Sân bay, cảng biển, đường sắt... do Trung Quốc xây dựng không có lợi nhuận hoặc bỏ trống chỉ khiến quốc gia nhận vốn đầu tư biến thành món nợ.
Tờ New York Times mới đây đăng tải những công trình đồ sộ với trị giá hàng tỉ USD ở quốc gia nhỏ bé Sri-Lanka đang biến nước này thành một trong những quốc gia nặng nợ của Trung Quốc.
"Con đường bốn làn xe dẫn ra khỏi thị trấn Hambantota của Sri-Lanka được lưu thông quá ít đến nỗi đôi khi nó thu hút nhiều voi hơn cả xe ô tô.
Nhưng không chỉ con đường đó đơn độc vì thiếu vắng con người, một sân vận động 35.000 chỗ ngồi cách đó không xa gần như bỏ không, một cảng nước sâu trị giá 1,5 tỉ USD cũng vậy và cách đó 16 km vào sâu nội địa là một viên ngọc trị giá 209 triệu USD được mệnh danh là "sân bay quốc tế vắng khách nhất thế giới" - đoạn giới thiệu về Sri-Lanka của The New York Times viết.
Đảo quốc Sril-Lanka với đường băng dành cho thú dữ. Ảnh: New York Times |
Viên ngọc trăm triệu USD mà tờ báo Mỹ nhắc tới là sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa, lớn thứ hai ở Sri-Lanka, được thiết kế đáp ứng nhu cầu của hàng triệu hành khách mỗi năm. Hiện, chỉ có vài chục khách sử dụng sân bay này mỗi ngày.
Hành khách thường xuyên sử dụng tới sân bay này là thú rừng. Năm ngoái, 350 nhân viên an ninh được trang bị các loại pháo sáng đã được triển khai để đe dọa và đuổi những con thú tò mò ra khỏi đường băng.
Sân bay này có những khoản thu cho lợi nhuận nhiều hơn cả kinh doanh hàng không, đó là cho thuê không gian để trữ gạo.
Theo Bộ Giao thông và Hàng không Sri-Lanka, sân bay Mattala có doanh thu hàng năm khoảng 300.000 USD, nhưng nó còn không bằng con số lẻ của món nợ 23,6 triệu USD mà nước này phải trả cho Trung Quốc trong mỗi 8 năm tới vì khoản vay để xây dựng sân bay này.
Chính phủ Sri-Lanka rơi vào thế buộc phải rao bán sân bay để trả món nợ quốc gia cho Trung Quốc. Và một trong những nhà thầu tham gia thương vụ mua lại Mattala cũng chính là Trung Quốc!
Không chỉ sân bay, cảng nước sâu Hambantota của Sri-Lanka cũng mới được bán lại cho Trung Quốc để trừ nợ vì quá ế ẩm sau khi được chính Bắc Kinh xây dựng.
Theo các nhà đầu tư Trung Quốc, Hambantota có một vị trí chiến lược, chỉ cách vài dặm về phía Bắc của tuyến đường biển mang lại 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc qua Ấn Độ Dương.
Cảng nước sâu Hambantota được xây dựng sau đó đã thêm vào "chuỗi ngọc trai" mà Trung Quốc bắt đầu tập hợp thành Con đường Tơ lụa trên biển trong sáng kiến chiến lược "Một vành đai - Một con đường".
Cảng nước sâu Hambantota vắng vẻ của Sri-Lanka |
Nhưng sau khi đi vào hoạt động, số tàu thuyền tới đây quá ít khiến Sri-Lanka buộc phải bán lại cho Trung Quốc 70% cổ phần trong 99 năm đổi lấy 1,1 tỉ USD tiền nợ. Trung Quốc cũng hứa sẽ đầu tư thêm 600 triệu USD để khiến cảng này trở nên nhộn nhịp hơn.
Chính phủ Sri-Lanka đã vay 301 triệu USD từ Trung Quốc với lãi suất cao ngất ngưỡng 6,3%. Trong khi đó, lãi suất các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng phát triển châu Á chỉ từ 0,25 - 3%.
Economic Times tổng kết, nợ quốc tế của quốc đảo Sri-Lanka là 64,9 tỉ USD thì riêng Trung Quốc đã chiếm gần 8 tỉ USD.
Amantha Perera, một nhà báo và nhà nghiên cứu của Đại học Sri Lanka nói: "Chúng tôi đã nghĩ rằng, các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ giúp nền kinh tế của chúng tôi phát triển. Nhưng giờ đây, luôn có một cảm giác rằng, chúng tôi đang phải bán dần trang sức đi để trả nợ".
Sri-Lanka có thể là một điềm báo trước cho những cuộc khủng hoảng nợ sẽ lan ra ở khoảng 68 quốc gia tham gia vào sáng kiến "Một vành đai - Một con đường" của Trung Quốc.
