Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 13)

Sau cái lần ấy, Bình và Thủy Tiên xoắn lấy nhau và tình cảm của hai không lọt qua được cặp mắt của bà Tuyến.

dac biet nguy hiem ky 13 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 12)

Chiều tối hôm ấy, trong bữa cơm, cả nhà chỉ bàn tán về chuyện Bình đánh hai thằng lưu manh đó như thế nào.

dac biet nguy hiem ky 13 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 11)

Nghe nói đến “quân khu Nam Đồng” thì ông Biểu cũng giật mình, bởi từ lâu, đám lưu manh ở khu tập thể Nam Đồng ...

Huy vỗ tay và bảo:

- Úi giời, chú có nói phét không đấy?

Bình nói:

- Em không nói phét. Nếu anh không tin, hôm nào anh cứ gọi mấy thằng ra công viên thử một trận cho biết.

Huy sờ tay chân Bình, rồi lại sờ tay mình và bảo:

- Công nhận, tay thằng này rắn lắm! Thế nhưng mà em theo phái gì?

Bình nói:

- Chẳng theo phái nào cả. Bố em ngày xưa cũng giỏi võ, ông đi bộ đội làm lính trinh sát. Những thế võ trinh sát đánh lính Pháp như thế nào, ông dạy em.

Huy gật gù:

- Hay đấy, hay đấy, thảo nào mày chỉ ra có một đòn mà thằng ôn này đã gục ngay. Được, thế thì tốt!

Thế rồi chúng ngồi nói chuyện tào lao, đủ các thứ chuyện trên trời dưới biển.

Một lúc sau, hai thằng bị ăn đòn, mỗi thằng móc túi ra một tệp tiền và bảo:

- Thôi, hôm nay có các ông anh ở đây, em xin phép nhận anh Bình làm đại ca và từ nay có gì, anh dạy bảo. Lần đầu tiên gặp anh, chúng em có một chút quà ra mắt.

Bình nhìn tập tiền có đến hơn 100 đồng và giật mình. Bình gạt đi:

- Không, không, tôi không lấy.

Thủy Tiên cầm luôn cả đống tiền, nhét vào trong bụng Bình, bảo:

- Đừng có sĩ diện, cầm lấy, đây là của đàn em nó ra mắt. Rồi hôm nào còn phải tổ chức một bữa cắt máu ăn thề. Ừ, mà ba anh em kết nghĩa vườn đào được đấy.

Thế rồi Bình chỉ Tùng “sứt” nói:

- Anh này hôm nọ đến định bắt chú em phải nộp tiền đúng không?

Tùng “sứt” bảo:

- Đúng, bọn anh định làm giúp cho ông bô cái Thủy Tiên đây làm ăn cho nó yên ổn. Nhưng bây giờ có chú mày ở đấy rồi, bọn anh không bàn đến cái chuyện đấy nữa.

***

Trở về nhà, Bình cũng thấy khoái chí vì được một bọn vị nể, tôn sùng. Bình đưa cho Thủy Tiên một tệp tiền:

- Cho em này.

Thủy Tiên cũng chẳng khách khí, nhét ngay vào cạp quần. Ngó ra ngoài, thấy trời lại mưa sầm sập. Thủy Tiên bảo Bình:

- Ướt mẹ nó hết rồi, thôi tối nay em không về nhà đâu. Anh cho em ngủ ở đây nhé!

dac biet nguy hiem ky 13

Bình nói:

- Làm gì có chỗ ngủ?

Thủy Tiên bảo:

- Thì em nằm võng, anh nằm dưới đất.

Rồi Thủy Tiên lả lơi bảo Bình:

- Hay là hai anh em mình nằm chung võng?

Bình giật mình, bảo:

- Mày cứ nói vớ vẩn.

Bỗng Thủy Tiên kéo sập cửa lại và lăn xả vào Bình. Lúc đầu, Bình lúng túng, chỉ muốn vùng ra. Nhưng Thủy Tiên cứ quấn lấy.

Thủy Tiên bảo Bình:

- Anh ơi, xuống dưới đất nằm nhé.

Bình lắc đầu:

- Làm gì có cái gì mà nằm.

Thủy Tiên cười:

- Đần thế chứ. Lấy hộp các-tông trải ra.

