Trong lúc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đang bàn thảo về tinh gọn bộ máy cán bộ công chức, viên chức thì những con số về 5 “siêu ban” quản lí các dự án đầu tư công tại Hà Nội thực sự gây choáng váng.
5 "siêu ban" này được sáp nhập từ hơn 20 ban quản lí các dự án tại Hà Nội, được công bố vào cuối năm 2016 (ảnh: hanoimoi.com.vn).
5 “siêu ban” ấy, có số cán bộ và lao động lên đến 984 người. “Siêu ban" có nhiều cán bộ và lao động nhất là Ban quản lí dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng Công trình giao thông; “siêu ban” có số cán bộ và lao động ít nhất – cũng lên đến 101 người - là BQLDA đầu tư xây dựng Công trình NN&PTNT.
Thôi thì để đánh giá khách quan, nhiều người thì làm được nhiều việc trong đó có nhiều việc lớn. Nhưng đằng này lại không phải thế. Qua khảo sát của Đoàn khảo sát Liên ngành thuộc TP.Hà Nội công bố dạo tháng 8.2017, thì đến thời điểm đó, các “siêu ban” triển khai, thực hiện công việc và giải ngân theo kế hoạch đầu tư công 2017 rất chậm, chỉ được 1.625 tỉ đồng/tổng 6.524 tỉ đồng, bằng khoảng 25% kế hoạch.
Một đánh giá khác từ Đoàn khảo sát Liên ngành, là tình trạng người nhiều hơn việc tại các “siêu ban” này, vì vậy mới dẫn đến tình trạng kinh phí không đủ hoạt động. Đơn cử BQLDA NN&PTNT, phải xin TP.Hà Nội hỗ trợ 1,4 tỉ đồng và tạm ứng ngân sách 6,2 tỉ đồng; còn BQLDA đầu tư xây dựng Công trình giao thông chỉ đủ kinh phí hoạt động đến hết quí III/2017…
Một số chuyên gia về tổ chức và quản trị nghe đến con số này, có thái độ… rất lạ là không những không giật mình, mà còn đưa ra nhận xét: Sẽ có không ít người tại các “siêu ban” ăn lương Nhà nước để chạy ngoài. Còn những giám đốc doanh nghiệp tư nhân thì quả quyết: Chúng tôi chỉ cần 30% tổng số nhân lực hiện tại của các “siêu ban” thì việc đã chạy phà phà.
Thế còn người dân đóng thuế thì sao? Nghe đến con số cán bộ và lao động của các “siêu ban” mà thấy đau nhói. Không đau nhói sao được khi tiền thuế họ đóng lại tiêu tốn cho những bộ máy đông người – ít việc – kém hiệu quả. Tất nhiên trong số đó, có thể có những người được lợi vì bám vào chân làm Nhà nước nhưng lấy thời gian làm bên ngoài.
Nhưng nhìn chung thì đúng là lãng phí: Lãng phí ngân sách nhà nước, chỗ làm việc cũng như các tài nguyên khác đã đành; mà còn lãng phí thời gian của chính những người làm việc tại các “siêu ban”, và cũng chính họ đánh mất các cơ hội khẳng định với việc tìm kiếm những công việc phù hợp hơn. Còn đất nước, mất đi sức bật, không có được một sự trơn tru, tháo vát, năng động của bộ máy công…
Không ít người đã nhìn thấy tình trạng không hiệu quả tại các “siêu ban” nhưng vì sao chưa sắp xếp, tinh gọn được? Vì tình trạng “lọt sàn xuống nia”, vì “dây mơ rễ má” của các mối quan hệ, vì những mối lợi ích và nhóm lợi ích…
Sáp nhập cơ học khó giảm bộ máy
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Điều quan trọng là cơ chế của bộ máy thế nào, chứ không phải ... |
Bộ máy cồng kềnh, ngốn tiền ngân sách
Bộ máy hành chính của Việt Nam cồng kềnh, không hiệu quả, tác nhân ngốn hết nguồn lực chi đầu tư, là điểm nghẽn làm suy ... |
Vì sao Tổng Bí thư lưu ý không quá nôn nóng khi tổ chức lại bộ máy?
Vừa qua chúng ta để bộ máy tổ chức phình ra lớn, biên chế chỉ tăng không giảm. Lý do bởi nhiều người đua nhau ... |
https://laodong.vn/dien-dan/sieu-ban-sieu-ngon-ngan-sach-va-sieu-kem-hieu-qua-569205.ldo
()