Những đồng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng... bây giờ lại có cơ hội để thể hiện được sức mạnh và uy lực của mình. “Uy lực” của những tờ tiền lẻ mạnh đến mức bắt những trạm BOT phải dè dặt và chịu... rút lui.
Tài xế chậm rãi kiểm đếm và đưa từng tờ 200 đồng cho nhân viên thu phí. Ảnh: Zing |
Cách đây gần 4 tháng, giới tài xế Hà Tĩnh, Nghệ An dùng tiền lẻ để phản đối việc trạm thu phí Bến Thủy đặt sai chỗ. Đây có lẽ là nơi mở đầu cho cách "trừng trị" những trạm BOT đặt sai chỗ và thu phí cao. Sau nhiều ngày nhân viên đếm tiền mỏi cả tay và tình trạng ùn tắc kéo dài, trạm thu phí Bến Thủy buộc phải xả cổng và sau đó là giảm giá vé.
Tiền lẻ là một trong những cách phản đối "ưa thích" của giới tài xế cho đến lúc này, bởi, những đồng tiền lẻ đó là hợp pháp và cũng là một hình thức trả phí, chỉ khác một điều là mệnh giá nhỏ, đếm hơi cực, nhưng đúng luật. Bởi vậy câu nói “nhỏ nhưng có võ” trong trường hợp này chả sai tí nào.
Và để rồi 4 tháng sau đó, người dân lại dùng đến chiêu “tiền lẻ qua trạm” để phản đối trạm thu phí Cai Lậy. Lại là những đồng tiền lẻ. Sau nhiều ngày giằng co, đến chiều 15.8, trạm thu phí Cai Lậy phải xả trạm.
Cả nước không phải chỉ có 2 trạm thu phí mà có đến 88 trạm. Và những sự việc tương tự như Bến Thủy, Cai Lậy có xảy ra ở những trạm thu phí khác không thì không ai dám chắc chắn khi quy định khoảng cách tối thiểu các trạm thu phí là 70km nhưng trên thực tế chỉ 10% số trạm đáp ứng được quy định này.
Để không tái diễn hình ảnh “tiền lẻ qua trạm” như hai trạm thu phí trên thì còn chờ vào cách giải quyết của các cơ quan, ban ngành, nhưng cách giải quyết hay và hợp lòng dân nhất có lẽ là theo phương án của tỉnh Bình Dương là mua lại và xóa sổ trạm thu phí.
Dĩ nhiên, tiền mua lại trạm và tiền mua vé qua trạm cũng là tiền của dân cả, thế nhưng, việc Bình Dương bỏ ngân sách ra mua lại trạm thu phí đã làm người dân và giới tài xế rất phấn khởi. Bình Dương cũng đã nói không với đầu tư theo hình thức BOT và chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án hạ tầng giao thông từ thu phí hoàn vốn sang không thu phí.
Với các nước đang phát triển như Việt Nam, đầu tư theo hình thức BOT sẽ giải quyết được những eo hẹp về nguồn vốn, giảm bớt chi tiêu của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc đầu tư theo hình thức BOT cũng có những hạn chế, nhất là trách nhiệm của Nhà nước với chất lượng công trình; điều này đã thể hiện rõ qua những con đường bị hằn lún, “ổ voi” “ổ gà” sau khi đưa vào sử dụng không bao lâu. Và hạn chế nhất đó là việc tạo ra sự ách tắc, ùn ứ ở các trạm thu phí trên những con đường trọng điểm.
Tỉnh Bình Dương đã chỉ rõ và phải khẳng định rằng: “Nếu không lập trạm thu phí sẽ mất một nguồn thu ngân sách đáng kể. Nhưng việc bỏ bớt trạm thu phí sẽ tạo điều kiện không nhỏ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và thu hút được các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà máy các khu công nghiệp”.
Đến lúc này, có thể thấy, những đồng tiền lẻ đã "chỉ ra" những hạn chế, thiếu sót trong quản lý và đầu tư theo hình thức BOT.