Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 12)

Chiều tối hôm ấy, trong bữa cơm, cả nhà chỉ bàn tán về chuyện Bình đánh hai thằng lưu manh đó như thế nào.

dac biet nguy hiem ky 12 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 11)

Nghe nói đến “quân khu Nam Đồng” thì ông Biểu cũng giật mình, bởi từ lâu, đám lưu manh ở khu tập thể Nam Đồng ...

dac biet nguy hiem ky 12 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 10)

Từ sau hôm đấy, Bình trở thành một trợ thủ đắc lực của bà Tuyến. Ngày thì quần quật chữa xe, tối thì ngồi chia ...

Nói xong, gã đưa cho Bình 2 tờ 5 đồng.

Bình xua tay bảo:

- Không. Nhiều thế. Em xin anh 1 đồng thôi.

Gã sứt ngạc nhiên:

- Ô, thằng này hay nhỉ! Cho tiền lại chê à?

Ông Biểu đỡ lời:

- Không phải là chê nhưng mà công sá đến đâu thì lấy đến đấy.

Gã sứt nói:

- Được, mày được lắm. Đây là anh cho mày. Tôi cho nó chứ không phải cho ông đâu nhé. Không rồi tôi đi khỏi đây một cái rồi là lại lần túi nó mà lấy tiền đâu.

Ông Biểu bực mình nói:

- Các anh ở đâu đến đây mà ăn nói bằng cái giọng xấc xược thế?

Gã sứt nói ngất ngưởng:

- Này ông bác, đã nói lại rồi, hôm nay bọn em đến đây thứ nhất là chữa xe để xem tay nghề thằng cu nhà anh, thứ hai là bọn em cũng có câu chuyện muốn nói với ông anh đây. Cửa hàng của ông anh làm ăn phát đạt nhưng mà bác khá lên thì lại có nhiều người đói đi. Ngày xưa bác học văn hóa lớp mấy nhỉ? À, ít nhất cái cỡ như bác thì cũng phải học hết lớp 7. Bác đã học định luật bảo toàn vật chất không? Đấy, vật chất không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Có nghĩa rằng, trong cái việc kinh doanh chữa xe này, cửa hàng nhà bác mà khá lên thì nơi khác lại kém đi. Đấy là chuyện bình thường.

dac biet nguy hiem ky 12

Ông Biểu cười nhạt:

- Các chú định dạy anh cái gì đấy? Làm ăn thì khách hàng người ta sẽ đến cái nơi có uy tín, chứ chẳng nhẽ có thằng điên nào lại mang xe đến chữa ở nơi chẳng ra gì, lại còn tìm cách chặt chém người ta.

Gã sứt cười rất đểu:

- Có ai chê trách bác đâu. Nhưng mà bọn em đến để nói với bác thế này, tới đây sẽ có một số thằng nó định giở trò dòm ngó cửa hàng bác. Vì chúng em chơi với con gái bác nên bọn em muốn thông báo với bác trước để bác biết mà đề phòng. Thế còn có gì, bác cứ bảo cái Thủy Tiên nó bảo bọn em một tiếng, bọn em sẽ đến giúp.

Ông Biểu:

- Giúp là giúp thế nào?

Gã đầu cua cười nhạt nói:

- À, thì nếu mà thằng nào nó đến gây sự thì bác ới bọn em, bọn em sẽ đến. Bác cứ bảo rằng là: “Các chú muốn gì thì cứ đến hỏi thằng Tùng “sứt” và thằng Tâm “trọc” thì chúng nó khắc biết”.

Bình nghe mà rất nhập tâm 2 chữ “Tùng sứt” và “Tâm trọc”.

Ông Biểu nói:

- Tôi chẳng cần biết các chú là ai.

Gã Tùng “sứt” thủng thẳng:

- Cái này tùy ông bác thôi. Bọn em nói thế để ông bác biết trước. Thế còn bọn em cũng không phải đến đây để đe nẹt ông bác để mà lấy tiền lấy nong gì đâu. Tất nhiên, cuộc đời cái gì cũng có giá của nó. Thôi, bọn em về đây.

Vừa nói xong, chúng định về thì Thủy Tiên phóng xe đạp đến. Trông thấy Thủy Tiên, gã đầu trọc reo lên:

- A đây rồi, cô em, về đến nơi rồi. Bọn anh vừa nói chuyện với ông bô em nhưng xem ra ông bô em chậm hiểu lắm.

Thủy Tiên nhăn mặt:

- Việc gì mà nói chuyện với ông bô em?

