Một ngày giữa tháng 11, tôi nhận được email của James, sinh viên kinh tế năm cuối Đại học Bristol, nơi tôi giảng dạy. Cậu muốn tìm hiểu về cơ hội thực tập và cả việc làm ở Việt Nam.
Một ngày giữa tháng 11, tôi nhận được email của James, sinh viên kinh tế năm cuối Đại học Bristol, nơi tôi giảng dạy. Cậu muốn tìm hiểu về cơ hội thực tập và cả việc làm ở Việt Nam.
Tôi khá ngạc nhiên. Trong năm năm dạy ở Bristol, tôi chưa bao giờ nghe đến việc sinh viên Anh muốn tìm việc ở Việt Nam. Brexit chắc chắn không phải lý do vì James có những mối quan hệ ở Anh và Trung Quốc có thể giúp cậu tìm công việc tốt.
Gặp tôi, James kể lại. Trong dịp đi thực tập hè tại một công ty ở Chu Hải - Trung Quốc, cậu nghe được nhiều đánh giá khá tốt về kinh tế Việt Nam, về triển vọng của dòng vốn đầu tư vào các công ty tư nhân chưa lên sàn chứng khoán ở Đông Nam Á, lĩnh vực mà James hứng thú. James hỏi tôi nghĩ gì về tương lai kinh tế Việt Nam trong 2-3 năm tới. Cậu cần tham vấn ý kiến trước khi đánh cược chi phí cơ hội của mình giữa hai lựa chọn: sự nghiệp ở một công ty đầu tư loại vừa tại London hoặc một công việc ở Hong Kong. Đại ý hôm đó tôi nói với cậu, rằng kinh tế Việt Nam đang ở phong độ đỉnh cao trong 10 năm trở lại đây, nhưng không biết sau đó sẽ là đỉnh cao mới hay là một vực sâu. "Lạc quan nhưng thận trọng", tôi chốt lại quan điểm của mình.
Hôm qua, Chính phủ công bố mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là 7,08%. Khỏi phải nói giới kinh doanh sẽ hứng khởi thế nào. Đây là mức GDP cao nhất của Việt Nam kể từ mốc khủng hoảng kinh tế 2008, Việt Nam nhiều khả năng lọt vào nhóm 10-15 nền kinh tế dẫn đầu thế giới về tăng trưởng.
Bước vào năm 2019, câu hỏi sẽ là, điều gì phía sau đỉnh cao này? Có người sẽ trả lời ngay: vực sâu. Nhưng cũng có người sẽ nghĩ phía sau đỉnh cao là một đỉnh cao mới. Tôi vẫn giữ quan điểm "Lạc quan nhưng thận trọng" của mình, vì những lý do sau.
Thứ nhất, sự lạc quan phản chiếu lên tâm lý của giới khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Số đông đều tỏ ra hào hứng khi nói đến việc đầu tư vào công ty tư nhân hay công ty khởi nghiệp, văn phòng cho thuê và đầu tư bất động sản ở Việt Nam. Nhiều báo cáo của các tổ chức tài chính, đầu tư cho biết, vốn trực tiếp và gián tiếp vẫn đang dồi dào đổ vào những thị trường như Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một điểm sáng với hơn 6,6 tỷ USD vốn FDI trong cả năm. Nhiều quỹ lớn ở Anh và Mỹ đều kêu gọi nhà đầu tư nên thu gom tài sản, cổ phiếu với niềm tin rằng "hàng đã đủ rẻ".
Thứ hai là sức nóng ở thị trường bất động sản. Ngoài các thông tin được đọc, báo chí cũng đã viết, tôi còn cảm nhận điều này qua những cuộc trò chuyện. Simon, bạn học cũ của tôi thời ở Úc, gần đây hỏi tôi rằng nếu anh bán nhà ở Melbourne và mua bất động sản ở Việt Nam thì thế nào. Simon hiện đang sống ở Thẩm Quyến, làm dịch vụ cho các công ty niêm yết ở Hong Kong. Tôi chưa hình dung các bước cậu sẽ làm, nhưng với một nhà đầu tư hết sức bảo thủ và chỉ quen thuộc thị trường Úc và Trung Quốc như Simon, đột nhiên quan tâm tới Việt Nam là một dấu hiệu lạ. Ngoài ra, cũng đã có những thông tin về một làn sóng mua bất động sản tại Việt Nam của truyền thông nước ngoài. CBRE mới công bố báo cáo cho thấy số lượng người Trung Quốc mua nhà tại TP HCM chiếm 31% lượng khách hàng của công ty này. Dù có quan điểm cho rằng đây chỉ là số liệu thống kê từ số lượng khách hàng của riêng họ và không phản ánh hết thị trường nhà ở TP HCM, nó vẫn là một tín hiệu mới. Một số quan điểm khác cho rằng bất động sản Việt Nam đang hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài, là lĩnh vực thu hút nhiều FDI thứ hai của năm 2018. Dù vẫn có ý kiến cho rằng một quả bong bóng tài sản đang phình lên, nhưng không ai biết chắc khi nào nó sẽ dừng độ lớn, 5 hay 10 năm, vì vậy không ai muốn bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền khi chứng khoán đã mất đi khá nhiều độ quyến rũ.
