Thầy cô giáo đâu phải kẻ... đòi nợ thuê

Một tiết học 35-40 phút bạn sẽ nghĩ gì khi giáo viên vào lớp không thể dạy ngay mà làm công tác tiền bạc là chủ yếu?

LTS: Cứ mỗi dịp đầu năm học, các thầy cô giáo lại canh cánh nỗi lo khi luôn phải thúc giục học sinh đóng các khoản tiền đầu năm.

Qua bài viết sau đây, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ mong muốn giáo viên không còn phải đứng trên bục giảng để "đòi nợ" học sinh nữa mà có thể chuyên tâm trong việc dạy dỗ học trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa vừa chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo toàn tỉnh, rằng trong năm học mới, các trường tiểu học không được để giáo viên thu tiền từ học sinh hoặc nhắc học sinh nộp tiền nữa.

Thông tin trên thật sự là tin vui cho tất cả giáo viên chứ không riêng gì giáo viên tiểu học.

Thầy cô giáo ngoài việc giảng dạy còn kiêm luôn dân “đòi nợ” thuê và làm luôn công tác thủ quỹ luôn là nỗi lo sợ, nỗi ám ảnh của tất cả giáo viên chúng tôi.

Thầy cô giáo có nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh. Thiên chức làm thầy vô cùng cao cả bởi không chỉ dạy chữ còn dạy cách làm người, dạy cách đối nhân xử thế, cách ứng xử với mọi người...

Vì thế, thầy cô luôn có phong cách cao sang, đạo mạo, luôn toát ra dáng vẻ đáng kính.

thay co giao dau phai ke doi no thue
Giáo viên ám ảnh với việc phải thúc giục học sinh đóng tiền đầu năm. (Ảnh minh họa: NOP/ Tuoitre.vn)

Thế nhưng mỗi ngày lên lớp, thay vì vào bài học thì giáo viên phải làm công việc thường niên là đòi nợ tất cả học sinh.

Câu nói quen thuộc được nhắc mỗi ngày là “hôm nay lớp ta, có ai đóng tiền không?

Chỉ nghe thế, học sinh chạy ùa lên như bầy ong vỡ tổ vây xung quanh thầy cô để tranh nhau nộp tiền.

Sau màn thu tiền đến màn nhắc nhở. Thầy cô đọc tên em A, em B kèm lời dặn “nhớ về nhà nói ba mẹ nộp…ngàn đồng nghe”.

Có những học sinh từ đầu năm chưa nộp khoản nào luôn được thầy cô nhắc đi nhắc lại đến vài lần.

Đòi trực tiếp học sinh chưa ăn thua, thầy cô còn gọi điện về từng nhà để hối thúc phụ huynh việc nộp tiền sao cho nhanh chóng nhất.

Thấy số máy của cô, có phụ huynh lịch sự bắt máy rồi nhỏ nhẹ xin khất ít hôm.

Có người sỗ sàng thách thức “nhà tôi không có tiền, nhà trường không cho học thì cứ việc đuổi đi”…

Người lại lảng tránh bằng cách không nghe máy hoặc cầm điện thoại bấm tắt như tín hiệu bận.

Những công việc như thế không chỉ diễn ra một lần mà thường xuyên được lập lại hết ngày này, đến ngày khác.

Một tiết học 35-40 phút bạn sẽ nghĩ gì khi giáo viên vào lớp không thể dạy ngay mà làm công tác tiền bạc là chủ yếu?

Học sinh sẽ nghĩ gì khi suốt ngày phải chứng kiến cảnh thầy cô đòi tiền?

Thời gian gần đây, một số trường ở địa phương tôi đã cấm việc nhà trường bắt giáo viên thu tiền.

Nhưng không trực tiếp thu, giáo viên chủ nhiệm cũng phải chịu trách nhiệm nhắc nhở thường xuyên các em việc đóng tiền.

Thế là lên lớp, thầy cô vẫn cứ phải nhắc nhở chuyện tiền nong.

Việc thu tiền và nhắc nhở học sinh đóng tiền không chỉ làm mất thời gian giảng dạy của thầy cô, mất thời gian học tập của các em mà không ít lần giáo viên gặp phải phụ huynh không thật thà đành ngậm đắng nuốt cay vì bị mất oan một khoản tiền khá lớn.

Đã từng xảy ra nhiều trường hợp thầy cô nói phụ huynh chưa đóng tiền, phụ huynh lại cứ khăng khăng đóng rồi.

Khi nói đưa biên lai làm chứng, có phụ huynh khẳng định như đinh đóng cột “tôi đóng tiền nhưng lúc ấy cô chưa đưa biên lai”.

Mặc dù biết phụ huynh ấy chưa nộp nhưng một số thầy cô giáo vẫn phải cắn răng bấm bụng đền tiền cho phụ huynh để được yên chuyện “mình cãi nhau vì mấy trăm ngàn cũng không đáng”.

Cũng có giáo viên nhất quyết không chịu, thế là “chiến tranh”, ẩu đả, đã xảy ra làm mất đi hình ảnh đẹp của nhiều nhà giáo.

Với học sinh trung học cơ sở còn có học phí, riêng bậc tiểu học thu tiền trường phần lớn là tiền thu hộ cho công ty bảo hiểm và tiền học phụ trội buổi hai.

Việc thu hộ tiền cho một công ty khác có thật sự quan trọng trong khi giáo viên phải đánh đổi bằng thời gian quý báu của việc giảng dạy trên lớp?

Hy vọng từ việc làm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa mới đây, nhiều địa phương trong cả nước sẽ đồng loạt lên tiếng để trả giáo viên về đúng vị trí dạy chữ dạy người.

Cũng đừng vì cái lợi trước mắt (nhanh hoàn thành chỉ tiêu, thu đúng, thu đủ) để làm hỏng đi hình ảnh đẹp của các thầy cô giáo.

(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thay-co-giao-dau-phai-ke-doi-no-thue-post179139.gd)

Báo Giáo Dục Việt Nam