Nhiều năm nay, cứ học đến lớp 11, 12 là phải nghĩ làm sao “lọt” được vào một trường đại học nào đó, mặc dù ngành nghề ấy biết mười mươi mình không có khả năng.
Gần đây, dư luận nói nhiều về việc đang có khoảng 180.000 cử nhân thất nghiệp và rồi người ta tìm ra đủ mọi lý do. Nào là: số cử nhân thất nghiệp chỉ có mớ kiến thức “lỏng”, còn kinh nghiệm nghề nghiệp, kỹ năng không có; rồi là cử nhân cậy có bằng cấp nên khi xin việc đòi mức lương cao ngất ngưởng; rồi cử nhân lười nhác không chịu gian khổ, chỉ thích bám lấy mấy thành phố lớn; và bên cạnh đó là sự giảm sút của nền kinh tế v.v...
Những lý do này cũng có phần đúng, nhưng hình như mọi người không nhìn ra một điều sâu xa là tại sao ở nước ta bây giờ lại sính bằng cấp đến vậy.
Tìm căn nguyên của căn bệnh này, trước hết phải nói đến cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức nhà nước của Việt Nam.
Nhằm chuẩn hóa cán bộ, công chức, viên chức, người ta đặt ra yêu cầu phải có bằng đại học. Và khi đã là “người Nhà nước” thì làm việc dù có dốt mấy, kém mấy nhưng cứ “đến hẹn lại lên” là được tăng lương. Và ai cũng biết, mức lương công nhân, viên chức nhà nước là rất thấp, nhưng cứ phải bám bằng được bởi 2 lý do: Thứ nhất, có danh “người nhà nước”; Thứ hai, không lo bị mất việc. Và khi đã là người nhà nước thì có quyền. Mà khi đã có quyền thì dễ “hành” người khác và có hành thì mới kiếm được tiền ngoài.
Nhũng nhiễu sinh ra là từ đây. Có thể nói, những người được gọi là viên chức nhà nước họ nghĩ ra muôn hình vạn trạng để hành người dân, từ việc đơn giản là chỉ ký xác nhận hộ khẩu hay đóng một con dấu…
Chính vì thế mà nhiều năm nay, cứ học đến lớp 11, 12 là phải nghĩ làm sao “lọt” được vào một trường đại học nào đó, mặc dù ngành nghề ấy biết mười mươi mình không có khả năng. Nhưng khổ nỗi, không có bằng đại học thì cánh cửa cuộc đời, ước mơ là công chức, viên chức Nhà nước coi như đóng lại.
Mà kỳ lạ là khi tuyển viên chức vào làm các cơ quan công quyền thì người ta đặt nặng vấn đề là phải có bằng đại học, lại là đại học chính quy, còn cái bằng đấy, ngành nghề học đấy có liên quan đến công việc hay không thì chưa chắc đã cần. Và học đại học ngoài công lập thì chỉ có thể đi làm ngoài.
Ðáng chú ý là các doanh nghiệp tư nhân họ thường chọn người làm được việc, chứ họ không quan tâm nhiều tới bằng cấp. Nhưng nhân viên Nhà nước thì bằng cấp là tiêu chuẩn đầu tiên được tuyển lựa, còn việc có làm được hay không thì tính sau.
Ảnh minh họa |
Cộng vào đó là thói háo danh của người Việt, thích oai, sĩ diện, thích có bằng cấp để khoe khoang. Nhưng không mấy người biết rằng, có học chưa chắc đã có văn hóa, có tri thức nhưng chưa chắc đã có trí tuệ. Mà để con người ta phát triển thành công trong công việc thì phải có văn hóa và trí tuệ
Cách tuyển chọn cán bộ, công chức Nhà nước hiện nay cực kỳ máy móc, nặng về hình thức và hoàn toàn không có tác dụng đến việc phát hiện người tài và trọng dụng người tài.
Có những ngành nghề thì chỉ cần học xong là làm được, nhưng có những ngành học xong nếu như không có năng khiếu, đam mê ý chí thì không thể khá được, một trong số đó là nghề phóng viên, nhà báo.
Có một thực tế mà ai cũng thấy rằng, ở các cơ quan báo chí, những phóng viên giỏi, viết có nét thì thường không phải xuất thân ở các khoa báo chí, mà họ từ ngành nghề khác, rồi do đam mê nghề báo cộng vào đó là chút năng khiếu nên họ đã trưởng thành rất nhanh. Và những người này nhiều khi học hành lỗ mỗ, bằng cấp thiếu theo quy chuẩn... nên khi xét cấp thẻ nhà báo, thì bị vướng vì không có bằng đại học.
Rất nhiều ngành nghề khác cũng vậy. Kể cả những loại công việc của viên chức Nhà nước mà chỉ ở trình độ đọc thông viết thạo cũng có thể làm được, như nhân viên hành chính, văn thư vậy mà người ta cũng đòi trình độ đại học.
Rồi lại có một lý lẽ nữa là phải chuẩn hóa cán bộ, công nhân, viên chức, thế là nảy nòi ra đại học tại chức, học từ xa. Ai cũng biết, những trường này học hành thì vớ vẩn, thi thì chỉ bằng tiền.
Cái câu “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” hẳn là có lý nhưng khổ nỗi người ta vẫn phải lao vào học, kể cả rất nhiều người biết mười mươi rằng, chẳng có được mấy kiến thức. Cũng vì bởi không có bằng đại học thì không được lên lương, không được đề bạt. Bi kịch là ở chỗ đấy!
