Quỷ ám (kỳ 10)

Hôm nay em nghe thằng Nốp nói là thằng con anh không chỉ chơi bạc chỗ thằng Nốp, mà nó còn chơi nhiều chỗ khác nữa và nó cũng còn nợ nần nhiều nơi nữa. Chỗ thằng Nốp là nó nợ lớn nhất. Còn những khoản nợ dăm ba chục triệu ở bên đấy chắc chắn là còn nhiều.

Hòa lấy trong túi ra phong bì, rồi nói:

- À, xem hôm nay thằng này cho anh em mình được bao nhiêu nào?

Hòa mở ra và thấy trong phong bì có 2 tệp, mỗi tệp 2 ngàn đôla.

Thu nhìn Hòa bằng ánh mắt dò hỏi.

Hòa tinh ý hiểu ngay:

- Tiền nó cho, chú cứ giữ lấy mà tiêu. Lát anh về báo cáo giám đốc.

Thu nói:

- Anh ạ, mình cũng phải cẩn thận. Chơi với bọn giang hồ, cờ bạc cũng phải cảnh giác. Em cam đoan với anh là tất cả cuộc nói chuyện ngày hôm nay của anh em mình với nó đều được quay camera lại hết.

Hòa cười:

- Điều ấy thì đương nhiên. Anh chẳng lạ gì trò đấy cả. Nhưng không sao.

Thu băn khoăn:

- Vui vẻ thì không sao, nhưng đến lúc có chuyện gì thì… Mà bọn này làm ăn như vậy thì sớm hay muộn cảnh sát Campuchia cũng sẽ sờ gáy nó. Đến lúc ấy nó sẽ đưa ra chuyện nó biếu xén anh em mình thì rách việc. Theo em, tốt nhất là cứ mang về nộp cho công an tỉnh. Thế là xong.

Hòa nói:

- Chú nói thế cũng phải. Nhưng anh tin rằng thằng này không đến mức thế. Nhưng thôi, để chắc chắn thì mình cứ về báo cáo đàng hoàng.

Về đến công an tỉnh, Thiếu tướng Trịnh Lương và ông Viễn ra tận cửa đón.

Ông Viễn nắm chặt tay Hòa cảm động:

- Tôi rất cảm ơn anh. Anh đã cứu cháu.

Hòa cười:

- Có gì đâu anh. Nghề của bọn tui mà.

Vào trong phòng làm việc, Hòa và Thu để tập tiền lên bàn.

Hòa thong thả:

- Báo cáo giám đốc, hôm nay chúng em sang thì không ngờ là thằng Nốp lại tử tế như vậy. Khi em đặt vấn đề với nó về việc thả Nam ra, nó đồng ý. Tất nhiên là nó cũng tiếc lắm, vì thằng Nam đã vay của nó 3 tỉ. Giấy tờ vay mượn có đầy đủ đây. Mấy cái giấy này thì chẳng có gì quan trọng. Tuy nhiên, nó có nói với em rằng trong 15 ngày anh chị phải mang tiền gốc sang trả cho nó là 500 triệu. Còn đây là tiền nó cho em và Thu. Em cũng xin báo cáo anh luôn.

Giám đốc Lương gật đầu:

- Rất cảm ơn các đồng chí đã xử lý vụ việc này rất êm đẹp. Tôi cũng được nghe nhiều người nói thằng Nốp này bên cạnh sự gian hùng, tàn ác, thì cũng là thằng hảo hán.

Hòa vui vẻ kể:

- Vâng. Khi em làm quản giáo, nó ở trong trại là em đã biết. Nó nói một là một, hai là hai. Có việc gì, nó sẵn sàng giúp đỡ. Chính vì thế mà một số phạm nhân không ưa nó.

Ông Viễn lúc này mới nói:

- Thưa anh Lương, thưa anh Hòa, thưa các anh, thay mặt gia đình, tôi rất cảm ơn các anh đã cứu giúp con tôi. Nó đã nói phải mang 500 triệu trả nó, tôi biết là nếu bây giờ tôi không nộp thì anh Hòa đây lại thành thất tín với nó nên gia đình tôi sẽ mang số tiền đó lên nhờ công an tỉnh trả chúng nó hộ tôi. Cũng nhân đây, tôi xin anh Lương giúp tôi một việc nữa. Thằng con tôi có lẽ là phải tống vào trại cải tạo. Tôi tin rằng vài hôm nữa ngón tay nó lành sẹo là nó lại đi chơi.

Ông Lương bật cười:

- Không làm việc ấy được đâu. Đây là chuyện của giới giang hồ. Tôi sẽ nói anh em có cách để chú chuyển tiền cho nó. Nhưng chú cứ chuẩn bị sẵn tiền ở nhà đi, vài hôm nữa, tự chúng nó sẽ đến nhà, chứ chẳng cần mình phải mang sang bên đấy cho chúng nó.

Ông Viễn hiểu ra:

- Vâng. Em sẽ chuẩn bị. Hôm nay, các anh đã vất vả cứu con em, thay mặt gia đình, em sẽ có chút quà để các anh bồi dưỡng.