Thế là hai đứa xé các bao bì các-tông đựng phụ tùng xe trải ra làm giường rồi quấn lấy nhau.

Tan cuộc, Bình run sợ bảo:

- Thế này chú mà biết thì anh chết.

Thủy Tiên nói:

- Anh sợ gì ông ấy, có em đây rồi. Sáng mai em sẽ chuồn sớm.

Thế rồi, sáng sớm khi vừa nghe tiếng chuông tàu điện leng keng thì Thủy Tiên đã vùng dậy, cô âu yếm hôn lên Bình và bảo:

- Ngủ ngon nhé, em không ngờ ông anh em lại giỏi đến thế.

***

Sau cái lần ấy, Bình và Thủy Tiên xoắn lấy nhau và tình cảm của hai không lọt qua được cặp mắt của bà Tuyến.

Một hôm, bà Tuyến bảo Thủy Tiên:

- Này, tao hỏi mày đấy. Mày với thằng Bình có chuyện gì phải không?

Thủy Tiên cau có:

- Có chuyện gì là thế nào?

Bà Tuyến:

- Hừ, đừng có lừa tao. Con ruồi bay qua, tao còn biết nó có chửa mấy ngày, tao nhìn chúng mày “đầu mày cuối mắt” như thế, chắc là dính nhau rồi phải không?

Thủy Tiên nói:

- Bà bô cứ nói vớ vẩn, làm gì có chuyện ấy.

Bà Tuyến bảo Thủy Tiên:

- Tao nói cho mày biết, phải cẩn thận đấy, không khéo con gái mới mười mấy tuổi đầu đã ễnh bụng lên, rồi thì nhục mặt.

Thủy Tiên cười hì hì bảo mẹ:

- Bà bô lạc hậu lắm, làm gì có chuyện ễnh bụng được.

***

Từ đó trở đi, Thủy Tiên đi chơi đâu buổi tối, cô cũng lôi Bình đi theo. Một lần Thủy Tiên bảo Bình đưa đi xem phim ở rạp Tháng Tám. Khi hết phim, vừa ra đến ngoài thì bị mấy thằng trêu ghẹo. Bình nổi nóng xông vào đấm đá làm cả bọn chạy tán loạn. Và cũng từ đấy, Thủy Tiên càng ngày càng mê Bình, yêu Bình một cách điên cuồng. Nhưng việc chưa dừng ở đấy.

***

Thời gian trôi đi, Bình không những trở thành một tay chữa xe giỏi có tiếng, nhưng đồng thời cũng là một tay bắt đầu tập tọe bước vào con đường ăn chơi nhờ Thủy Tiên. Cô đưa Bình đến những quán cà phê mà sau giải phóng Sài Gòn bắt đầu mọc lên như nấm. Rồi Bình lại mê chơi cờ bạc và cũng trở thành một tay cờ bạc khét tiếng. Không những chơi cờ bạc giỏi mà Bình còn biết tất cả các ngón cờ bạc bịp.

***

Một lần Bình về quê, anh đưa cho mẹ hẳn 300 đồng.

Bà Ất ngạc nhiên lắm, hỏi:

- Con ạ, sao mày lắm tiền thế? Mà mẹ thấy mặt mũi mày dạo này khác khác thế nào ấy.

Bình hỏi mẹ:

- U thấy con khác thế nào?

Bà Ất nói:

- U thấy mặt mũi mày khác với thằng Bình ngày xưa. Thằng Bình của u ngày xưa hiền lành, mà sao mặt mũi mày bây giờ tinh ranh thế này?

Bình nói:

- Ở Hà Nội thì phải tinh ranh hơn ở quê chứ còn gì nữa.

Bà Ất lại hỏi:

- Thế sao chú Biểu cho mày lắm tiền thế?

Bình lấp liếm:

- Thì chú Biểu nâng lương cho con lên, mỗi tháng được 60 đồng. Rồi những ngày chú đi vắng, con chữa xe, con cũng kiếm thêm được một chút.

Bà Ất nghe con nói thế thì cũng yên lòng, bà bảo:

- Con ạ, bây giờ cái Thu Ngân nó học sắp hết lớp 10 rồi. Mẹ thì muốn cho nó thi đại học, nhưng không biết nó học hành thế nào.

