Đến hôm nay (30-5), phiên tòa xét xử vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã bước sang ngày làm việc thứ 12.
Một phiên tòa hiện lên những bất cập, nỗi đau mà người bệnh phải gánh chịu.
Bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương - người được chỉ định chạy thận cho các bệnh nhân, gây nên tai biến y khoa nói trên - là nhân vật được dư luận rất quan tâm. BS Lương bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Nhiều luật sư, những BS lâu năm trong nghề, cả người nhà bệnh nhân bị tử vong cũng đều cho rằng BS Lương vô tội. Trong phần tự bào chữa cho mình, BS Lương khẳng định: "Bị cáo có tội đâu mà nhận…". Gia đình các nạn nhân đề nghị tòa nên tuyên BS Lương vô tội. Tổng hội Y học, các luật sư, rất nhiều đồng nghiệp lên tiếng ủng hộ BS Lương…
Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao với tư cách là một BS được chỉ định chạy thận thường quy cho bệnh nhân thận giai đoạn cuối lại phải chịu trách nhiệm về các thiết bị chạy thận, trong đó có hệ thống lọc nước RO - nguyên nhân dẫn đến lượng hóa chất axít flohydric tồn dư vượt ngưỡng an toàn trên 200 lần, gây nên cái chết cho các bệnh nhân?
Vụ án cũng gây nên một cuộc tranh luận trên diễn đàn Quốc hội. Đại biểu GS-TS Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng không thể xử một người về trách nhiệm khi họ không được giao và khẳng định: "Chúng ta không thể quy tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện quy trình mà quy trình đó không có".
Từ đây lộ ra những nỗi đau mà người bệnh phải gánh chịu.
Quy trình mà GS-TS Tuấn nói ở trên là "quy trình lọc thận". Quy trình này Bộ Y tế lẽ ra phải ban hành sớm nhưng hơn nửa năm sau thảm họa y khoa ở Hòa Bình, Bộ Y tế mới ban hành, gồm 52 điểm. Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm vì để thiếu hành lang pháp lý. Chính vì vậy, luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho BS Lương, đặt câu hỏi: "Phải chăng chỉ có người dân chết là không đúng quy trình, còn tất cả chúng ta đều đúng quy trình?".
Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình còn phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động xã hội hóa các dịch vụ chữa bệnh trong các cơ sở y tế. Họ đã thiếu giám sát, để xảy ra lỗ hổng, tạo nên lợi ích nhóm trong việc đặt máy lọc thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình. Thậm chí, các công ty tham gia dịch vụ này mua đi bán lại hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO bất hợp pháp, đưa đến dịch vụ này như hoạt động chui. Ngay cả giá chạy thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng cao gần gấp đôi so với giá bình quân trên cả nước, khi mà người bệnh phải trả đến 7,7 USD/ca (ở BV Bạch Mai - Hà Nội chỉ có 3,5-4 USD). Đơn vị đặt máy chạy thận hưởng đến 90%, trong khi BVĐK tỉnh Hòa Bình hưởng 10%. Rõ ràng có những lợi ích nhóm hoành hành trên nỗi đau của bệnh nhân, trong khi hình thức liên kết này đang xuất hiện rất nhiều tại các cơ sở y tế.
Một nỗi đau khác cũng hiện lên, nếu xử BS Lương có tội (dù là cho hưởng án treo) thì tất cả các BS đang hành nghề y tại Việt Nam đều trở thành tội phạm "tiềm năng", trong khi hành lang pháp lý để hành nghề y vẫn còn lỗ hổng.
Một vụ án khi xử đã lộ ra nhiều nỗi đau, mà nỗi đau nào cũng nhức buốt!
Lưu Nhi Dũ
Vụ xét xử BS Lương: VKS nêu 2 lý do đề nghị trả hồ sơ điều tra lại
Trong phần tranh luận chiều nay (29/5), đại diện VKS đã nêu ra 2 lý do chưa được làm rõ và đề nghị HĐXX trả ... |
VKS đề nghị trả hồ sơ bổ sung vụ án Hoàng Công Lương
Đại diện VKS cho rằng vụ án có thêm các bằng chứng mới, ngoài ra, cần xác minh có hay không việc đổ lỗi cho ... |
Vụ xét xử BS Lương: Bằng chứng buộc - gỡ tội 50/50, HĐXX công tâm
Vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo sẽ bước sang ngày xét xử thứ 10. VKS cáo buộc Lương có tội, ... |