Không ít trái đắng đã được nếm trải từ quả ngọt ban đầu mà Trung Quốc rót vốn ở nhiều nơi.
Ví dụ: The Financial Times cho hay, các ngân hàng Trung Quốc đã cho Pakistan vay 1,2 tỉ USD để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiền tệ ở quốc gia này. Món vay này được Trung Quốc nhanh chóng đề cập sau khi họ đã cam kết rót 57 tỉ USD để phát triển hành lang kinh tế Trung Quốc- Pakistan (CPEC) trước đó.
Nhưng Pakistan đã nhận lại trái đắng khi chưa thấy quả ngọt.
Hiện thực hóa CPEC, Trung Quốc dự định đầu tư hàng loạt các tuyến đường bộ, đường sắt cũng như cảng biển ở Pakistan. Nhưng tuyến đường Karakoma hẹp chạy qua địa hình núi non hiểm yếu không thể đảm bảo được lưu lượng giao thông lớn, còn mở rộng nó sẽ không dễ dàng gì.
Cảng Gwadar làm bùng nổ bong bóng bất động sản ở Pakistan và do Bắc Kinh quản lý. |
Trong khi cảng Gwadar thuộc tỉnh Balochistan của Pakistan do Trung Quốc đầu tư cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Việc xây dựng cảng này tiến hành trong suốt 12 năm liền và hiện đang do công ty Trung Quốc nắm quyền quản lý.
Ước tính, cảng này có thể xử lý 300-400 triệu tấn hàng hóa mỗi năm bên cạnh các nhà máy chế biến thủy sản trải dài trên diện tích 923 ha...
Khu kinh tế này cũng dược cho là sẽ tạo ra hơn 2 triệu việc làm cho người dân Pakistan nhưng thực tế người Baloch ở đây đã bị di dời đi hết. Thay vào đó là bong bóng bất động sản đang ngự trị tại Gwadar.
Myanmar, Campuchia và nhiều hơn nữa
Myanmar là quốc gia tiếp theo có nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Chính phủ Myanmar đang đứng trước sức ép phải chuyển giao đến 85% cổ phần tại dự án cảng biển trị giá 10 tỉ USD ở bang nghèo nhất nước này cho Bắc Kinh, bất chấp thỏa thuận ban đầu mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần.
Từng được xem là biểu tượng của một Myanmar mở cửa và cải cách, vùng kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu nằm trên đảo Ramree, bang Rakhine được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm 100.000 việc làm khi có dòng tiền của Trung Quốc. Nhưng người Myanmar không có công việc khi công ty Trung Quốc đưa người Trung Quốc tới làm việc, còn môi trường thì bị phá hủy.
Dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,9 tỉ USD, có quy mô lớn thứ 15 thế giới do Trung Quốc đầu tư bị cáo buộc tàn phá môi trường nghiêm trọng và không đem lại lợi ích kinh tế cho Myanmar khi 90% lượng điện sản xuất sẽ chạy sang bên kia biên giới.
Gần đây, Bắc Kinh đã gây sức ép buộc Myanmar phải "bồi thường" sự bế tắc ở đập Myitsone bằng các dự án khác ở nước này.
Các tuyến hành lang kinh tế của Trung Quốc |
Campuchia cũng đang bị cảnh báo có nguy cơ trở thành quốc gia sớm lâm vào cảnh nặng nợ của Trung Quốc. Báo cáo năm 2016 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy nợ nước ngoài của Campuchia là gần 5,5 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm tới 70% (khoảng 3,9 tỉ USD).
Năm ngoái, trong chuyến thăm tới Campuchia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã xóa khoản nợ 90 triệu USD. Nhưng sau đó, Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận cho thuê 20% bờ biển của Campuchia để xây cảng nước sâu và thuê suốt 99 năm.
Không chỉ vậy, hàng loạt quốc gia nằm trên Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc cả trên biển và đất liền ở cả châu Á, Âu, Mỹ và châu Phi đều đang đứng trước các cơ hội kinh tế to lớn được Trung Quốc vẽ ra. Nhưng kết quả, quốc gia của họ được gì sau khi vay các khoản tiền khổng lồ đó? Câu trả lời chỉ là: Nợ!
Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi, nói: "Các dự án mà Trung Quốc đề xuất là quá lớn và hấp dẫn và mang tính cách mạng mà nhiều quốc gia nhỏ không thể cưỡng lại. Họ vay tiền như là nghiện ma túy và sau đó bị mắc kẹt trong nợ nần. Đó rõ ràng là một phần trong tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc".
http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/quoc-gia-ganh-nui-no-vi-tien-trung-quoc-3343484/