Ngân vào và nói với mẹ:

- Mẹ cứ yên tâm, con chắc chắn thi đỗ đại học.

Bà Ất nói:

- Sao con nói tự tin thế?

Ngân bảo:

- Con học giỏi gần nhất trường, chả nhẽ không thi được đại học hay sao?

Bình hỏi:

- Thế em định thi vào trường nào?

Ngân nói:

- Em thi vào Trường đại học Kinh tế.

Bình gật gù:

- Ừ, em đi ra Hà Nội học, anh đi làm được tiền, anh nuôi. Không phải lo.

Bình ở nhà chơi với mẹ được một ngày, chữa lại chiếc xe đạp cho mẹ rồi lại hỏi người mua được chiếc xe đạp cũ để cho mấy cô em có xe đi chợ. Mọi người hàng xóm láng giềng ở quê nhìn Bình bằng con mắt nể trọng thật sự.

***

Bình lại ra Hà Nội làm tiếp thì ngày hôm sau có một người ở Hà Nội về, cũng là người họ hàng.

Ông ta đến chơi với bà Ất. Bà Ất đang chẻ củi thì người đó đến.

Bà Ất buông dao, đon đả:

- Ôi, em chào bác Hải, lâu lắm mới thấy bác đến.

Người đến đó là ông Hải, đi một chiếc xe máy cũ kỹ.

Ông dựng xe vào nói:

- Chào thím, tôi ở Hà Nội về, chuẩn bị ngày mai giỗ ông cụ, vào thăm thím một chút.

Bà Ất mời ông Hải vào nhà uống nước.

- Em mời bác uống tạm bát nước vối. Nhà quê, chả có trà.

Ông Hải nhấp ngụm nước vối, thốt lên:

- Nước vối ngọt quá, lại pha nước mưa. Ở Hà Nội giờ chả kiếm đâu được cái thứ như thế này.

Rồi ông hỏi bà Ất:

- Này, thằng Bình nhà thím dạo này làm ăn ở Hà Nội khá lắm phải không?

Bà Ất bảo:

- Cháu nó làm ăn cũng được. Cách đây mấy hôm, nó về, đưa cho em 300 đồng đấy bác ạ.

Ông Hải hỏi:

- Thế nó có nói với thím, tiền ấy từ đâu ra không?

Bà Ất bảo:

- Thì đấy là tiền công, chú Biểu trả cho nó.

Ông Hải cười nhạt rồi bảo:

- Thôi tôi nói để thím cẩn thận, không khéo thì mất con đấy.

Bà Ất run người hỏi:

- Sao, thằng Bình có chuyện gì?

Ông Hải nói:

- Tôi nói thật với thím, thi thoảng tôi cũng đến chơi ở nhà chú thím Biểu, tôi cũng chơi tổ tôm ở đấy. Và tôi thấy thằng Bình chơi giỏi lắm. Ngày nó làm, tối nó chơi. Nhưng rồi một lần, tôi nghe thím Biểu nói, hình như là con Thủy Tiên nó phải lòng thằng Bình, hai đứa dính nhau. Ừ thì thôi cái chuyện chúng nó trai gái với nhau, mình không chấp. Nhưng cái này mới là cái đáng sợ, con Thủy Tiên là một giang hồ tứ chiếng, nó chuyên buôn gian bán lận. Nghe nói nó hút cả thuốc phiện, cho nên thím phải cảnh giác. Mà tôi thấy thằng Bình nó ngồi đánh chắn, ngôn từ của nó sành sỏi lắm. Thím phải kiểm tra xem nó thế nào, chứ không có là hỏng mất thằng bé. Tôi nghe nhiều người nói, nó chữa xe rất giỏi, cũng có nơi này nơi khác mời nó đi làm thợ chữa xe nhưng ông Biểu giữ chặt. Nó chí thú làm ăn thì đó là cái may mắn cho mình, nhưng nó mà đi vào con đường cờ bạc, rồi con Thủy Tiên đưa nó giao du với bọn mất dạy thì chết đấy thím ạ.

Bà Ất ngồi thừ ra, không biết nói thế nào. Hồi lâu bà bảo:

- Em cảm ơn bác, thế này có lẽ em phải ra Hà Nội, xem cháu nó ra làm sao.