Nói xong, ông Viễn lấy ra một cọc tiền 500.000 đồng đặt lên bàn và nói:

- Gia đình em có 100 triệu để bồi dưỡng các anh.

Ông Lương xua tay:

- Thôi, thôi. Ông cầm tiền về đi. Đây là cái may mắn của gia đình ông là không ngờ cậu Hòa có ân nghĩa với thằng Nốp. Nếu như không phải người có ân nghĩa thì chắc chắn là không thể giải quyết được như thế này.

Nhưng rồi, ông Viễn cứ nằn nì:

- Mong các anh nhận cho gia đình em.

Ông Viễn ra đến cửa, thì Hòa gọi giật lại:

- Mời anh vào đây. Em có lời muốn nói chuyện với anh.

Ông Viễn quay vào.

Hòa nói:

- Hôm nay em nghe thằng Nốp nói là thằng con anh không chỉ chơi bạc chỗ thằng Nốp, mà nó còn chơi nhiều chỗ khác nữa và nó cũng còn nợ nần nhiều nơi nữa. Chỗ thằng Nốp là nó nợ lớn nhất. Còn những khoản nợ dăm ba chục triệu ở bên đấy chắc chắn là còn nhiều. Vậy nên anh phải trông coi thằng bé rất cẩn thận. Phải làm thế nào chứ anh thì bận đi tối ngày, chị ấy thì cũng đi hết chùa nọ, đền kia, rồi chăm sóc sắc đẹp. Bà ấy có nghĩ gì đến gia đình, con cái đâu. Anh chị phải có cách nào quản lý nó. Nhân đây, em cũng nói thêm là cả con bé thứ hai nhà anh, mới có 17 tuổi nhưng anh em trinh sát đã có lần cho em biết thấy nó cặp kè với một gã có máu mặt ở tỉnh này đấy. Anh thử kiểm tra xem nó có gì khác lạ không.

quy am ky 10

Ông Viễn nói:

- Nó mới học lớp 12. Tôi cũng không thấy có gì khác lạ.

Hòa nói:

- Em nói như vậy để anh cảnh giác. Chớ có tin con mình quá. Anh thử kiểm tra xem gần đây nó có mua sắm cái gì lớn không.

Ông Viễn suy nghĩ một lát, rồi nói:

- Thôi, chết rồi. Cách đây ít hôm, tôi thấy nó có sợi dây chuyền đẹp lắm. Tôi hỏi nó là ai mua cho con sợi dây này, sợi dây của ba má mua cho trước đây đâu thì nó nói là sợi dây kia nó cất làm kỷ niệm, còn sợi dây này là của một người bạn mới cho. Tôi hỏi nó là dây như thế nào, thì nó nói là đồ mỹ ký, chỉ mấy trăm nghìn đồng. Tôi lại nói với nó là mang tiếng là con gái của Sáu Viễn mà lại đi đeo đồ mỹ ký thì người ta cười cho.

Hòa nói:

- Thưa ông anh, sợi dây đó không dưới 10 ngàn đôla đâu. Anh về hỏi lại nó xem. Không cẩn thận là hỏng nốt con bé đấy. Đừng nghĩ là nó mới học lớp 12 mà không biết gì.

Ông Viễn thần người ra:

- Thế này thì con cái giết cha mẹ rồi.

Thiếu tướng Trịnh Lương thở dài:

- Cứ nói gia đình là tế bào của xã hội, tế bào có khỏe mạnh thì con người mới khỏe mạnh. Nhưng bây giờ những gia đình bỏ công sức chăm sóc con cái có nhiều đâu. Cứ nghĩ cho con vào trường nọ, trường kia, đóng góp cho nhà trường là chăm lo con. Nhưng không phải thế, cha mẹ mải theo kiếm tiền, có khi lại kiếm tiền theo con đường bất chính. Do đó, chính cha mẹ đã là tấm gương xấu cho con thì làm sao dạy dỗ nổi chúng nó nữa. Ở công an tỉnh, có anh Minh, Phó giám đốc. Vừa rồi trong nhà cứ mất đồ. Đầu tiên cứ nghĩ rằng kẻ trộm. Đến cuối cùng cảnh sát hình sự tìm ra thì lại là chính thằng con anh ấy thông đồng với bọn trộm ở bên ngoài, làm chìa khóa cho chúng nó, rồi nhân lúc ba má đi vắng thì cho chúng nó vào khuân đồ đi. Khi bắt được bọn kia, truy ra thì mới biết là thằng bé bị nghiện rồi. Mà đã mắc nghiện rồi thì chữa đến bao giờ.

Ông Viễn nói run run:

- Rất cảm ơn các anh. Đúng là tôi phải nghĩ cách quản lý, dạy dỗ lại hai đứa.

Ông Viễn về rồi, chỉ còn lại mấy người, Thiếu tướng Trịnh Lương nói:

- Việc các cậu làm hôm nay rất tốt. Nhưng cũng phải rất cẩn thận là sau này cũng sẽ có lúc, có người hỏi đến việc cứu con anh Viễn. Quan hệ với bọn xã hội đen bên ấy cũng như chơi dao hai lưỡi. Vậy nên phải rất cẩn thận. Còn tiền nó đã cho các cậu thì các cậu cứ cầm về tiêu. Tôi chịu trách nhiệm về việc này.

