Những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc ở các nước Thái Bình Dương đang làm dấy lên mối lo về một chiếc "bẫy nợ" giăng sẵn.
Các công nhân Trung Quốc tại một dự án xây dựng của nước này ở Papua New Guinea. Ảnh: ABC News.
Trên những con đường chật chội, ồn ã của thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea, dấu ấn Trung Quốc có thể được nhìn thấy ở mọi ngóc ngách, theo South China Morning Post.
Một công nhân Trung Quốc đang chăm chú kẻ vẽ logo của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRG) bên ngoài tòa nhà họ mới xây. Gần đó, nhóm công nhân từ Tập đoàn Kỹ thuật Cảng biển Trung Quốc cặm cụi đào đường.
"Dần dần, họ tham gia vào tất cả các công việc kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi không thể cạnh tranh nổi", Martyn Namorong, người phát động chiến dịch bảo vệ công ăn việc làm cho dân địa phương trước làn sóng Trung Quốc, chia sẻ.
Gây ảnh hưởng
Papua New Guinea, quốc gia tây nam Thái Bình Dương với dân số 8 triệu, là một trong những mục tiêu mới nhất của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng gây ảnh hưởng toàn cầu.
Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực tập trung các hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, bao gồm Fiji, Niue hay Timor Leste, đang khiến Mỹ và đồng minh Australia lo lắng.
Khu vực này, từ sau Thế chiến II, luôn đóng vai trò chiến lược quan trọng với các cường quốc phương Tây trong nỗ lực duy trì những tuyến hàng hải tự do, mở cửa và ổn định. Với Bắc Kinh, nó mang đến nguồn nguyên liệu thô dồi dào, từ khí đốt cho đến gỗ, và một tập hợp những quốc gia có thể lên tiếng ủng hộ tuyên bố chủ quyền phi lý của họ tại các diễn đàn quốc tế.
Theo Eric B. Brown, chuyên gia về các vấn đề châu Á tại Viện Hudson, trụ sở ở Washington, Trung Quốc rõ ràng có "mục đích chiến lược" khi bơm một lượng tiền lớn vào khu vực Thái Bình Dương.
"Chủ quyền những quốc gia này có thể bị tổn hại bởi phương pháp làm kinh tế kiểu lấn át như vậy", Brown nhận xét. "Nó có thể tạo ra mối đe dọa về quân sự với những quốc gia khác, chẳng hạn như Australia, và gây ảnh hưởng tới khả năng của Mỹ cũng như đồng minh trong việc duy trì tự do, trật tự ở Thái Bình Dương".
Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quan ngại rằng hoạt động cho vay ồ ạt nằm trong sáng kiến "Vành đai, Con đương" của Trung Quốc sẽ gây áp lực lớn lên các quốc gia nghèo đói, kém phát triển ở Thái Bình Dương khi họ đối diện nguy cơ không thể trả những khoản nợ khổng lồ.
Sri Lanka được coi là một ví dụ điển hình về những hệ lụy mà các quốc gia đang phát triển có thể đối mặt vì "bẫy nợ" Trung Quốc. Họ đã phải cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong vòng 99 năm vì không thể trả khoản nợ vay từ chính Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Toàn quyền Papua New Guinea Michael Ogio ở Bắc Kinh hồi năm 2015. Ảnh: Xinhua.
Giờ đây, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành quốc gia cho vay song phương lớn nhất ở Papua New Guinea. Dự kiến đến cuối năm nay, Papua New Guinea sẽ nợ Trung Quốc 1,9 tỷ USD từ các khoản vay ưu đãi, chiếm khoảng 25% tổng nợ của nước này.
IMF cảnh báo những quốc gia khác vay tiền từ Trung Quốc ở khu vực như Samoa, Tonga hay Vanuatu cũng có nguy cơ cao rơi vào cảnh nợ nần và phải trả giá trong tương lai.
Dù lượng tiền chảy tới Thái Bình Dương không thấm vào đâu so với số tiền trị giá tới 350 tỷ USD mà Trung Quốc rải khắp toàn cầu với tư cách các khoản viện trợ kể từ năm 2000 đến nay, chúng vẫn là gánh nặng lớn đối với những quốc gia nhỏ bé trong khu vực, đa phần có dân số chưa tới một triệu người.
Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, nhấn mạnh "không còn nghi ngờ gì" về việc Trung Quốc đang tìm cách thiết lập hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương nhằm tác động tới "những nước nhỏ bé, dễ bị tổn thương". "Họ muốn trở thành một thế lực ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương", White đánh giá.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó khẳng định các quốc đảo Thái Bình Dương "không nằm trong vòng ảnh hưởng của bất kỳ nước nào".
Wang Dong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, bác bỏ những mối lo âu rằng các khoản vay ưu đãi lớn thực chất chỉ là miếng mồi trong cái gọi là chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc.
"Thật vô lý khi nghĩ rằng các khoản vay này phục vụ mục đích quân sự hay tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương" Wang trả lời phỏng vấn qua điện thoại với SCMP. "Chúng ta sẽ thấy Trung Quốc vẫn gia tăng hiện diện ở Thái Bình Dương và tiếp tục giúp các quốc gia trong khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng".
Song chuyên gia Jonathan Pryke từ Viện Lowy, trụ sở ở Sydney, Australia, cho rằng Trung Quốc rõ ràng đã "thâm nhập vào Thái Bình Dương theo một cách khách thường" và nó "làm thay đổi nguyên trạng, đồng thời gây lo âu" bởi không ai biết chính xác Bắc Kinh muốn gì.
Lae Tidal Basin là cảng lớn nhất của Papua New Guinea, do Tập đoàn Kỹ thuật Cảng biển Trung Quốc xây dựng. Ảnh: ABC News.
Lợi thế của Kim Jong-un từ tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Triều
Kim Jong-un có thể tận dụng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để nới lỏng các lệnh trừng phạt Triều Tiên phải ... |
Người hâm mộ bóng đá Trung Quốc đau tim, đâm xe vì World Cup
Các trận bóng World Cup khiến một số người hâm mộ Trung Quốc gặp sự cố như lên cơn đau tim, phân tâm khi lái ... |
Nhà hàng TQ sập tiệm, hối hận sau 2 tuần tung khuyến mãi “khủng”
Một nhà hàng lẩu ở Trung Quốc thông báo phá sản sau 2 tuần đưa ra chương trình khuyến mãi “khủng” nhằm thu hút thực ... |