Phải công khai minh bạch mọi thông tin, đặc biệt kém hiệu quả kinh doanh do nguyên nhân gì, khách quan hay chủ quan.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết xin xóa 26.500 tỷ đồng nợ thuế, vì số tiền này không thể thu hồi.
Cụ thể, theo tính toán của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2017, tổng nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành thuế quản lý là hơn 73.000 tỷ đồng.
Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách chưa được thanh toán là hơn 500 tỷ đồng.
Với những người nộp gặp thiên hại, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng khoảng 1.700 tỷ đồng.
Với những trường hợp người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 24.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền Bộ Tài chính đề nghị xóa cho các trường hợp kể trên là hơn 26.500 tỷ đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM, nếu đề xuất này được chấp thuận, điều đó là không công bằng bởi những doanh nghiệp cố gắng nộp thuế theo nghĩa vụ thì bị thiệt, trong khi có những doanh nghiệp lại tìm cách nợ thuế để đến lúc nào đó được xóa nợ.
Ngoài ra, nguyên tắc xử lý nợ xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được Bộ Tài chính đưa ra là phải bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không công bố rõ số nợ thuế, tiền chậm nộp được xóa bao nhiêu nợ là của doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, bao nhiêu là của DNNN?
Khi xóa nợ thuế, cần có thông tin cụ thể, tiêu chí rõ ràng
"Nếu giải quyết xóa nợ thuế thì phải công khai minh bạch mọi thông tin, đặc biệt hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp kém do nguyên nhân gì, khách quan hay chủ quan. Đương nhiên là phải đối xử công bằng các thành phần kinh tế, không phân biệt tư nhân, nước ngoài hay nhà nước. Việc công khai như vậy sẽ giảm tình trạng lời thật lỗ giả, khi công bố doanh nghiệp lỗ bản thân họ sẽ bị hại, vì thế doanh nghiệp sẽ cân nhắc giữa cái hại và số tiền xóa nợ", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho biết.
Từ đây, ông cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để giảm nợ thuế là công khai rộng rãi những doanh nghiệp nợ thuế, đi kèm với đó là phải có chế tài.
"Hạn chế tối đa việc xóa nợ, chỉ xóa những doanh nghiệp phá sản hoặc là đặc biệt khó khăn do nguyên nhân khách quan", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bày tỏ, việc miễn giảm thuế hoặc xóa nợ thuế ảnh hưởng đến hầu bao của nền kinh tế, do đó, khi tiến hành việc này phải có những nguyên tắc và tiêu chí hết sức rõ ràng, đồng thời phải có sự thanh, kiểm tra.
Đi sâu phân tích, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định, đề xuất xóa nợ thuế của Bộ Tài chính là bất khả kháng, không thể thu được nữa thì mới đề xuất như vậy. Nếu càng để lâu thì càng ảnh hưởng đến cân đối trong thu chi ngân sách của Nhà nước, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động xã hội.
Chẳng hạn, có những doanh nghiệp đáng lý ra không thu được thuế nữa thì phải cho phá sản, để lập doanh nghiệp mới.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, về nguyên tắc, Chính phủ quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5 tỷ đồng. Còn lại một số hộ, cá nhân kinh doanh khác thì giao về cho địa phương.
"Vấn đề là làm sao phải có những chuẩn mực và tiêu chí hết sức rõ ràng để tránh chuyện nhóm lợi ích lợi dụng việc xóa nợ thuế hoặc móc nối nhau để miễn trừ, miễn giảm, tạo ra sự không công bằng.
Cái này thực chất là cơ chế xin cho, nếu làm không rõ ràng, minh bạch, không có những tiêu chí rõ ràng và cơ quan giám sát thực sự thì chắc chắn sẽ gây ra tiêu cực", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhận xét.
Hàng chục doanh nghiệp Bình Dương mất tích, nợ thuế tiền tỷ
Số doanh nghiệp nợ và "mất tích" không có khả năng thu hồi rơi vào các lĩnh vực sản xuất giày da, may mặc. |
Lo mất khả năng thanh toán, Mai Linh cầu cứu, xin trả nợ chậm 20 năm
Tình hình kinh doanh không khả quan, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội lớn, Tập đoàn Mai Linh gửi văn bản cầu cứu Bộ ... |
Cục thuế Hà Nội nêu tên 145 đơn vị nợ trên 66 tỷ đồng thuế phí
Trong danh sách này có 4 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất với số tiền hơn 9 tỷ đồng và 141 doanh nghiệp nợ thuế, ... |
Còn hơn 700 tỉ tiền nợ thuế “nhùng nhằng” giữa các đại gia xe và hải quan
Theo lãnh đạo cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, số nợ thuế phát sinh mới sau 1.7.2013 tập trung khá nhiều ở ... |