Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải minh bạch, vì không có gì kiểm soát quyền lực tốt bằng cách minh bạch thông tin cho báo chí và người dân để giám sát.
Chia sẻ với VietNamNet về kênh tiếp nhận thông tin tương tác giữa Chính phủ với DN và người dân sau gần 1 năm hoạt động, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kể lại bối cảnh ra đời ý tưởng này xuất phát từ hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Hà Nam vào giữa năm 2016.
Khi ấy, Thủ tướng nhắc lại kiến nghị, mong ước của dân và DN là rất cần thông tin minh bạch. Vì vậy tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải minh bạch, vì “không có gì kiểm soát quyền lực tốt bằng cách minh bạch thông tin cho báo chí và người dân giám sát”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Phạm Hải |
“Cũng trong ngày hôm đó, Thủ tướng nói sẽ thành lập website, giao trực tiếp cho Chủ nhiệm VPCP đứng tên website để kết nối Chính phủ với DN và người dân. Đây là ý tưởng rất sáng tạo, rất quyết liệt, nếu không có bản lĩnh sẽ không dám làm”, Bộ trưởng chia sẻ.
Nếu chỉ nghe địa phương thì cái gì cũng đúng
Trong quá trình chỉ đạo xử lý tiếp nhận phản ánh của người dân, có ý kiến nào của người dân, DN khiến ông trăn trở, suy nghĩ?
Rất nhiều trường hợp chứ, nhất là trường hợp của những gia đình chính sách, có người tham gia cống hiến, mất đi một phần xương máu, thậm chí có người không thể trở về, hay có những trường hợp phải chịu di chứng chất độc da cam nhưng không được hưởng chính sách gì. Cơ chế lại đưa ra hàng chục điều kiện, xét đến đều không thể đủ được, họ rất khổ tâm.
Những phản ánh đó chuyển đến tai Thủ tướng đều chỉ đạo luôn là cần xem xét lại, đánh giá thực chất vấn đề để những cái chính đáng của họ phải giải quyết ngay.
Có thể nói, bức xúc của người dân ở “bìa rừng góc biển” cũng có thể được phản ánh tới CP. Khi tiếp nhận những việc như vậy, tôi cũng có nhiều cảm xúc, nhiều trăn trở, băn khoăn.
Có những việc lẽ ra cơ quan, địa phương ấy làm tốt thì người dân đã không phải phản ánh lên CP.
Đối với những ý kiến phản ảnh của người dân và DN có liên quan đến xung đột lợi ích, ông xử lý thế nào?
Có nhiều ý kiến liên quan đến xung đột lợi ích, VPCP phải xử lý, giải quyết cho tâm phục khẩu phục.
Có những việc VPCP phải cho anh em xuống tận nơi, trao đổi trực tiếp với người dân xem thực tế có đúng không, chứ ngồi văn phòng không nắm hết vì đôi khi giấy tờ, hồ sơ gửi đến không thể hiện hết được, nếu nghe địa phương thì cái gì cũng đúng.
Chính phủ chuyển từ quản lý hành chính theo kiểu mệnh lệnh sang chính phủ kiến tạo, phục vụ của dân, lấy sự hài lòng của người dân, nếu không quyết tâm mà cứ né tránh, sợ hãi thì không thể làm được.
Thủ tướng chỉ đạo đưa ra cái gì cũng minh bạch, không tạo rào cản giấy phép con, không sinh ra các rào cản khác, đảm bảo hài hoà lợi ích của DN và người dân. Đảm bảo nguyên tắc ấy, không để quyền lợi co kéo về nhóm người của Bộ nào, việc không phải chức năng thì anh không được làm.
Điều đáng sợ là mãi bưng bít, giấu giếm cái sai
Theo báo cáo của VPCP, từ ý kiến phản ảnh của người dân và DN, có một số trường hợp cán bộ bị cách chức, chuyển công tác vì ứng xử thiếu chuẩn mực với dân. Lâu nay, việc ‘trảm’ cán bộ được xem là rất khó, rất nhạy cảm nhưng lần này Chính phủ đã có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt?
Đúng vậy. Những trường hợp cán bộ hành xử không chuẩn mực đều ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của các cơ quan hành chính, nhưng nó cũng có cái tốt là giúp cho thực tế được phơi bày, minh bạch.
Nếu không bị phản ánh, không ai nói ra thì mọi việc cứ mãi được vo tròn, và những sai phạm vẫn mãi diễn ra, không phải ở một chỗ mà nhiều chỗ.
Việc tạo lòng tin trong nhân dân rất quan trọng, nhưng lòng tin đó phải bằng việc công khai, minh bạch, phải làm thật, không vo tròn che giấu khuyết điểm.
Những vụ việc đáng tiếc về hành xử thiếu chuẩn mực của cán bộ công chức có thể ảnh hưởng đến lòng tin ban đầu, nhưng lại tạo ra lòng tin bền vững.
Khi mọi việc đều được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm thì lòng tin sẽ được xây dựng tốt hơn. Việc ảnh hưởng lòng tin lúc đầu không đáng lo, sợ hơn là việc mãi bưng bít, giấu giếm cái sai.
Việc công khai xử lý cán bộ ở một số đơn vị đã tạo ra hiệu ứng rất tốt, người dân rất hoan nghênh, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt từ các cấp bên dưới.
Ông suy nghĩ như thế nào khi vẫn còn nhiều ý kiến của DN và người dân phàn nàn về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nhiều việc vì sợ trách nhiệm mà bộ ngành, địa phương cứ đùn đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ?
Nếu chỉ có một đầu tàu kéo cả toa tàu thì không nổi, nên phải vận hành cả lực đẩy, các toa tàu cũng phải có động cơ để kéo. Tức là cần sự chuyển động của cả hệ thống.
Qua đó muốn ý thức thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước phải chuyển động thực sự, phải ý thức trách nhiệm thực sự với DN, người dân.
Bây giờ người ta đặt vấn đề “trên nóng dưới lạnh”, “trên chuyển dưới chưa chuyển” thì cần tăng cường kiểm tra ở tuyến dưới, đặc biệt là ở huyện, xã, phường, xem xem sự chuyển động như thế nào.
Tuy nhiên kiểm tra cũng chỉ là một giải pháp chứ không phải giải pháp căn cơ. Căn cơ là phải rà soát, xây dựng thể chế, có quy định trách nhiệm người đứng đầu, tạo ra sự phân cấp rõ rệt.
Cộng với việc xử lý nghiêm túc, khách quan, nếu tốt là khen, không tốt thì nhắc nhở, sai phạm đến mức xử lý kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật. Chủ trương phải là minh bạch, không có vùng cấm.
Cái này phải có quá trình vì liên quan đến thể chế phải hoàn thiện từng bước. Đặc biệt là vấn đề phân cấp, phân quyền, chức năng nhiệm vụ anh được làm và không được làm gì.
Tới đây hội nghị TƯ 6 sẽ quan tâm nhiều đến đổi mới hệ thống chính trị thì sẽ có từng bước, vì nó liên quan nhiều đến công tác lãnh đạo, điều lệ Đảng, luật pháp.
(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/khong-gi-kiem-soat-quyen-luc-tot-bang-minh-bach-thong-tin-395692.html)