Trạm BOT: \"Thu giá\" linh động hơn \"thu phí\"

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải thích BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên phải gọi là thu giá, còn thu phí thì mang tính chất nhà nước

Trong phiên thảo luận ở tổ vào ngày 22-5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đánh giá vấn đề "trạm thu giá " chưa lúc nào nóng như năm 2017, "nhưng đây là sản phẩm của giai đoạn trước".

Giải quyết ổn thỏa các vấn đề về BOT

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nếu sắp xếp, giải quyết không ổn thỏa thì tạo dư luận không tốt, việc đầu tư BOT sẽ gặp khó khăn. Do đó, vừa qua, thực hiện chỉ đạo của trung ương, cùng với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Bộ GTVT đã tham mưu, đề xuất một số chủ trương, biện pháp và có thể nói đến thời điểm này, "tình hình các trạm thu giá BOT đã tương đối ổn định".

Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) về việc đổi khái niệm từ "thu phí" sang "thu giá" trong BOT giao thông, người đứng đầu ngành giao thông cho biết BOT là sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của nhà nước.

"Phí liên quan tới HĐND, QH quyết định; còn giá là do DN cung cấp. Vì BOT là sản phẩm của DN nên cần điều chỉnh lại cho hợp lý. Chính vì vậy, từ khi chuyển qua giá đã giảm giá vé BOT, làm sao để cân đối được phương án tài chính. Còn nếu là phí, muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm" - ông Thể lý giải.

tram bot thu gia linh dong hon thu phi

Bộ trưởng Bộ GTVT giải thích với báo chí về việc "thu giá" thay vì "thu phí"

Trước câu hỏi rằng dư luận đặt vấn đề Bộ GTVT đang đánh tráo khái niệm "thu phí" thành "thu giá", Bộ trưởng GTVT khẳng định: "Cái này không phải do bộ quy định mà do Nghị định của Chính phủ quy định (Nghị định 149/2016/NĐ-CP)".

Về câu hỏi "đã chuyển sang giá thì khi giảm giá xuống, DN có thể đề xuất tăng hay không?", Bộ trưởng GTVT cho biết về nguyên tắc, sản phẩm đó của DN nhưng có điều tiết theo thị trường. "Tại sao Chính phủ, bộ, ngành họp và QH yêu cầu xem xét, tức là mình phải điều tiết để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư và hài hòa lợi ích người dân. Không phải sản phẩm anh làm ra là tự ấn định giá mà ký hợp đồng với bộ để giám sát điều này" - người đứng đầu ngành giao thông cho hay.

Trong trường hợp DN muốn tăng giá, DN phải đăng ký với Bộ GTVT. Bộ GTVT xem xét khi nào cảm thấy hài hòa hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới được điều chỉnh, nếu không thì không được điều chỉnh.

Trả lời câu hỏi từ phí chuyển sang giá có thay đổi bản chất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: "Mỗi một giai đoạn lịch sử thì khả năng chịu đựng của nền kinh tế khác nhau. Hiện nay, chủ trương là giảm đến mức thấp nhất chi phí của hàng hóa. Về bản chất, hiện nay điều chỉnh để làm sao khả năng chịu đựng của nền kinh tế thấp nhất".

"Ngày trước, mỗi lần điều chỉnh phí rất khó khăn vì điều chỉnh phí thuộc thẩm quyền HĐND địa phương mà HĐND thì không thể linh động được. Chuyển qua giá thì bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy thôi nhưng sẽ điều chỉnh một cách nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá BOT ở từng vị trí, từng khu vực. Có những vị trí giảm rất sâu vì những nơi đó điều kiện cho phép. Còn để HĐND quyết thì điều chỉnh từng mức rất khó khăn" - Bộ trưởng Thể nói.

Kiểm toán là bình thường

Cũng liên quan đến vấn đề BOT, tại tổ thảo luận của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (đại biểu QH tỉnh Ninh Bình) băn khoăn với thông tin Kiểm toán Nhà nước đưa ra là qua kiểm toán 40 dự án BOT trong năm 2017, cơ quan này kiến nghị giảm thời gian thu phí tới 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm hơn 1.460 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết từ năm 2016 về trước, cơ quan này cũng kiến nghị giảm 127,4 năm thu phí của 27 dự án BOT.

Không phủ nhận thông tin này nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính cảnh báo nếu không cẩn thận, thông tin sẽ tạo dư luận xã hội rất xấu trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện chủ trương thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội thông qua các phương thức như BOT.

Ông Dũng nêu lại quy trình, phương án tài chính ban đầu với một dự án BOT chưa phải để thực hiện ngay mà phải kiểm toán. Kiểm toán xong, các cơ quan nhà nước mới phê duyệt quyết toán công trình để ra số đầu tư thực tế và từ đó thì mới tính được số năm thu phí, mức thu phí từng năm.

"Nếu quy trình làm đúng như thế thì việc kiểm toán là bình thường và giảm số năm tính toán so với dự toán ban đầu là đúng. Từ kiểm toán như vậy mới ra số quyết toán và ra số năm, số phí phải thu trong cả giai đoạn cũng như từng năm" - Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

"Cả nước đang triển khai làm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó chỉ một số đoạn làm bằng vốn ngân sách, còn lại phải kêu gọi vốn đầu tư xã hội. Nếu để dư luận hiểu sai thì không khéo sẽ hỏng. Tôi rất băn khoăn là vì thế" - ông Dũng bày tỏ.

Không làm trạm BOT trên tuyến độc đạo

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trước mắt, Bộ GTVT sẽ tập trung giải quyết những vấn đề đang tồn tại, việc nào liên quan đến trạm thu giá nào sẽ tập trung xem xét nguyên nhân để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để giải quyết. Còn về lâu dài, Bộ GTVT đang chuẩn bị rất nhiều dự án nhưng tập trung làm trên các đường song hành chứ không làm ở tuyến độc đạo.

"Với những giải pháp Chính phủ chỉ đạo và Bộ GTVT đang làm, chúng tôi có niềm tin những vấn đề liên quan BOT trong giai đoạn sắp tới sẽ được giải quyết ổn thỏa" - ông Nguyễn Văn Thể nói.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

tram bot thu gia linh dong hon thu phi Bộ trưởng giao thông lý giải việc trạm BOT đổi tên từ thu phí sang thu giá

Bộ trưởng Giao thông cho biết, "BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá dưới sự giám sát của Bộ".

tram bot thu gia linh dong hon thu phi "Thu giá" BOT là gì, thưa Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể?

Khi PV “quây kín” Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vì khái niệm “thu giá" BOT, thì Bộ trưởng nói “thu ...

tram bot thu gia linh dong hon thu phi BOT: Vì sao trạm thu phí chuyển thành trạm thu giá?

Vì sao trước đây các trạm thu phí BOT thu phí BOT để hoàn vốn dự án nhưng từ 1/1/2017 lại xuất hiện thuật ngữ ...

/ https://nld.com.vn