Tranh luận về vấn đề lãnh đạo quản lý, bộ trưởng các bộ, ban, ngành có nên làm hồ sơ công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) hay không và vấn đề giao các trường được tự phong GS, PGS vẫn đang “nóng” với nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra từ các chuyên gia.
Số lượng GS, PGS năm 2017 tăng “đột biến”. Ảnh: HN
Chỉ nên phong là viện sĩ
Bàn về vấn đề những người làm công tác quản lý có nên được phong là GS hay không, GS-TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - bày tỏ, GS chỉ làm công tác quản lý, không làm đúng nghề giảng dạy, đào tạo sẽ rất lãng phí và vô nghĩa. Trường hợp bộ trưởng cũng không nhất thiết phải có chức danh GS khi bộ trưởng chỉ làm công tác quản lý, không giảng dạy. Người làm công tác khoa học nhưng gắn với nghiên cứu mà không phải đào tạo thì có thể phong là viện sĩ. Bên cạnh đó, GS Phạm Tất Dong cũng chỉ ra rằng, kể cả là Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cũng không nhất thiết phải là GS. Bởi theo ông, người làm công tác quản lý, thay mặt nhà nước để phong chức danh này không có nghĩa họ phải làm chức danh này. Một số quốc gia khác, người không làm GS vẫn là Bộ trưởng Bộ GDĐT hay Bộ Y tế.
Đồng quan điểm, GS-TS Phạm Gia Khải - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng, danh hiệu GS hay PGS chỉ nên dành cho những người giảng dạy ở cơ sở đào tạo nhất định. Vì chỉ người giảng dạy mới có những bí quyết nghề nghiệp, đáp ứng việc hỏi và đáp. Người làm quản lý, ở phòng trà, chỉ có trình độ GS mà không giảng dạy thì không nên. “Tôi nhớ cố Bộ trưởng Y tế Vũ Văn Cẩn (1914-1982) từng ngăn cấp dưới đăng ký làm PGS. Cố Bộ trưởng nói: “Anh làm quản lý thì không nên ham chức danh GS, PGS làm gì cả”. Ngày ấy, tất cả cấp dưới của cố Bộ trưởng làm chức năng quản lý Nhà nước không xét duyệt chức danh này. Bây giờ, tôi thấy đông GS, PGS” - ông Khải nói.
Còn theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - cũng cho rằng, quan chức nói chung, bộ trưởng nói riêng, không nên làm GS và PGS. Chức danh này chỉ nên dành cho những người giảng dạy tại các cơ sở đại học. Theo ông Khuyến, xu hướng trên thế giới không có chuyện quan chức, bộ trưởng là GS, bởi công việc chính của họ làm hành chính, chính sách. Khi quan chức gắn liền GS, dù có thanh minh thế nào cũng thể hiện tính háo danh. Việc phong GS, PGS nên để cho các trường đại học tự quyết định.
Tương tự, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT - cho biết: Trên thế giới việc phong GS, PGS là việc của các trường đại học. GS và PGS cũng gắn với thương hiệu của trường. Khi chuyển công tác, đơn vị mới sẽ xem xét để phong lại chức danh GS, PGS cho người đó. Chính vì vậy, nếu giao việc công nhận và bổ nhiệm GS về cho các trường sẽ là những thay đổi mang tính đột phá. Khi đó, không còn chức danh GS, PGS quốc gia nữa mà gắn chức danh GS với công việc giảng dạy, nghiên cứu và tên của các trường đại học. Việc quan chức có là GS hay không do các trường quyết định, và có thể có chức danh GS thỉnh giảng giống như việc Đại học Oxford phong cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Sao yên tâm giao cho các trường?
