\'Rộng đường\' để phát triển

Vị trí đầu tàu kinh tế đòi hỏi TP HCM thường xuyên phải duy trì mức tăng trưởng cao nhưng đồng thời phải bền vững. Áp lực này cùng với sứ mệnh “Vì cả nước, cùng cả nước” buộc Trung ương phải tìm giải pháp phân cấp, phân quyền cho đô thị lớn nhất nước “rộng đường đi tới”. “Chiếc áo đô thị đã chật” là vấn đề không mới. Bởi cách đây gần 10 năm chính quyền TP HCM đã bắt đầu nghiên cứu về một giải pháp phát triển bền vững.

rong duong de phat trien Công khai sai phạm
rong duong de phat trien Nguồn động lực mới của phát triển
rong duong de phat trien
Một phường tại Q.Bình Tân có quy mô dân số bằng cả Q.4, với 15 phường gộp lại. Ảnh: Hồng Phúc.

Năm 2013, thành phố đã đề xuất mô hình “Chính quyền đô thị” cùng thời điểm với thủ đô Hà Nội xin cơ chế về “Luật Thủ đô”. Thế nhưng, thời điểm đó, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan mô hình “Chính quyền đô thị” tạm gác lại, cho đến nay đã gần 5 năm. 5 năm cũng là khoảng thời gian mà Trung ương vừa tiến hành sơ kết thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù của TP HCM.

Báo cáo với Chính phủ, các bộ ngành trung ương, Đảng bộ và Chính quyền TP HCM đã trình bày một bản báo cáo rất dài, nêu nhiều vấn đề cấp bách. Dân số thành phố đã không còn ở mức dự báo là 9 triệu người đến 2020 (không kể dân vãng lai và tạm trú dưới 6 tháng khoảng 2,5 triệu người) mà vào thời điểm 2017 số dân thành phố được thống kê sơ bộ đã lên tới 13 triệu dân, chưa kể số dân nhập cư biến động thường xuyên chưa thể cập nhật đầy đủ.

Chính Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chia sẻ với mối quan tâm của chính quyền TP HCM khi thừa nhận có một xu hướng gia tăng dân số cơ học rất cao đã và đang gây áp lực lớn đến hạ tầng, nhất là giao thông và nhà ở của đô thị lớn nhất nước. Vấn đề này gây sức ép trực tiếp lên vai trò của chính quyền trong quản lý, kiểm soát dân cư. Thậm chí, có những dự án phải điều chỉnh 3 - 4 lần so với ban đầu chỉ vì gia tăng dân số ngoài dự tính.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận cũng chia sẻ với sức ép ngày càng lớn đối với TP HCM khi tăng trưởng của thành phố có biểu hiện chưa tương xứng với tiềm năng; trong khi kết cấu hạ tầng quá tải, gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. Điển hình là tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng gay gắt hơn và là mối bận tâm thường xuyên của người dân.

Các nghiên cứu quốc tế về mô hình tăng trưởng của TP HCM trong khoảng 10 năm gần đây đã chỉ ra sự vượt trội vốn có của kinh tế thành phố so với cả nước ở một số mặt đã có biểu hiện chậm lại, có mặt đã tụt hậu. Thế nhưng, dù phải chịu nhiều, áp lực khó khăn, TP HCM vẫn thể hiện khát vọng “Vì cả nước, cùng cả nước”, tiếp tục vươn lên, thể hiện trách nhiệm với cả nước, chia sẻ với điều kiện chung của cả nước.

Chính trong bối cảnh như vậy, nhiều ý kiến tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng về việc phải nhanh chóng có chiến lược phân cấp, phân quyền cho đô thị lớn nhất nước. Trong đó, bức thiết nhất chính là phải có cơ chế, chính sách vượt trội cho thành phố, vì nếu chậm chân sẽ khiến tốc độ phát triển của TP HCM chậm lại.

Các cơ quan tham mưu cũng gợi ý TP HCM chủ động đề xuất các giải pháp các đề án về phát triển trung tâm tài chính, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại thành phố; phát triển công nghiệp văn hóa; đề án về tái cơ cấu ngành du lịch; phát triển các nhóm dịch vụ nổi trội;...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của TP HCM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau 30 năm đổi mới. Các thành tựu to lớn, toàn diện của TP đã đáp ứng được vai trò “Vì cả nước, cùng cả nước”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhận thấy các ý kiến tham mưu của các Phó Thủ tướng, các bộ ngành và báo cáo của TP HCM là hoàn toàn xác đáng. Và, để tạo điều kiện cho TP HCM phát triển, Thủ tướng ủng hộ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo hướng cho phép thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành, quyền hạn của Chính phủ trong quyết sách một số vấn đề cấp thiết của thành phố. Chính phủ nhận thấy rằng đã đến lúc nhanh chóng xem xét cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực cho TP.HCM để mở đường cho sự phát triển bền vững của đầu tàu kinh tế hàng đầu này.

Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đưa TP HCM hướng đến là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh kinh tế, TP HCM có khát vọng trở thành thành phố toàn cầu, thành phố thông minh, nơi hội tụ văn hóa Đông – Tây gắn với các giá trị nhân văn, cùng với đó là giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa phương Nam của người Việt mà hiện thân là những con người phóng khoáng, nghĩa hiệp, thân thiện, dũng cảm và hiếu khách.

Trong khi chờ một cơ chế mạnh cho TP HCM nới rộng “chiếc áo đô thị” để phát triển thì các mục tiêu đột phá vẫn là “những chiếc phao” mà lãnh đạo TP HCM đặt ra kỳ vọng lớn lao. Mặt khác không thể phủ nhận dư địa, nội lực để phát triển lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư của TP HCM vẫn còn rất tiềm tàng, với trên 300.000 doanh nghiệp đầu tư.

Mối quan tâm lớn nhất hiện nay, Chính phủ đã nhìn thấy là nếu không đổi mới, áp dụng nhiều cơ chế đặc thù thì sự phát triển của TP HCM có thể chững lại nếu không muốn nói là có nguy cơ tụt hậu. Và, điều này kéo theo sự tụt dốc của cả nền kinh tế khu vực phía Nam cũng như ảnh hưởng xấu tới cả nước. Do đó, cấp bách nhất lúc này là cần sớm xây dựng tầm nhìn, chiến lược phân cấp, phân quyền dài hạn hơn cho TP HCM, với mục tiêu ít nhất đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/rong-duong-de-phat-trien-378901

/ Thành Luân/daidoanket.vn