Rồi tối hôm ấy, bà Ất gọi con gái lớn là Ngân ra nói chuyện, bà bảo:

- U nghe thấy bác Hải nói về thằng Bình mà u lo lắm. Bây giờ con xem có cách nào tìm hiểu ở Hà Nội, thằng Bình nó sống làm sao không.

Ngân gật đầu và bảo:

- Rồi, mẹ cứ để con.

Tối hôm ấy, Ngân ngồi cắm cúi viết thư cho Bình. Thư viết: “Anh Bình. Hôm nay có người ở Hà Nội về nói với u rằng anh ở ngoài đó, anh vừa chữa xe, nhưng rồi anh còn giao du với bọn lưu manh ở ngõ, anh lại chơi cả cờ bạc nữa. Rồi cũng lại kể về anh, bây giờ phải lòng với cái Thủy Tiên con chú Biểu. Việc này có đúng không? Anh hãy viết thư cho em biết ngay”.

Một sáng nhận được thư của em gái, Bình bóc thư ra đọc rồi ngồi thẫn thờ. Bình lấy giấy và đi mua phong bì viết thư cho em. Bình viết: “Đúng là cái Thủy Tiên có cảm tình với anh lắm, nhưng em và u cứ yên tâm, anh ở ngoài này làm ăn được. Anh đang bàn tính sẽ gom góp tiền đi mở cửa hàng khác, chữa ở đây mãi, phụ thuộc ông bà ấy, biết bao giờ mới giàu”.

***

Tại nhà Bình.

Bình và nữ nhà báo Thúy vẫn tiếp tục câu chuyện.

Bình nhìn Thúy, cười buồn và bảo:

- Cho đến bây giờ, nói thật với em, anh không thể nào quên được cái đêm mưa gió ấy. Lần đầu tiên một cô gái từng trải cho một cậu thanh niên mới lớn như anh biết thế nào là mùi đàn bà.

Thúy hỏi:

- Anh vẫn nhớ cảm giác ấy chứ?

Bình gật đầu:

- Nhớ chứ sao lại không. Anh nghĩ là cảm giác ấy và một cảm giác khủng khiếp nữa. Đó chính là ánh mắt Thủy Tiên trước lúc chết, nó sẽ ám ảnh anh mãi mãi.

Rồi Bình nói với Thúy:

- Em biết không, chẳng hiểu sao anh lại nhập cuộc vào cái thế giới giang hồ ở Hà Nội nhanh đến thế. Ra Hà Nội chỉ hơn một năm, mà anh đã trở thành một kẻ sành sỏi đủ mọi thứ. Từ chuyện ăn chơi, hút sách, chuyện cờ bạc, đàng điếm, thứ gì anh cũng thạo. Đã thế, anh lại còn được bọn giang hồ nể trọng vì giỏi võ. Ông Biểu thì gần như giao toàn bộ cửa hàng cho anh, đưa được đồng nào hay đồng ấy. Bởi vì hồi này, bà Tuyến kiếm được tiền nhiều lắm, bằng cho vay nặng lãi và cầm đồ. Mà Thúy biết đấy, cầm đồ thì đến 99% là chứa chấp của bọn ăn cắp. Chúng đến cầm đồ từ xe đạp, quạt, đồng hồ, rồi có đứa cầm cả quần áo, cả đôi dép, có đứa đến cầm chứng minh thư, thẻ sinh viên. Anh còn thấy cả những ông cán bộ công an đến cầm thẻ công an. Nhiều lúc anh cũng không hiểu nổi, có những người đường đường là một công an, tướng mạo của họ khiến người ta kính nể, vậy mà đến cầm cả cái thẻ công an. Tiền anh đưa về cho mẹ cũng nhiều. Có thể nói, ngày ấy nếu không có tiền của anh gửi về, thì mấy đứa em anh không đứa nào được học hành tử tế. Cái Ngân nhà anh thi đỗ lớp 10 rồi ra Hà Nội học đại học. Nó ở ký túc xá nhưng ăn uống khổ lắm. Vào những năm 77-78 thật là khủng khiếp, cán bộ, công nhân viên thì ăn cơm độn đủ mọi thứ, có mì sợi đã là may mắn, có khi còn ăn cả hạt bo bo.