Ở một góc nhìn khác, GS-TSKH Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành y, nguyên Giám đốc Học viện Quân y - cho rằng, bộ trưởng không cần làm GS nhưng nếu say mê nghiên cứu khoa học, giảng dạy thì làm GS là điều đáng quý. Thậm chí, bộ trưởng còn thừa sức làm GS vì những thành tích nghiên cứu khoa học của họ đã có từ mấy chục năm trước. Riêng đối với ngành y, không chỉ bộ trưởng mà các cán bộ quản lý, lãnh đạo viện, bệnh viện nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì nên làm GS, bởi trước đây, họ từng làm giảng viên và có chuyên môn giỏi mới được xem xét và cân nhắc bổ nhiệm là quản lý. Khi làm quản lý, họ vẫn tiếp tục làm chuyên môn và tham gia nghiên cứu. Ngoài ra, đào tạo ngành y thì 2/3 thời gian là đào tạo trong bệnh viện. Cách thức giảng dạy cũng khác là dạy trên người bệnh nhân, vì thế không có bài giảng hay giáo trình, giáo án cụ thể. Ý kiến của GS Nguyễn Anh Trí - nguyên Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương - cho rằng, bộ trưởng, thứ trưởng nếu có danh hiệu PGS, GS thì càng tốt, còn lại không quá cần thiết.
Còn GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn - Đại học Quốc gia Hà Nội - lại cho rằng: Tuỳ từng thể chế mà lãnh đạo bộ có nên là GS hay không. Việt Nam là thể chế nhà nước tập trung, do đó khác với các thể chế khác. Về nguyên tắc, bộ trưởng không cần là GS nhưng đối với 3 đơn vị là Bộ GDĐT, Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ thì vẫn cần tôn trọng và có chức danh, học hàm, học vị đồng nghĩa với kiến thức, đóng góp cho đào tạo, khoa học thì sẽ tốt hơn. “Nhiều ý kiến cho rằng, nên giao việc phong GS, PGS về các trường. Tôi không tán thành ý kiến này, bởi hiện chúng ta mới chỉ đang trong quá trình tiếp cận với thế giới. Còn nhiều vấn đề phải hoàn thiện dần dần chứ không thể một bước lên ngay được. Việc quy định mới bổ sung tiêu chuẩn về bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI là một trong những bước tiến đáng ghi nhận. Bây giờ, chúng ta mới chỉ giao việc đào tạo tiến sĩ về các trường thôi mà đã loạn rồi. Nếu giao thêm cả việc phong GS, PGS nữa thì không biết sẽ còn đi về đâu?” - GS Hãn lo ngại.
Cùng chung lo ngại, PGS-TS Phan Quang Thế - nguyên Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên - cho rằng: Nếu nói làm quản lý không nên làm GS thì bất công với những người thật sự có tầm và tâm với khoa học, tuy số này rất ít, chỉ khoảng 5%. Nhưng nếu nói nên, thì quá nhiều lãnh đạo sẽ có được chức danh này nhờ cấp dưới hoặc các mối quan hệ “lợi ích” làm giúp.
Lộ diện 2 tân PGS không đủ tiêu chuẩn Sau khi có đơn tố cáo đạo văn, ông Đặng Công Tráng - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM - đã xin rút khỏi danh sách đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2017. Người này thừa nhận những thiếu sót trong quá trình nghiên cứu đã không cẩn thận rà soát kỹ, các thành viên nhóm có sử dụng tài liệu của công trình nghiên cứu trước đây mà không ghi rõ nguồn trích dẫn. Ngoài ra, thông qua đơn tố cáo, Hội đồng Chức danh GS liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm đã phát hiện trường hợp ứng viên PGS tên N.Đ.Q - Trường Đại học Bách khoa TPHCM - thiếu hướng dẫn thạc sĩ. Lỗi được đưa ra là do nhà trường sơ xuất trong khi làm thủ tục. Hội đồng ngành rà soát lại rất kỹ trường hợp này và xác nhận hồ sơ ứng viên N.Đ.Q không đạt tiêu chuẩn PGS năm 2017. |
Xét phong giáo sư: Yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc vì để xảy ra tình trạng còn để lọt ... |
Bộ trưởng Bộ GDĐT phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc xét duyệt GS, PGS
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và Hội đồng chức danh ... |