Người già Nhật phạm tội để vào tù: Cái giá việc hóa... rồng?

Thực trạng người già Nhật Bản cố tình phạm tội để được ở tù cho thấy mặt trái chính sách phát triển kinh tế, văn hóa kinh doanh của Nhật.

Nhật Bản đang phải đối phó với thực trạng tội phạm cao tuổi khi số lượng các vụ trộm cắp, bắt giữ người già ngày càng gia tăng, gánh nặng chi phí y tế cho các nhà tù cũng vì thế mà tăng theo.

Cuộc điều tra năm 2017 của chính quyền thành phố Tokyo cho thấy hơn 50% tội phạm ăn trộm thường sống một mình hoặc hiếm khi trò chuyện cùng người thân.

Nhiều phạm nhân cao tuổi Nhật Bản thú nhận cuộc sống trong tù thoải mái hơn ở ngoài vì họ có người để tâm giao, trò chuyện, ngày đủ 3 bữa cơm.

Trong khi đó, áp lực công việc ở Nhật Bản rất lớn và những người trẻ ở đất nước này làm việc quá nhiều, thậm chí làm việc đến chết, không có thời gian cho bản thân và gia đình.

Bình luận về thực trạng buồn trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, đây chính là mặt trái của một số chính sách về phát triển kinh tế và văn hóa kinh doanh của nước Nhật, kéo theo đó là văn hóa gia đình của người Nhật cũng thay đổi.

Ông cho biết, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, kinh tế Nhật Bản đã có sự phát triển thần kỳ. Họ áp dụng triệt để mô hình công nghiệp hóa của phương Tây, cùng với quyết tâm người Nhật phải vượt lên, không chịu thua kém dân tộc nào trên thế giới. Nhật Bản cũng tận dụng văn hóa lao động, kỷ luật làm việc nghiêm ngặt của người dân để làm quyết liệt và cuối cùng đã thành công. Bằng chứng là thế giới đã chứng kiến 30 năm phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật Bản trong những năm 1960-1980.

"Nhật Bản là nước có ý thức tổ chức không ai sánh kịp. Nó thể hiện sự trung thành, nguyên tắc, cạnh tranh trong việc làm. Bởi thế, tất cả người lao động Nhật đều làm quá giờ, làm hết sức mình.

Thứ kỷ luật ấy khiến họ làm việc hết mình vì công ty, nhưng đồng thời cũng khiến họ bở rơi gia đình, người thân. Hệ quả là những người già ở Nhật Bản sống cô đơn, cô độc, không có mối liên hệ với xã hội.

Đây chính là cái giá Nhật Bản phải trả cho sự tập trung toàn lực để phát triển kinh tế mà quên đi các vấn đề về xã hội, con người. Không phải họ không thực hiện tốt các chính sách về y tế, giáo dục, hưu trí..., trái lại, các chính sách ấy càng ngày càng hoàn thiện. Nhưng có thể những chính sách về xã hội, nhất là phát triển cộng đồng của Nhật Bản chưa đủ tầm.

Trong khi cộng đồng người già sống bên lề xã hội rất đông mà Nhà nước chưa có chính sách phù hợp thì tầng lớp ấy vẫn bị bỏ rơi, khiến họ phải sống cô đơn, cô độc trong 4 bức tường", PGS.TS Nguyễn Văn Nam lý giải.

nguoi gia nhat pham toi de vao tu cai gia viec hoa rong

Nhà tù thành "thiên đường" của nhiều người già Nhật Bản

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết, đây mới chỉ là một mặt của vấn đề. Mặt thứ hai cần lưu ý đó là Nhật Bản đã thực hiện cải cách triệt để, đưa ra thứ văn hóa công nghiệp như phương Tây. Bởi thế, nhiều người già Nhật Bản khi về hưu sống cô độc, không có bất cứ sinh hoạt cộng đồng nào.

"Với văn hóa công nghiệp phương Tây mà Nhật Bản áp dụng, nhà nào biết nhà nấy, không có chuyện gia đình nhiều thế hệ tam, tứ đại đồng đường sống chung dưới một mái nhà như ở Việt Nam. Người phương Tây đề cao cá nhân, thế nên con cái 18 tuổi đã ra ở riêng, thậm chí vợ chồng về già khác tính cũng không ở chung với nhau nữa.

Khi tôi sang Liên Xô, gặp những người già trong công việc, kể chuyện gia đình tôi có ông bà, bố mẹ, con cái sống chung với nhau, họ thốt lên: Các anh thật hạnh phúc! Họ chẳng bao giờ sống như thế.

Điều này khác với Việt Nam, đất nước vốn là xã hội nông thôn nên tính cộng đồng, làng xóm vẫn còn đậm đà. Ngay dân cư thành phố vẫn có thái độ như ở nông thôn, vẫn có mối quan hệ láng giềng, sinh hoạt ở tổ dân phố. Thành ra Việt Nam cũng có người già sống một mình nhưng họ không cảm thấy cô độc lắm vì vẫn còn một số mối quan hệ xã hội của văn hóa nông thôn, nông nghiệp", ông Nam chia sẻ.

Một nguyên nhân khác của tình trạng tội phạm cao tuổi ở Nhật Bản tăng được PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ ra, đó là khi kinh tế phát triển phát triển sang giai đoạn mới - kinh tế số, con người ta chủ yếu sống trên mạng xã hội, song người già lại không hề biết đến những cái đó. Trong khi đó, người trẻ nếu xưa còn dùng điện thoại nhiều thì nay họ tập trung nói chuyện, làm việc trên mạng, do đó, bố mẹ, ông bà không biết dùng mạng thì tự nhiên bị gạt ra rìa.

"Những nguyên nhân trên đã đẩy người già Nhật Bản vào sự cô đơn. Họ cố tình phạm tội để được ở tù vì nhà tù này chỉ là tù về thể xác, họ vẫn có người tâm tình, ốm đau có người chăm sóc, còn ở nhà họ bị tù về tinh thần", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Đối với Việt Nam là quốc gia đi sau, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, thực trạng ở Nhật Bản chính là bài học cho Việt Nam.

"Việt Nam cũng nuôi giấc mơ hóa rồng hay trở thành con hổ kinh tế tại Đông Nam Á nhưng về phát triển kinh tế, Việt Nam còn yếu, chưa đạt được yêu cầu, kỷ luật lao động lỏng lẻo, năng suất lao động thấp, thua cả Campuchia, Myanmar.

Trong kinh tế phải tập trung vào năng suất lao động, con người, nhưng con người Việt Nam đào tạo còn nhôm nhoam, học chưa đến nơi đến chốn.

Dù vậy, chúng ta vẫn phải rút kinh nghiệm, phải cân bằng giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và con người.

Ở Việt Nam bây giờ, các tổ chức xã hội, có hội nọ hội kia nhưng đừng chạy theo hình thức, phải tổ chức thiết thực để đảm bảo cuộc sống cho người già", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Thành Luân

nguoi gia nhat pham toi de vao tu cai gia viec hoa rong Nhật Bản: Người cao tuổi cố tình phạm tội để được vào tù sống lúc cuối đời

Một số người cao tuổi ở Nhật Bản đang cố ý phạm phải những tội lỗi nhỏ để được sống cuộc sống trong tù thay ...

nguoi gia nhat pham toi de vao tu cai gia viec hoa rong Cụ bà Nhật ăn cắp vặt để vào tù, trốn tránh cô đơn

Thiếu thốn tình cảm và chật vật với miếng cơm, nhiều cụ bà ở Nhật trộm cắp vặt và liên tục tái phạm để được ...

/ Theo Đất Việt