Ông Lương quay sang nói với Thượng tá Thông:

- Đồng chí Thông làm chứng cho tôi chuyện này nhé. Đây là tiền thằng Nốp cho, các cậu ấy đã mang về nộp. Nhưng đây là chuyện tình cảm riêng tư giữa thằng Nốp và cậu Hòa, vì cậu Hòa có ơn với nó từ ngày xưa. Nó cho cậu ấy tiền và việc này không liên quan gì đến nhiệm vụ. Tôi cho phép các đồng chí nhận số tiền này của thằng Nốp.

Hòa và Thu cảm ơn giám đốc, rồi ra về.

Còn lại Thiếu tướng Lương và Thượng tá Thông, Giám đốc Trịnh Lương mới nói:

- Cậu Hòa hoàn cảnh rất khó khăn. Đồng chí biết chứ?

Thông nói:

- Dạ, có biết. Anh em trong đơn vị vừa rồi cũng đã tổ chức quyên góp để cậu ấy có tiền đưa ông già xuống thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh.

Giám đốc Trịnh Lương:

- Đó là một cảnh sát hình sự rất đáng quý. Cậu phải chú ý bồi dưỡng. Không biết tại sao tôi thấy cậu ấy chưa bao giờ bị kỷ luật, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành rất tốt, nhiều chuyên án phá rất hay nhưng việc đề bạt lại không ổn. Vừa rồi bỏ phiếu lại có kết quả không cao là sao?

Thông thở dài:

- Báo cáo anh, anh nói đến điều này, em thấy rất xấu hổ. Em cũng rất muốn đề bạt cậu ấy lên làm phó phòng. Nhưng khổ nỗi là khi bỏ phiếu thì lại phiếu thấp. Truy ra thì có gì đâu, chỉ vì là tính cậu ấy thẳng, anh em có gì không nên, không phải là cậu ấy nhắc nhở ngay. Cậu ấy mà phát hiện ra cậu nào chơi đề đóm, xổ số là mắng, nhiều khi giọng điệu cũng chao chát nên anh em cũng không quý. Mà anh thấy rồi đấy, bỏ phiếu bây giờ chỉ là một thứ cảm tính, chứ có phải là căn cứ vào tài, đức một cách công tâm đâu. Như vừa rồi bỏ phiếu quy hoạch trưởng phòng, cậu Cường có số phiếu không cao chỉ vì có một số cậu ghét cậu này vì khi đi liên hoan, uống rượu vào là hay hát hò, gặp người thân thì hay véo tai. Có mỗi thế mà phiếu cũng thấp. Giờ theo quy chế dân chủ rồi, lá phiếu như vậy thì nói thế nào được.

Giám đốc Trịnh Lương băn khoăn:

- Đó mới là điều khó trong công tác tổ chức. Đề bạt cán bộ thì phải dựa vào số phiếu. Muốn có phiếu thì phải bỏ phiếu. Khi cứ phải lo làm vừa lòng nhau thì thằng nào làm ít, không đụng chạm thì thằng ấy sẽ phiếu cao. Người nào làm nhiều, dám chịu nhiều thì có khi phiếu lại thấp. Thế cậu Thu thì thế nào?

Thông trả lời:

- Báo cáo anh, cậu Thu cũng là một cán bộ giỏi, từ trước đến nay chưa có điều tiếng gì. Hiện cậu Thu là trinh sát có mạng lưới cơ sở đặc tình ngoại biên hoạt động hiệu quả nhất đơn vị.

Giám đốc Lương nói:

- Làm công an mà chúng ta phải gây dựng được mạng lưới cơ sở đặc tình. Các cậu làm hình sự thì việc xây dựng được mạng lưới cơ sở đặc tình là rất quan trọng. Nhưng mạng lưới của cảnh sát hình sự lại nằm rất nhiều trong những đối tượng bất hảo của xã hội. Người ta bảo "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Anh em mình cứ phải gần mực, không khéo là có ngày bị chính bọn cơ sở mà mình gây dựng ấy đưa vào bẫy. Việc này có nhiều rồi, chứ có phải chưa từng xảy ra đâu.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

quy am ky 10 Quỷ ám (kỳ 8)

Ông bà già nó giàu nứt đố đổ vách, nhưng khi bọn em bảo mang tiền sang để bọn em thả nó về thì ông ...

quy am ky 10 Quỷ ám (kỳ 9)

Nếu thằng Nốp không dính vào cờ bạc thì chưa biết chừng, bây giờ đã có một chức vụ khá lắm đấy. Ngày xưa, nó ...

quy am ky 10 Quỷ ám (kỳ 7)

Báo cáo anh, chuyện người Việt sang Campuchia thành tệ nạn thì ai cũng biết rồi. Các băng nhóm xã hội đen trong nước câu ...

quy am ky 10 Quỷ ám (kỳ 6)

Có lẽ lần này nó về, tôi phải nói với mấy anh ở tỉnh đội cho nó đi bộ đội, rồi tống nó ra Trường ...