Công khai sai phạm

Có tới 38/204 dự án phát triển nhà ở khu đô thị tại Hà Nội vừa được Thanh tra Chính phủ kết luận có những vi phạm lớn về Luật Đất đai dẫn tới thất thu cho ngân sách nhà nước lên tới khoảng 1.562 tỷ đồng. 38/204 nghĩa là chiếm gần 20% trong tổng số dự án, đây quả là một con số thách thức dư luận. Liệu những sai phạm trong đầu tư xây dựng đã dừng lại ở đó?

Nguồn động lực mới của phát triển
Sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ được xử lý ra sao?
Những lỗ hổng trong quản lý đất đai ở nhiều địa phương luôn là điểm nóng trong dư luận.

Cụ thể, trong công tác quản lý về đầu tư xây dựng, báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, bất cập như chất lượng quy hoạch yếu, các bước lập quy hoạch chưa phù hợp một số chỉ tiêu, phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhiều lần, dẫn đến thay đổi về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… Các dự án sau đầu tư đã góp phần phá vỡ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000, tình trạng tuỳ tiện tạo cơ chế xin - cho.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện, phần lớn các dự án phải bàn giao 30% quỹ nhà, 20% quỹ đất đã được TP Hà Nội cho phép thực hiện cơ chế nộp tiền - nộp phần tiền chênh lệch giữa giá bán kinh doanh so với giá thành xây dựng - nhưng quá trình xác định giá bán và giá thành không chính xác dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, nằm trong danh sách sai phạm lại xuất hiện hàng loạt những “ông lớn” có “máu mặt” trong giới bất động sản lâu nay như Mường Thanh, HUD, HANDICO, Viglacera, Công ty CP Hà Đô, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội,...

Có một điều đáng quan ngại, những cái tên được nêu lên không khiến dư luận xã hội bất ngờ, vì dường như lâu nay, những sai phạm hầu hết lại xuất phát chính từ các “đại gia”, “ông lớn”. Và sự thật này một lần nữa lộ ra những mảng tối trong vấn đề quản lý đất đai đã và đang tồn tại lâu nay ở nhiều địa phương.

Vẫn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ: “Việc quản lý và sử dụng quỹ nhà ở, quỹ đất ở thu được từ các dự án đã biểu hiện sự buông lỏng quản lý, xảy ra nhiều sai phạm, bất cập, đến thời điểm thanh tra còn nhiều chủ đầu tư chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước, chưa thực hiện việc bàn giao diện tích quỹ nhà cho thành phố” - Báo cáo cho hay và khẳng định: “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, thông qua kết quả thanh tra cho thấy, việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở khi không đủ điều kiện theo quy định như chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước, điều kiện giao dịch dân sự chưa đảm bảo”.

Việc thanh tra, công khai 38 dự án sai phạm về tài chính đất đai không phải là trường hợp hy hữu, không phải là câu chuyện hiếm gặp, ngược lại, trong dư luận, có ý kiến đã phải thốt ra rằng: “Quản lý như thế, không sai phạm mới là chuyện lạ”.

Quả thực, những lỗ hổng trong quản lý đất đai ở nhiều địa phương luôn là điểm nóng trong dư luận xã hội, gây bức xúc cho người dân, mà nói như GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: “Chính những lỗ hổng đó và một quyết định hành chính có thể mang lại nhiều quyền lợi và tiền chỉ cho một phía”.

Thiếu công khai, minh bạch trong quản lý, những bất cập trong bản thân chính sách pháp luật hiện tại và đặc biệt quá trình thực thi pháp luật tại địa phương, có khoảng cách rất lớn giữa các quy định của pháp luật và thực tiễn… là những nguyên nhân dẫn tới những vấn đề về đất đai tiếp tục tồn tại và còn nóng lên.

Hẳn dư luận xã hội vẫn chưa quên sự vụ ở Đồng Tâm cũng như nhiều sự vụ liên quan đến quản lý đất đai khác ở nhiều địa phương, cũng chỉ vì lợi ích từ một phía, thiếu minh bạch trong sự can thiệp của Nhà nước mới dẫn đến những sai phạm của chủ đầu tư và hàng loạt các sự vụ tranh chấp, căng thẳng đến cao trào giữa người dân và chủ đầu tư. Và nếu vẫn còn tiếp diễn tình trạng “bưng bít” thông tin, quản lý theo kiểu “lợi ích nhóm”, thì chắc chắn sai phạm về đất đai còn tiếp tục xảy ra không chỉ dừng lại ở 38 dự án mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố.

Quay trở lại với con số 38/204 dự án đất đai, nhà ở, khu chung cư tại Hà Nội vừa bị Thanh tra Chính phủ phanh phui hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Nhiều chủ đầu tư dự án đến thời điểm thanh tra chưa nộp tiền vào NSNN như Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (dự án Làng quốc tế Thăng Long), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ba Đình (dự án nhà ở để bán 141 Trương Định)… Ngay cả việc sử dụng 20% quỹ đất từ các dự án bàn giao lại cũng có nhiều sai phạm, nhiều diện tích đất được giao lại cho chủ đầu tư xây nhà ở kinh doanh không đúng pháp luật. Đáng chú ý, quỹ đất sạch các dự án bàn giao lại được thành phố giao lại cho doanh nghiệp xây nhà để… bán.

Như vậy ở đây không còn là sai phạm từ chủ đầu tư hoặc kẽ hở trong pháp luật khiến chủ đầu tư dễ bề sai phạm nữa, mà sai phạm từ chính nhà quản lý, từ chính quyền địa phương. Có ý kiến cho rằng, thực ra trong Luật Đất đai năm 2013 đã có những quy định về công khai minh bạch, tuy nhiên việc thực thi các quy định ở địa phương thì rất kém.

Thiết nghĩ, sai phạm ngay từ nhà quản lý, từ chính quyền địa phương thì đừng mơ về các dự án trong sạch, không vẩn đục. Cũng giống như người ta nói “chống vấn nạn hàng giả mà cán bộ “giả dối” thì làm sao dẹp được loạn hàng giả”. Và như vậy, cũng sẽ cản trở, gây khó cho Chính phủ trong thực thi mục tiêu Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/cong-khai-sai-pham-378629

/ Duy Phương/daidoanket.vn