Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, tài sản tiền bạc thu được qua các vụ án tham nhũng và qua công tác thanh tra, kiểm tra là cực kỳ thấp. Hình như cho đến nay chưa có môt cán bộ nào khi bị đưa ra xét xử mà lại bị mất sạch nhà cửa.
Nhiều vụ án người ta kết án kẻ tham nhũng phải nộp một số tiền khá lớn, thậm chí hàng trăm tỉ như trường hợp ông Phạm Thanh Bình ở Vinashin, nhưng cho đến nay, Nhà nước không thu về được đồng nào.
Theo các nhà nghiên cứu, thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra ngày càng lớn. Trong khi đó, công tác đấu tranh, thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) còn nhiều bất cập, tỷ lệ thu hồi còn thấp. Năm 2013 tỷ lệ số tiền, TSTN thu hồi đạt được chưa đến 10%; năm 2014 đạt trên 22%, không bõ bèn gì so với số tiền, tài sản thực tế bị tham nhũng.
Các biệt thự tham nhũng của Giang Kim Đạt sẽ bị thu hồi
Chắc chắn rằng ở Việt Nam cho đến nay chưa có một kẻ tham nhũng mà vợ con phải ra vỉa hè. Và hầu hết việc tuyên án phải nộp lại tiền bạc cũng là tuyên cho có mà thôi, còn việc thu hồi tài sản tham nhũng hầu như là không thể.
Ô hay, thế này thì chống tham nhũng để làm gì! Nếu chống tham nhũng mà không thu tài sản, không bắt kẻ tham nhũng phải trả giá đau đớn thì người ta sẵn sàng tiếp tục tham những để “hy sinh đời bố củng cố đời con”, sẵn sàng tham nhũng để ở tù 5-10 năm và sau khi ra tù lại vênh vang áo mũ, và tiêu tiền như ném qua cửa sổ.
Và thậm chí những kẻ tham nhũng khi có tiền thì trong trại giam cũng sống một cuộc sống khác.
Chúng ta cứ nói chống tham nhũng nhưng nếu như không làm cho những kẻ tham nhũng hoặc đang có ý đồ tham nhũng hiểu rằng, chúng ăn cắp 1 đồng thì phải trả 10 đồng và bản thân kẻ tham nhũng đã phải chịu xử lý của pháp luật thì người thân của chúng cũng phải trả giá cho việc này. Có thế mới đủ sức răn đe. Để bất cứ khi nào có kẻ muốn tham nhũng thì phải nghĩ tới hậu quả, mà vợ con chúng phải gánh chịu ngay tức khắc.
Từ xưa dân ta đã có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột”, còn người Trung Quốc có câu “Chết thì dễ, nhưng để mất tiền thì khó”. Điều đó có nghĩa rằng để kiếm ra được đồng tiền người ta phải lao tâm khổ tứ, phải vất vả và phải chịu cay đắng thì mới có đồng tiền chính đáng.
Chính vì thế mà mất đồng tiền như cắt ruột, đau đớn lắm. Với những kẻ làm giàu bất chính mà từ tham nhũng thì cũng vậy thôi. Chúng đã không còn liêm sỉ, nhân cách để mà kiếm tiền bằng tham nhũng, thì phải tìm mọi cách thu lại được tiền bằng những biện pháp cứng rắn nhất, quyết liệt nhất và thậm chí phải “ác” nhất.
Còn nếu như chống tham nhũng mà cứ nói khơi khơi, không có chế tài đặc biệt kèm theo thì, xin lỗi các vị đang làm công tác chống tham nhũng, “nói lắm chỉ mỏi mồm”. Miệng liền tai đấy, mình nói mình nghe, còn những kẻ tham nhũng thì chúng có nghe đâu, có biết sợ đâu.
Có lẽ chúng chỉ biết sợ hoặc phải chùn tay lại trước khi thực hiện hành vi tham nhũng ấy là khi chúng phải hiểu rằng, một ngày xấu trời nào đó, vợ con chúng nay đang ở biệt thự phải ra ở căn nhà cấp bốn như thời bao cấp, con cái chúng đang học trường danh tiếng thì phải về đi làm lao động, mà học cách kiếm tiền bằng mồ hôi, sức lực của mình.
Gần đây cũng đã bàn luận về việc có đề xuất, với những tội phạm kinh tế sẽ giảm án nếu chúng nộp tiền. Nhiều người đã phản ứng rằng “vậy những kẻ có tiền thì sẽ thoát tội à?”. Thực ra, không nên hiểu một cách máy móc là “có tiền mua được cả án tù”. Vấn đề nên đặt ra là: Với các vụ án kinh tế, thì làm thế nào thu về được càng nhiều tiền càng tốt.
Thật ra đây là cách rất hay và nên làm. Bởi bắt những kẻ tham nhũng, những kẻ phạm tội kinh tế vào tù chẳng có ý nghĩa răn đe gì đâu, có chăng chỉ là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật mà thôi.
Chúng ta chống tham nhũng là để ngăn chặn sự hư hỏng của cán bộ, để chống thất thoát tài sản của Nhà nước, của nhân dân, làm trong sạch bộ máy. Thế thì tại sao không tìm cách thu lại tiền, bởi tiền nham nhũng là tiền của dân. Nên có hình thức cho những kẻ tội phạm kinh tế được nộp tiền để giảm án tù, nộp càng nhiều thì thời gian ở tù càng ngắn.
Còn nếu như chống tham nhũng mà không thu được tài sản, không thu được tiền về trả lại cho dân thì chống mà làm gì?