Cử nhân thất nghiệp có những người đã phải đeo biển đứng đường để xin việc. Và dư luận lập tức chỗ thì bày tỏ xót thương thông cảm, chỗ thì phê phán…
Tuy nhiên, bất luận kiểu gì thì cũng không nên bày tỏ sự xót thương đối với những anh chàng cử nhân kiểu này. Ðể kiếm được đồng tiền nuôi mình và nuôi người thân, tại sao anh ta không dám cất bằng tốt nghiệp đi, rồi chạy xe ôm kiếm tiền, hoặc đi làm những loại công việc khác, làm cái gì cũng được, miễn là ra tiền và đừng có phạm pháp. Còn muốn được thăng quan tiến chức, muốn được có vị trí xã hội thì ngoài nỗ lực bản thân ra còn có cơ hội. Mà cơ hội đấy chỉ đến với kẻ đã sẵn sàng, nghĩa là anh phải có kiến thức, có kỹ năng làm việc, có tư cách đạo đức và dám hy sinh vì cái chung.
Nếu như ai đó cứ tưởng rằng, có bằng tốt nghiệp đã là to, là oách và đòi hỏi xã hội, các cơ quan doanh nghiệp phải trân trọng mình thì đó là điều không tưởng. Chính tư tưởng này đã làm cho các cử nhân không dám hạ mình làm những công việc để có thể kiếm được đồng tiền.
Báo Năng lượng Mới từng đăng chuyện ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch HÐQT Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO) có một câu nói để đời: “Gánh cứt mà ra tiền cũng phải gánh!”.
Cuộc sống bây giờ là như vậy, khi chúng ta đã đi theo nền kinh tế thị trường thì rõ ràng chúng ta phải tôn trọng quy luật của đồng tiền. Và muốn làm ông to, bà lớn gì không biết, nhưng trước hết phải biết kiếm tiền bằng sức lực, tài năng và trình độ của mình.
Các cụ xưa có câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Những cử nhân thất nghiệp đừng oán trách xã hội mà trước hết hãy biết tự oán trách mình. Ðó là bản thân đã không đủ dũng cảm để quên đi bằng đại học có trong tay, đi làm thợ mà kiếm tiền nuôi sống cái thân mình đã. Ðừng có ngửa tay xin cha mẹ, hoặc lao vào những việc làm phi pháp.
Một thực tế hiện nay là các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước đang đi theo hướng cổ phần hóa, tư nhân hóa, cho nên người mà họ cần là người làm được việc chứ không phải cần người có bằng cấp mà chẳng biết gì.
Ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có rất nhiều vị lãnh đạo các đơn vị ngoài kiến thức ra, họ còn là những người thợ thực thụ.
Một kỹ sư đi học nước ngoài về hay là học trong các trường đại học danh tiếng trong nước khi ra giàn khoan làm việc thì chắc chắn họ sẽ được huấn luyện ngay, từ cách cạo gỉ, quét sơn, cách lau chùi bu lông, vặn một con vít. Thậm chí, phải học cách vác cần khoan, đu dây, leo tháp khoan… Những loại công việc đó mà nếu như những người có tính sĩ diện hão thì họ sẽ không làm bởi họ nghĩ rằng: “Tôi là kỹ sư cơ mà”.
Rất nhiều loại công việc cần sự chuyên nghiệp, kỹ năng lao động giỏi, rồi sau đó mới cộng với kiến thức. Hai cái này kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Cho nên nếu như không biết gạt bỏ tính sĩ diện hão thì đừng bao giờ mong có thể kiếm được công ăn việc làm, dù có 1 bằng cử nhân chứ đến 11 bằng cử nhân thì thất nghiệp vẫn cứ hoàn thất nghiệp mà thôi.
Và cũng đã đến lúc các cơ quan nhà nước cũng phải xem xét lại chế độ tuyển dụng, đề bạt, sử dụng cán bộ, công chức. Hà cớ gì cứ phải là có bằng cấp mà không chọn người biết làm việc.
Nếu như chế độ tuyển dụng công chức nhà nước của chúng ta không thay đổi, vẫn lấy bằng đại học làm tiêu chí hàng đầu, còn người đời thì nghĩ rằng “Phi đại học bất thành nhân” thì sẽ vẫn còn tình trạng các trường đại học mở ra như nấm sau mưa, chất lượng đào tạo ngày một kém và cử nhân ra trường thì cứ tiếp tục kêu gào rằng không có việc làm?
Nguyễn Như Phong
Tốt nghiệp đại học: Mới là thoát nạn mù chữ!?
Nhưng có một điều ai cũng thấy là ở đất nước này là nhà nào cũng muốn con mình phải đỗ đại học, nhưng nhà ... |
5 đại học tốt nhất Hàn Quốc năm 2018
Hai vị trí dẫn đầu thuộc về Đại học Quốc gia Seoul, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST). |
Đề xuất cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục đại học
Các chuyên gia cho rằng chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED-2011 do UNESCO ghi rõ, giáo dục đại học bao gồm Hệ ... |
Tiêu chí nào nhiều trường đại học Việt Nam chưa đạt được nhất?
- Theo kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học dựa trên 61 tiêu chí, chỉ có duy nhất một trường ... |