Gã Tùng “sứt”:

- Có mấy bọn cửa hàng chúng đang ghen tức với Trường Thịnh nhà ta. Chúng định giở trò, bọn anh nắm được âm mưu của chúng cho nên đến đây bảo ông bô em phải cẩn thận. Thế nhưng mà chắc là ông bô em nghĩ bọn anh cũng như mấy cái thằng ở trong ngõ chợ với ngõ Cống Trắng ấy, cho nên chẳng coi ai ra gì. Mà bọn anh là người như thế nào, em biết rồi đấy. Em lựa lời mà khuyên ông ấy.

Nói xong, chúng đi luôn.

Nghe chúng nói, Thủy Tiên hơi tái mặt. Ông Biểu hỏi:

- Thủy Tiên, mày chơi với chúng nó đấy à?

Thủy Tiên bảo:

- Con lạ gì mấy thằng này. Bọn quân khu Nam Đồng ấy mà. Một thằng là thằng Tùng “sứt”, một thằng là Tâm “trọc”.

Ông Biểu hất hàm hỏi:

- Mày quan hệ với chúng nó thế nào?

Thủy Tiên phẩy tay:

- Ôi, con lạ gì chúng. Nhưng mà bọn này cũng “máu” lắm đấy!

Ông Biểu lúc này đã hiểu ra vấn đề. Ông nói:

- Có phải chúng nó đến đây là để gợi ý mình phải thuê chúng nó làm bảo kê cho cửa hàng nhà mình không?

Thủy Tiên cười phá lên:

- Thì rõ là như thế còn gì nữa. Thế bố tưởng ở phố này, các nhà bán phở, chữa xe đạp, xe máy, rồi bán cà phê, giải khát, không có đứa nào nó đến đấy à? Nhà nào chúng nó cũng đến thu tiền. Nhiều thì dăm, ba chục, ít thì năm, bảy đồng. Phải có tiền cả mới yên thân làm ăn đấy bố ạ. Mà con tưởng cái này bố biết từ lâu rồi chứ?

Ông Biểu lắc đầu:

- Giới giang hồ nhà chúng mày tao làm sao mà biết được.

Thủy Tiên bảo:

- Con giang hồ bao giờ? Mà sao bố cứ nói cái kiểu như thế?

Ông Biểu:

- Đấy, bạn mày đấy, mày muốn làm thế nào thì làm, để cho bố mày sống.

Thủy Tiên khẽ thở dài:

- Thôi được rồi, để con xem chúng nó định làm gì. Nhưng mà khi nó đã đến như thế này, thì tháng nào cũng phải cho chúng nó ít tiền đấy, chứ không thì không yên thân được đâu.

Ông Biểu giật mình. Ông quay sang dặn Bình:

- Chúng nó nói thế này là phải cẩn thận lắm đấy cháu ạ. Thôi từ nay buổi tối, có khi mày dọn ra cửa hàng mà ngủ, chứ không có chúng nó đến phá thì chết.

Bình gật đầu:

- Chú ạ, cháu định thế này: Bây giờ tối cháu ra đây ngủ cũng được, nhưng mà cửa hàng ngoài này để nhiều thứ quá. Theo cháu thì các đồ phụ tùng, thứ nào đắt tiền thì để ở nhà, lúc nào đi làm thì mình mang ra hoặc khách chữa đến đâu thì mình chạy về mình lấy, không để đây được đâu. Một bộ xi-lanh này là bao nhiêu tiền đấy.

Ông Biểu nói:

- Mày nói phải. Đúng đấy. Dọn bớt đồ về đi. Thế còn từ nay tối mày ra đây ngủ. Cái Thủy Tiên mày đi mua cho anh mày chiếc chiếu. Mùa hè này nằm sàn xi măng càng mát. Dọn một chỗ đi mà nằm.

Bình nhìn quanh quất rồi bảo:

- Thôi, nằm sàn xi măng mùi dầu mỡ lắm. Không được đâu chú ạ. Chật thế này, chú để cho cháu buộc võng cũng được.

Thủy Tiên cười:

- Anh này đúng là cua đồng. Nằm võng đau lưng lắm.

Rồi Thủy Tiên nhìn ra xung quanh rồi nói:

- Mà này, nhà này trần nhà cao thế, sao bố không làm cái gác xép để cho anh ấy lên ngủ có hơn không?

Ông Biểu nói:

- Mày tưởng làm gác xép ít tiền à? Phải mua xà thép, lại phải mua gỗ, đủ trò, đủ kiểu. Thôi cứ như thế đi. Mày đi lên chợ Đồng Xuân mua cho anh mày cái võng.

Thế rồi, tối hôm ấy, Bình ngủ lại trông cửa hàng. Khoảng 10 giờ đêm, Thủy Tiên đi đâu về nói:

- Hay đấy. Ông anh ngủ ngoài này một mình một cơ ngơi. Hay. Mà phải tính thế nào để thỉnh thoảng em đi đâu về đêm, em chẳng về nhà nữa, em ra đây ngủ với anh.