Bình cười mỉm rồi hỏi Thúy:

- Em đã ăn bo bo bao giờ chưa?

Thúy lắc đầu:

- Em chưa được ăn bo bo.

Bình nói:

- Ừ, thế hệ em không biết hạt bo bo thế nào là phải. Không, có lẽ ngày ấy em ở dưới quê đúng không? Em hồi ấy còn bé tý. Hơn nữa quê em ở Thái Bình, có lúa nên không đến nỗi đói.

Thúy bảo:

- Ôi, anh không biết đâu, đói lắm. Em không bao giờ quên được cảnh dân quân du kích họ đến lục từng nhà để thu thóc thuế rồi bắt làm cam đoan phải nuôi lợn để bán cho hợp tác xã. Em còn bé, không biết gì. Nhưng cứ nhìn cảnh những người dân quân du kích đến nhà lục lọi, nào chum, nào vò, lật cả gầm giường lên xem có giấu thóc dưới hầm không mà em phát khiếp.

Bình cười buồn:

- Thời ấy như vậy đó. Anh ở Hà Nội, thật ra mà nói, tiền đi làm thợ, chữa xe cho ông Biểu không được bao nhiêu. Nhưng anh có nhiều nguồn kiếm tiền khác. Trong tay anh có đến hơn một chục thằng đàn em, chúng hành nghề trộm cắp, móc túi ở khu vực ga Hà Nội, rồi ở bến xe Kim Liên. Hàng ngày chúng chia tiền cho anh.

Thúy hỏi:

- Thế anh làm gì mà chúng chia tiền cho anh?

Bình nói:

- Một là anh giỏi võ, có máu liều, thằng nào bị băng nhóm khác bắt nạt là anh xông đến ngay. Thứ hai, anh đối với bọn đàn em cũng tử tế, đứa nào gặp hoạn nạn, anh đều lo lắng rất chu đáo. Ngày ấy, tuy ít tuổi, nhưng anh cũng đã biết nhiều trò để câu móc với Đồn Công an ga, Đồn Công an Cửa Nam. Em biết không. Đồn Công an Cửa Nam ngày ấy có tên là Đồn 10. Công an Đồn 10 khét tiếng đến độ, bọn giang hồ có câu: “Con ơi hãy nhớ lấy lời/ Thấy lính Đồn 10 thì tránh ra xa”. Ngày ấy các ông công an cũng khổ lắm, nên thỉnh thoảng, giúi cho các ông ấy bao thuốc, thậm chí có khi chỉ dăm cân mì sợi, vài cân gạo, có vậy thôi chứ chẳng làm gì có tiền đâu. Thậm chí anh còn tích cóp tiền mua được vàng.

Thúy hỏi:

- Vậy mối tình đầu với cô Thủy Tiên như thế nào?

Bình cười nhạt và bảo:

- Thật ra, bảo là tình yêu thì cũng không phải. Anh chẳng yêu gì cái Thủy Tiên cả. Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần trông thấy nhau là lại quấn lấy, lăn xả vào nhau và nhiều khi bất chấp tất cả. Ông Biểu đã có lần bảo anh, thấy cái cung cách của chúng bay thế này, thôi chúng bay cưới nhau đi cho chúng tao yên, chứ chúng bay cứ như đôi chim cu thế này thì gay lắm.

***

Một buổi đêm, tại cửa hàng, hai đứa nằm cạnh nhau. Thủy Tiên ôm Bình ngủ say tít. Nhưng Bình thì không ngủ được. Bình lay Thủy Tiên dậy. Thủy Tiên càu nhàu:

- Anh không ngủ được à?

Bình bảo:

- Anh có chuyện muốn nói với em.

Thủy Tiên ngáp ngắn, ngáp dài:

- Chuyện gì mà có vẻ nghiêm trọng thế?

(Xem tiếp kỳ sau)

dac biet nguy hiem ky 13 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 15)

Chiều hôm đó, đám tang của Thủy Tiên diễn ra một cách lặng lẽ. Trong đám tang không có giọt nước mắt của người thân. ...

dac biet nguy hiem ky 13 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 14)

Trong một căn nhà của một mụ chủ chứa hút thuốc phiện, Thủy Tiên và Bình nằm cạnh nhau. Bình nhìn Thủy Tiên sợ hãi ...

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân