Không gian sông Sài Gòn dành cho ai?

Trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo TPHCM, một số đại biểu Quốc hội đã chia sẻ thẳng thắn về tình trạng sông Sài Gòn đang bị lấn chiếm, thậm chí phân lô có sự chi phối của lợi ích nhóm. Có ý kiến bức xúc nói thẳng rằng, bờ sông Sài Gòn ở TPHCM dường như là của một số người giàu, người có tiền chứ không phải không gian công cộng, là mảng xanh, công viên phục vụ cho hơn 10 triệu người dân thành phố đến vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi.

khong gian song sai gon danh cho ai

Việc các dự án phát triển ồ ạt sẽ khiến quá tải về hạ tầng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống xung quanh khu vực sông Sài Gòn. Ảnh: N.TIẾN

“Ngột thở” với dự án

Theo thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, tận dụng không gian bờ sông, TPHCM đã quy hoạch phát triển khu đô thị cao tầng bên bờ sông Sài Gòn. Quy hoạch hiện tại của TPHCM phân khu bờ tây Sài Gòn theo 5 khu trung tâm. Trọng tâm nhà cao tầng của toàn khu đặt ở bờ tây, đặc biệt khu ven sông. Phát triển các dự án nhà ở cao tầng không đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch chung của thành phố trong tương lai.

Cụ thể, dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, đoạn chảy qua trung tâm TPHCM từ bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến quận 4, thành phố đã quy hoạch 4 khu vực đô thị là: Khu cảng quận 4 với 450.000m2 được giao cho Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn thực hiện; Khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn rộng 131ha, được giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Tân Liên Phát thực hiện; Khu đô thị mới đa chức năng Ba Son rộng hơn 25ha được giao cho Tổng Công ty Ba Son thực hiện; Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa thuộc phường 28 (quận Bình Thạnh) được quy hoạch trên diện tích gần 427ha theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại. Đồ án quy hoạch khu vực này được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Bitexco thực hiện.

Theo ghi nhận thực tế của PV, bờ tây sông Sài Gòn nhiều dự án đang tấp nập và gấp rút bước vào giai đoạn hoàn thiện, nhiều dự án được xem là biểu tượng của TPHCM trong tương lai. Khu cảng Sài Gòn theo quy hoạch trong tương lai là khu nhà cao tầng có chức năng thương mại, dịch vụ và căn hộ. Sôi động không kém, khu đô thị Thủ Thiêm cũng có tốc độ xây dựng chóng mặt. Hàng loạt dự án nhà ở và trung tâm thương mại cao tầng của các doanh nghiệp địa ốc trong và ngoài nước xây dựng. Ngoài ra, các dự án chung cư nằm gần và dọc bờ sông thuộc khu vực quận 2, quận 7 và quận 4 cũng đang trong quá trình hoàn thiện.

Dù đều nằm trong quy hoạch nhưng nhiều ý kiến, thậm chí là từ các chuyên gia về kiến trúc vẫn đặt ra câu hỏi là TPHCM có nên tiếp tục phát triển các dự án khu đô thị cao tầng bên sông Sài Gòn hay không? Nếu phát triển ồ ạt các dự án, việc quá tải về hạ tầng bên con sông này là khó tránh khỏi.

Không gian sông Sài Gòn không của riêng ai

Theo quan điểm KTS Nguyễn Ninh (Cty kiến trúc Kiến Ninh), việc các dự án phát triển ồ ạt sẽ khiến quá tải về hạ tầng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống xung quanh. Điển hình các dự án còn đang xây dựng, sự đồng bộ hạ tầng còn khập khiễng đã khiến phần nào đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) ngập nước mỗi khi có mưa lớn và thành phố phải bỏ một số tiền lớn để thuê siêu máy bơm trợ giúp. Hiện nay, một số công trình đang xây dựng ở hai bên sông Sài Gòn, chắc chắn về lâu dài sẽ ảnh hưởng. Thay vì phát triển nơi đây các dịch vụ, xã hội thì chúng ta lại phát triển các tòa nhà hai bên con sông này. Vì vậy, nếu được, chúng ta nên hạn chế và phát triển ra các vùng lân cận. Xét về nhà cao tầng thì không nhất thiết phải xây cận sông. Trước đây, một số khu ven sông Sài Gòn không được quy hoạch nhà cao tầng, nhưng người ta vẫn tìm cách để hợp thức hóa thành nhà cao tầng, điều này làm mất đi cảnh quan của một đô thị rất lớn. Bởi một khúc sông có nhiều cao ốc rất có nguy cơ phá vỡ quy hoạch.

“Xây nhà cao tầng dọc bờ sông khu Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn… sẽ tạo thành bức tường chắn gió thổi vào phía trong. Chắc chắn những công trình này xây xong thì các khu đất phía trong Sài Gòn sẽ ngày càng nóng hơn...” - TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.Theo phân tích của KTS Nam Sơn, năm 2007, Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã thực hiện Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2.000 khu vực trung tâm TPHCM và có một số đề xuất được UBND TPHCM chấp thuận. Trong đó có đề xuất khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ nên cho phép xây hai, ba nhà cao tầng, phần còn lại dùng nối dài mảng xanh của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đến bờ sông Sài Gòn, bảo tồn khu vực ụ tàu Ba Son. Đây là một đề xuất rất tốt và thành phố đã chấp thuận nhưng không hiểu vì sao gần đây thành phố thay đổi chuyện đó, chấp nhận cho xây công trình cao tầng ở đây.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài, tham gia nhiều dự án lớn về quy hoạch đô thị ở Mỹ, Canada, Nhật, Singapore và một số nước Á châu khác,… KTS Nam Sơn cho biết, xu hướng chung của các nước thường là nhà cao tầng nằm ở phía trong và giảm dần độ cao về phía gần bờ sông. Ở trung tâm TPHCM chúng ta thấy ngược lại, công trình càng về gần bờ sông thì càng cao lên. KTS Nam Sơn nhận xét, quy hoạch hiện hữu đã không giữ được giá trị của khu vực có những đặc tính của khu trung tâm lịch sử. Khi chấp nhận quy hoạch phân khu bờ tây Sài Gòn theo 5 khu trung tâm, TPHCM đã có sự chuẩn bị làm nhà cao tầng dọc theo bờ sông. Quy hoạch cao tầng của hai bên bờ sông thể hiện sự thiếu nhất quán và thiếu khoa học. Hình phối cảnh cho thấy trọng tâm nhà cao tầng của toàn khu đặt ở bờ tây, đặc biệt khu ven sông. Trong khi hầu hết công trình khu trung tâm tài chính hiện đại xây ở khu đất trống 650ha bên kia sông của bờ đông lại thấp tầng và mờ nhạt. Không có khu đô thị nào trên thế giới lại quy hoạch chiều cao cho trung tâm đô thị chỉ tập trung cao nhất vào khu chạy dọc ven bờ sông, vì điều ấy vừa không khoa học, vừa chỉ có lợi cho kinh doanh bất động sản ven sông.

khong gian song sai gon danh cho ai "Khu nhà giàu Thảo Điền ở Sài Gòn không ngập và lún mới lạ"

Thảo Điền là một chảo bùn theo sông Sài Gòn tụ về. Bản chất của Thảo Điền và quận 2 là lún tự nhiên từ ...

khong gian song sai gon danh cho ai Lộ trình ba tuyến xe điện chở khách đi buýt sông Sài Gòn

Dự kiến 10 chiếc xe điện tử 8-14 chỗ, hoạt động 5h - 22h hàng ngày sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 11 ...

/ Lao động