Ngày 29/11, tại Hà Nội, chia sẻ tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn đã đưa ra những định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2035 và những vấn đề cần giải quyết cấp bách.
Tại hội thảo, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn chia sẻ: Trong những năm qua, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu.
Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được tất cả các yêu cầu cao nhất về công nghệ của ngành dầu khí.
Trong những năm trước 2015, ngoài các thành công quan trọng đạt được trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hàng năm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước, 10-12% GDP cả nước; đặc biệt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện thành công và đưa vào vận hành 03 cụm dự án/dự án trọng điểm quốc gia về Dầu khí, đó là: Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các Cụm dự án/dự án này đang hoạt động hiệu quả không những về mặt kinh tế mà có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có dự án vận hành.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu tại hội thảo
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gặp phải những khó khăn chưa từng thấy, đó là: Giá dầu thế giới giảm mạnh và kéo dài tiêu cực đã khiến cho cả ngành dầu khí thế giới lao đao, trong đó có Việt Nam. Nhiều dự án thăm dò, khai thác phải dừng, giãn tiến độ khiến cả lĩnh vực dịch vụ cũng ảnh hưởng nặng nề. Cạnh tranh giữa các Tập đoàn/Công ty khai thác dầu khí, vận chuyển và dịch vụ... trên thế giới ngày một khốc liệt và các nước tăng cường bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước.
Những yếu tố này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác và dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bên cạnh đó là rất nhiều khó khăn do những cơ chế, chính sách, luật pháp chưa phù hợp, hoặc đã lạc hậu với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời (Quy chế tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn hiện vẫn chưa được ban hành).
Việc bảo lãnh vay vốn, thu xếp vốn cho các dự án đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gặp nhiều khó khăn, ví dụ như: Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không được bảo lãnh Chính phủ, dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam không được bảo lãnh Chính phủ dẫn đến mất lợi thế khi huy động nguồn đầu tư nước ngoài cũng như chính doanh nghiệp nước chủ nhà, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phải thoái toàn bộ vốn góp tại Dự án này. Việc xử lý các dự án đầu tư ở nước ngoài như Junin 2, SK 305… kéo dài và gặp nhiều khó khăn.
Công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn; tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, thuộc vùng nước sâu, xa bờ hoặc có địa chất phức tạp, kết hợp với giá dầu giảm sâu nên công tác kêu gọi đầu tư gặp khó khăn. Các đơn vị dịch vụ dầu khí hoạt động khó khăn do khối lượng công việc và giá dịch vụ giảm sâu từ 20 đến 70% cho từng loại dịch vụ. Các sản phẩm chủ lực của ngành dầu khí phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng; các dự án đơn vị yếu kém (nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhiên liệu sinh học, đóng tàu Dung Quất) chưa xử lý được triệt để, cũng là do những cơ chế cũ không còn phù hợp.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như vậy, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn trụ vững và tiếp tục đạt được những kết quả khích lệ và quan trọng nhất là đã nộp ngân sách hàng năm chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và 7-9% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm là 10-13%.
Toàn cảnh hội thảo
Trước những thách thức, khó khăn như trên, đòi hỏi ngành Dầu khí Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng trên thế giới. Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị chủ lực ngành Dầu khí Việt Nam, luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ. Thấy trước được những gì đang là nhân tố cản trở sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nên ngày 23/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” (Nghị quyết 41).
Nghị quyết 41 nêu ra mục tiêu Phát triển ngành Dầu khí thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành Dầu khí; xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cho tới nay, đáng tiếc là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 41 vẫn còn chậm. Nhiều cơ chế, chính sách không còn phù hợp vẫn chưa được điều chỉnh hoặc sửa đổi. Mặc dù vậy, để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển, lãnh đạo Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch phát triển trong tương lai, theo định hướng của Nghị quyết 41, đó là:
Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí:
Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí; xây dựng cơ chế đột phá, khuyến khích các nhà thầu lớn từ những nước có vị thế trên thế giới tham gia; phấn đấu trước năm 2035, cơ bản đánh giá được trữ lượng dầu khí trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam.
