứ không tăng học phí cao bằng mọi giá.
Lê Huyền
Quan hệ trường – trò theo Luật Giá, còn quan hệ thầy – trò theo luật gì?
Trong khi Phó Thủ tướng - Vương Đình Huệ vừa có chỉ đạo Bộ GTVT chỉnh sửa lại tên gọi “trạm thu giá” cho dễ ... |
"Học phí” thành “giá dịch vụ”: Tính cả tiền giảng viên đi nghỉ mát vào chi phí đào tạo?
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, khi các trường đại học được tự chủ trong việc tính toán chi phí đào tạo mà người ... |