Bình nói:

- Úi giời. Chú thím biết được có mà chết. Thôi, em cứ về nhà đi.

Thủy Tiên bảo:

- Anh sợ gì ông bà ấy. Em nói thật với anh nhé, nhà này, em nói gì, ông bà cũng phải nghe.

Bình ngạc nhiên hỏi lại:

- Tại sao lại thế?

Thủy Tiên cười và nói:

- Ông anh chẳng biết gì cả. Em là con cầu tự. Ông bà lấy nhau 4, 5 năm mới đẻ được em rồi sau mới có thằng Phú. Mà thầy bói nói rồi, nhờ có em mà ông bà mới ăn nên làm ra. Em mà không có mặt ở nhà này thì chỉ có lụn bại. Mà bố mẹ em thì tin thầy lắm. Mấy hôm nữa lại chuẩn bị đi lễ đấy.

***

Đêm hôm ấy, Bình đang ngủ thì lại có tiếng gõ cửa.

Bình he hé mở cửa ra hỏi:

- Ai đấy?

Ở ngoài thấy có một giọng lạnh lùng cất lên:

- Thằng chọi con, bố mày cho mày ba ngày nữa, mày mà không biến khỏi đây, mày đừng trách bố mày nhé.

Bình sợ hãi đứng nép vào một bên tường. Tay cầm chiếc búa thủ thế. Rồi ở ngoài vẫn có tiếng thẽ thọt nói qua cánh cửa xếp:

- Nhớ chưa con, thằng ôn? Đừng có để các bố mày quay lại lần nữa.

Bình hỏi:

- Chúng mày muốn gì?

Ở ngoài nói:

- Muốn gì à? Muốn mày không làm ở đây nữa. Có thế thôi!

Nói rồi, chúng bỏ đi.

***

Sáng sớm hôm sau, ông Biểu vừa ra cửa hàng, Bình đã chạy lại nói với ông:

- Chú ạ. Đêm qua có bọn đến đe cháu. Nó bảo cháu phải biến khỏi đây ngay, còn nếu không thì chúng sẽ giở trò.

Ông Biểu gạt phắt đi:

- Ôi giời, cháu sợ gì mấy cái thằng đấy. Tinh tướng. Còn cái bọn mà nó đã làm ấy thì nó không nói, cái bọn đã nói thì không làm. Cháu thấy đấy, chó đã sủa thì cắn được ai. Cái giống chó nó cứ lừ lừ, không sủa, nhưng mà nó đã đợp nhát nào là chí tử nhát đấy.

Bình lại mang chuyện đó đến kể với Thủy Tiên. Thủy Tiên lo lắng:

- Ừ. Chúng nó đã bắt đầu giở trò rồi đây. Anh phải cẩn thận lắm đấy.

***

Chiều hôm đó hai thằng đi xe đạp đến. Trong cửa hàng lúc này chỉ có Bình đang ngồi giũa sup-pap của một chiếc xe.

Một thằng đến trước mặt Bình nói:

- Thế nào thằng chọi con, tao đã bảo mày phải đi khỏi đây cơ mà, tại sao mày vẫn còn ngồi đây?

Thế rồi một thằng túm tóc Bình nhấc lên. Bình kêu: “Ối ối ối”.

Thằng đang túm tóc nhìn vào mặt Bình chòng chọc và nói:

- Tao đã nói với mày rồi. Nhưng mày không coi chúng tao ra gì phải không?

Trong khoảnh khắc, một thế võ mà bố đã dạy hình thành trong đầu Bình.

Bình giả vờ cúi người xuống rồi nói:

- Anh ơi, anh thả em xuống với.

Thằng kia hơi nới tay. Bình chùng người xuống. Và chỉ chờ có thế, bàn chân phải Bình giẫm vào bàn chân trái của nó, rồi tay Bình đấm một cú từ mỏ ác thốc thẳng lên cằm và cùi tay thúc ngược tiếp một phát nữa vào bụng. Gã kia không kêu được một tiếng chỉ há hốc mồm ra rồi đổ vật xuống. Thấy gã bị hạ quá nhanh, gã kia nhảy xổ vào.

Một cuộc ẩu đả diễn ra quyết liệt ngay trong cửa hàng. Bình dựa lưng vào tường, bình tĩnh chống lại chúng. Được một lát Bình lừa thế nhảy được ra ngoài và vớ được một thanh gỗ. Bình vụt tới tấp. Gã chịu không nổi liền bỏ chạy, chỉ còn một tên kia vẫn nằm gục tại chỗ.

Vừa lúc ấy, ông Biểu phóng xe về và hàng xóm đổ xô đến.

Ông Biểu đứng nép bên gốc cây xem, không dám xông vào giúp.