Tích cực thăm dò tại các bể nước nông, nghiên cứu thăm dò các đối tượng tìm kiếm thăm dò mới, các bể trầm tích mới và các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí than, khí nông, khí đá phiến sét, khí hydrate,…) để bổ sung trữ lượng phục vụ khai thác lâu dài. Khai thác hiệu quả các mỏ hiện có; phát triển và đưa các mỏ đã có phát hiện dầu khí vào khai thác hợp lý và có hiệu quả để sử dụng tài nguyên dầu khí trong nước lâu dài.
Xây dựng phương án hợp tác, cơ chế khai thác chung tại những vùng chồng lấn, tranh chấp phức tạp. Triển khai thu dọn các mỏ đã hết khả năng khai thác, bảo đảm hoàn nguyên môi trường sinh thái. Đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài với cơ chế linh hoạt, phù hợp với khả năng tài chính và năng lực quản lý của ngành Dầu khí theo nguyên tắc bảo đảm hiệu quả kinh tế tài chính và quản trị tốt rủi ro, chỉ lựa chọn các khu vực có tiềm năng dầu khí cao, môi trường đầu tư tốt, thuận lợi về quan hệ chính trị.
Công nghiệp khí:
Xây dựng công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu: khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - xuất nhập khẩu - dự trữ - phân phối sản phẩm khí. Giảm dần tỷ trọng sử dụng khí cho điện và chất đốt, tăng cường cho chế biến sâu. Nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng nhập khẩu khí và các sản phẩm khí từ sau năm 2020. Nghiên cứu phương án xây dựng hệ thống đường ống kết nối các khu vực, hình thành hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia.
Chế biến dầu khí:
Chú trọng chế biến dầu khí nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí), hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu. Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ xã hội để phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư. Đẩy mạnh việc tích hợp, tổ hợp lọc-hóa dầu với các nguồn khí tự nhiên khai thác nhằm nâng cao hiệu quả công trình, dự án đã đầu tư và phát triển các dự án mới cả về quy mô, mức độ chế biến sâu có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí:
Phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ, đáp ứng toàn bộ nhu cầu xăng dầu trong nước; tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ về dầu thô và xăng dầu; xây dựng chính sách, chế tài khuyến khích sử dụng tiết kiệm xăng dầu, khuyến khích sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường; khuyến khích sự tham gia tối đa của các thành phần kinh tế khác trong lĩnh vực phân phối sản phẩm dầu khí.
Dịch vụ dầu khí:
Có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ dầu khí chất lượng cao; đẩy mạnh cổ phần hoá và thoái vốn đầu tư của Nhà nước để tái đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí. Đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để bảo đảm chủ động thực hiện dịch vụ cho các lĩnh vực kinh doanh chính, các dự án đầu tư trong ngành Dầu khí; Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam ra nước ngoài. Xác định các dịch vụ chủ đạo: dịch vụ khoan và kỹ thuật giếng khoan; dịch vụ khảo sát, xử lý và minh giải địa chấn; dịch vụ địa chất công trình, khảo sát và sửa chữa công trình ngầm; dịch vụ thiết kế, chế tạo và xây lắp các thiết bị, công trình dầu khí; dịch vụ đóng mới và vận hành các phương tiện nổi phục vụ hoạt động dầu khí; dịch vụ vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy, công trình dầu khí.
Công nghiệp điện:
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, bảo đảm hiệu quả đầu tư đối với các dự án, nhà máy điện đã và đang triển khai, phát triển thêm một số dự án điện khí; không phát triển thêm các dự án thuỷ điện, điện than, điện gió...
Nguyễn Hoan ghi
Ngày truyền thống ngành dầu khí (27.11.1961 - 27.11.2018): Vững vàng trước thời cơ mới, thách thức mới
Gần 60 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trở thành tập ... |
8 thành tựu nổi bật của ngành Dầu khí Việt Nam
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng mong muốn đất nước có một ngành công nghiệp dầu khí hùng mạnh. Mong ước ... |
Phòng Truyền thống Tập đoàn: Phát huy giá trị truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Tập đoàn phối hợp Phòng truyền thống Dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam tổ chức chương trình tham quan, ... |
Phát triển kinh tế biển và vai trò của ngành Dầu khí - Bài 2: Nhận diện thách thức
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh khâu đột phá lớn ... |