Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh khâu đột phá lớn về khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác… Thế nhưng, hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí hiện nay đã và đang đối mặt với không ít khó khăn khi mà các giếng đã giảm sản lượng và thu xếp nguồn vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò còn nhiều vướng mắc.
Trữ lượng suy giảm
Theo các chuyên gia của ngành Dầu khí do đi vào khai thác đã lâu nên sảnlượng dầu tại rất nhiều giếng đang suy giảm tự nhiên. Cộng vào đó là trữ lượng gia tăng quá thấp khiến từ nay đến năm 2025, sản lượng khai thác dầu sẽ giảm đều đặn mỗi năm 10% - tương đương với hơn 2 triệu tấn. TGĐ PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lên trên 25 triệu tấn ( vượt 6,7% so với kế hoạch Chính phủ giao) nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn.
Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện nay. Điều đáng lo ngại cho sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khâu tìm kiếm – thăm dò – khai thác đó là nhiều cơ chế, chính sách hiện không còn phù hợp và đang là rào cản cho Tập đoàn. Trong khi đó, cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng trước đây đã không còn phù hợp và chưa được sửa đổi nên hoạt động này đang bế tắc.
Thăm dò khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi của ngành dầu khí Việt Nam và luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong giai đoạn 2008-2014, tỷ trọng đóng góp của dầu thô từ hoạt động TDKT dầu khí khoảng 12% trong tổngnguồn thu ngân sách. Đến năm 2015, khi giá dầu giảm mạnh và kéo dài, tỷ trọng này giảm xuống còn 7% nhưng vẫn ở mức cao so với các ngành khác.
Thiếu nguồn vốn
Thiếu nguồn vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò (TKTD) dầu khí là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong những năm qua không thể đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò (TKTD) dầu khí để gia tăng trữ lượng. Sản lượng gia tăng để bù vào khai thác đã suy giảm đến mức đáng lo ngại, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành dầu khí Việt Nam. Do thiếu vốn thăm dò nên xảy ra sự mất cân đối trầm trọng giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, xảy ra hiện tượng “tiêu lạm vào dự trữ”. Nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng cho PVN sau 20-30 năm khai thác như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Lan Tây cung cấp trên 500 triệu tấn dầu quy đổi đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, sản lượng khai thác hiện nay đang suy giảm, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ tận thu hồi dầu, khoan bổ sung để tận khai thác, trong khi các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn và vướng mắc các thủ tục đầu tư.
Cụm giàn Công nghệ trung tâm số 2 Mỏ Bạch Hổ
Vướng mắc từ cơ chế
Thăm dò khai thác dầu khí là hoạt động duy nhất trong ngành dầu khí được Việt Nam ban hành bộ luật riêng để kiểm soát hoạt động. Qua ba lần ban hành và sửa đổi, Luật Dầu khí cùng với các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư và quyết định) đã dần dần từng bước hoàn thiện công tác hỗ trợ hoạt động E&P dầu khí trong nước. Mặc dù Luật Dầu khí đã có nhiều lần sửa đổi nhưng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ với các văn bản luật khác, bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành ban hành chậm, có độ trễ lớn… Chính những khó khăn trên khiến cho hoạt động E&P gặp nhiều lúng túng trong quá trình triển khai, dẫn đến các thủ tục cồng kềnh, thời gian kéo dài, và gây ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện dự án.
Trong mấy năm qua giá dầu sụt giảm mạnh và duy trì ở mức thấp đã dẫn đến hiệu quả đầu tư các dự án dầu khí sụt giảm, một số không bảo đảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng tài chính, dòng tiền của các đơn vị toàn ngành; Cùng với đó một số dự án đầu tư được triển khai trên cơ sở Hợp đồng dầu khí, nhưng chưa được phê duyệt quyết định đầu tư theo quy định hoặc đã giải ngân vượt mức đã được phê duyệt theo quy định liên quan đến đầu tư; Hệ thống cơ chế, chính sách chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực dầu khí. Những vướng mắc này đang ảnh hưởng đến hoạt động của toàn Tập đoàn, đặc biệt là PVEP.Mặc dù PVN, PVEP đã từng bước nhận diện các rủi ro về biến động tài sản dầu khí thông qua việc đã phân bổ các chi phí dự án rủi ro thăm dò, dự án không hiệu quả từ năm 2012. Cũng do thay đổi quy định về thẩm quyền phê duyệt tại Nghị định 204/2013/NĐ-CP nên từ năm 2013 PVN/PVEP phải trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt việc phân bổ chi phí các dự án không hiệu quả, dẫn đến thủ tục kéo dài, không phân bổ kịp thời.
Ở khâu sau của PVN là sản xuất, phân phối khí cũng chưa có văn bản pháp lý thống nhất điều chỉnh các hoạt động liên quan. Cụ thể, Nghị định quy định về vận chuyển và phân phối khí đã có dự thảo từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.Ngoài ra, PVN cũng đi đầu trong việc nghiên cứu xây dựng kho cảng nhập khẩu LNG, cụ thể là kho LNG Thị Vải để bổ sung nguồn khí thiếu hụt cho khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định, hướng dẫn cho hoạt động nhập khẩu LNG. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng vào làm việc với PVN, Bộ Công Thương về việc nhập khẩu LNG nhưng vẫn đang lúng túng trong vấn đề pháp lý.
PVN đã và đang triển khai thực hiện 62 hợp đồng dầu khí trong nước (phủ hầu hết diện tích vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam, trong đó, có 36 hợp đồng đang ở giai đoạn tìm kiếm thăm dò), kết quả đã xác định được tiềm năng dầu khí có thể thu hồi đến nay khoảng là 1,5 - 2,5 tỷ m3 quy dầu. Tính đến nay đã khai thác trên 381 triệu tấn dầu thô và trên 139 tỷ m3 khí. Ở nước ngoài, PVN đang thực hiện 11 hợp đồng dầu khí tại 09 quốc gia/vùng lãnh thổ… Kết quả, tổng sản lượng khai thác dầu ở nước ngoài đến nay đạt 13 triệu tấn.
Ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế của đất nước là rất sâu, rộng.Thiết nghĩ, một trong những vấn đề then chốt cần giải quyếtđó là hoàn thiện thể chế phát triển các tập đoàn này. Trong đó một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.
Hằng Thương (Tài nguyên & Môi trường)
Phát triển kinh tế biển và vai trò của ngành Dầu khí - Bài 1: Ngành Dầu khí Việt Nam - Ngành kinh tế đặc biệt
Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 đã thông qua những nội dung cơ bản Nghị quyết mới về chiến lược phát triển ... |
Thu hút FDI vào ngành dầu khí: Vẫn còn nhiều rào cản pháp lý
Một số hạn chế của Luật Đầu khí và các văn bản pháp luật liên quan có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn ... |
Hoàn thiện khung pháp lý - Tạo đột phá cho phát triển ngành Dầu khí Việt Nam
Trong hơn 55 năm qua, từ năm 1961 đến nay, các giai đoạn phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam đều dựa trên cơ ... |
Để ngành Dầu khí phát huy vai trò hạt nhân trong Chiến lược kinh tế biển
Rất nhiều kỳ vọng đã được các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý đặt ra đối với ngành Dầu khí tại buổi tọa đàm ... |