Ở chiều ngược lại, nhóm bi quan đã không tin nhiều vào những tín hiệu trên. Tâm lý thận trọng hơn bao giờ hết được thể hiện trên thị trường chứng khoán không riêng Việt Nam trong năm qua. Đó là chiến trường với cuộc chơi nghìn tỷ USD của các quỹ lớn toàn cầu. Giá cổ phiếu từ Mỹ tới Châu Âu, Nhật Bản, Việt Nam đều rớt mạnh trước Giáng sinh. Chỉ số Fear and Greed Index của CNN ở mức kịch kim 2 điểm (0 điểm là tột cùng sợ hãi, 100 là vô cùng phấn khích). Lãi suất Mỹ tăng, chính phủ Mỹ tạm đóng cửa một phần sau khi Quốc hội không đạt được thỏa thuận về ngân sách, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung năm sau không biết sẽ ra sao. Điều đó có thể khiến người ta bắt đầu thận trọng nhìn qua năm 2019. Phải chăng thị trường chứng khoán đã phát ra tín hiệu không vui cho nền kinh tế sau năm 2018? Giới kinh tế học nước ngoài cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng và chính sách tài khóa, với mấu chốt nằm ở việc cổ phần hóa và bán vốn cổ phần ở nhiều công ty Nhà nước. Nhưng rủi ro với hệ thống ngân hàng vẫn còn đó. Sức ép tăng vốn và nợ xấu với ngân hàng chưa nguội, thậm chí có xu hướng ấm lên trước áp lực tăng vốn và tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ dưới chuẩn đang "tìm về".
Đó là chúng ta chưa biết khi nào dòng tiền đầu tư từ nước ngoài vào bất động sản Việt Nam đột ngột đổi hướng. Vốn đầu tư bất động sản từ Trung Quốc vào Việt Nam có lẽ sẽ không như cách mà người Trung Quốc đột ngột vào Việt Nam vét mua thanh long rồi đột ngột dừng mua. Nhưng những toan tính của họ là điều mà chúng ta không thể đoán hết. Ví như Simon, những khoản đầu tư của anh ở nước ngoài sẽ được thanh lý ngay để chuyển tiền về mua các tài sản hấp dẫn ở Thượng Hải hay Hong Kong nếu giá trị tài sản bị rơi qua ngưỡng cắt lỗ. Simon cũng cho rằng khi tài sản ở Trung Quốc rớt giá đủ nhiều thì nhà đầu tư nước này cũng phải bán tài sản đã mua ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, để rút về cứu "sân nhà". Việt Nam đối với họ, nhiều khi chỉ là điểm đậu thuyền tạm tránh bão.
Và nữa, Việt Nam là một nền kinh tế ngày càng mở sau nhiều hiệp định kinh tế-thương mại đã ký. Những bất ổn từ bên ngoài, "thương chiến" Mỹ-Trung đang căng thẳng hơn hay khó khăn của kinh tế Nhật-Hàn Quốc... tất cả đều có thể đưa nền kinh tế năm tới vào con đường hẹp nhiều bất định.
Điều chính phủ có thể làm là nới lỏng các giới hạn với hoạt động kinh doanh để cho phép doanh nghiệp ứng phó nhanh nhạy với diễn biến thời cuộc nếu có sự suy giảm của thương mại toàn cầu. Sự thiếu điện, trục trặc trong các dự án đầu tư công, việc bán vốn Nhà nước bị trì trệ, thiếu minh bạch trong khu vực quốc doanh, nạn tham nhũng... vẫn là các tác nhân đánh vào tăng trưởng. Vì thế, Chính phủ cần gỡ các nút thắt này càng sớm càng tốt.
Ngược lại, nếu quả thật sau đỉnh cao 2018 là một đỉnh cao mới của tăng trưởng, lạm phát sẽ trở lại khi bong bóng tài sản đủ lớn. Chính phủ cũng cần sẵn sàng có giải pháp "tạt nước lạnh" kịp thời trước những cơn sốt đất, sốt nhà và sốt giá.
Hồ Quốc Tuấn
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số
Kể từ 2008, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã lần đầu vượt 7%. Trong khi đó lạm phát chỉ ở mức 3,54%, thấp hơn ... |
Kinh tế tăng trưởng 7,08%, cao nhất 10 năm
GDP năm nay đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, còn lạm phát cũng dưới 4% mục tiêu Quốc hội đề ra. |