Nhiều người xem cảnh đánh nhau ấy thì vỗ tay reo hò vì họ thấy hai thằng đó là những kẻ lưu manh chuyên nghiệp ở đâu tới bị Bình cho ăn đòn.

Bình chờ cho thằng kia tỉnh, Bình túm cổ, dựng hắn lên:

- Tao nói cho mày biết, có giỏi, lúc nào ra ngoài công viên đánh nhau, phân tài cao thấp.

Tên lưu manh bị đòn đau, nhưng vẫn còn sĩ diện:

- Được rồi… được rồi! Còn đời tao, đời mày! Ông không sợ mày đâu.

Bình nhìn gã khinh bỉ:

- Loại như mày, ba thằng, tao cũng chấp!

Bình đạp gã ngã văng ra ngoài cửa hàng. Gã lủi thủi đứng dậy, chạy sang bên kia đường rồi giơ nắm đấm dọa lại Bình.

Ông Biểu thấy thế mừng lắm, ông bảo:

- Ôi, chú đứng ở ngoài xem mày đánh chúng nó mà thích quá. Không ngờ thằng cháu của chú lại giỏi võ thế!

Chiều tối hôm ấy, trong bữa cơm, cả nhà chỉ bàn tán về chuyện Bình đánh hai thằng lưu manh đó như thế nào.

Bà Tuyến tự tay gắp thức ăn cho Bình và nói:

- Không ngờ cháu thím giỏi thật. Nhưng mà, từ nay phải cẩn thận, không chúng nó trả thù vặt đấy.

Thủy Tiên cũng gắp thức ăn cho Bình, nhìn với vẻ âu yếm và bảo:

- Hay lắm, từ nay em có ông anh trai bảo vệ rồi. Em không sợ đứa nào cả!

Bà Tuyến nguýt con gái:

- Mày thì chỉ được cái vơ vào!

***

Vào một đêm trời mưa, Bình vừa mắc võng đi ngủ thì có tiếng Thủy Tiên gọi cửa.

- Anh Bình ơi, dậy em bảo!

Bình mở cửa cho Thủy Tiên vào:

- Sao em đi đâu giờ này mới về?

Thủy Tiên nói:

- Đi ra quán đây ngồi uống nước với em, có chuyện hay lắm.

Thế rồi không đợi Bình nói thêm câu nào, Thủy Tiên lôi tuột Bình ra quán cà phê gần cửa hàng, lúc này quán đã vắng khách.

Ở trong quán, tại bàn đã có bốn người đang ngồi, Bình nhìn và nhận thấy ngay hai thằng mình đã đánh hôm trước, một người lạ mặt, còn một người thì Bình cũng nhận ra, đó là Tùng “sứt”, hôm trước đã đến đe dọa ông Biểu.

Bình thủ thế, mắt gườm gườm cảnh giác.

Một gã nom mặt mũi có vẻ hiền lành nói:

- Thôi, thằng em, bọn anh mời chú mày đến đây để nói chuyện cho có đầu có đuôi. Không ai làm gì đâu mà cứ phải xù lên như thế.

Bình lặng lẽ ngồi vào bàn và quan sát mọi người, đồng thời cũng nghĩ xem chúng có thể đánh tấn công mình từ phía nào.

Thủy Tiên nói với bốn người kia:

- Đây là ông anh em.

Chủ quán mang ra cho Bình một ly nước sen dừa. Bình im lặng, vẫn nhìn mọi người bằng ánh mắt cảnh giác. Một gã nom lớn tuổi hơn cả nói:

- Anh tự giới thiệu, anh là Huy, rồi chú sẽ tìm hiểu anh là người như thế nào. Nhưng hôm nọ anh nghe hai thằng này về nói chuyện bị chú cho ăn đòn, anh đã mắng chúng nó rồi. Anh bảo đến nói chuyện cho nó tử tế. Ai ngờ chúng nó đến lại giở trò “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, như thế là không được và chú đã cho chúng nó một bài học. Nhưng thôi, không đánh nhau thì không thành bạn hữu. Hôm nay, qua em Thủy Tiên đây, anh mời thằng em đến, trước hết là để cho hai thằng này có lời…

Rồi hắn quắc mắt quay sang hai gã kia nói:

- Chúng mày xin lỗi đại ca đi.

Một thằng đứng lên líu ríu nói:

- Dạ, thưa anh, hôm nọ chúng em không phải với anh, hôm nay chúng em xin tạ lỗi. Ông anh đánh hay quá, từ nay chúng em tôn ông anh là đại ca.

Bình bảo:

- Thôi đại ca cái gì, tôi không dám nhận đâu, chỉ cần từ nay các anh đừng đến gây sự với cửa hàng chúng tôi nữa.

Gã Huy cười khà khà rồi bảo:

- Chú em ở quê mới ra, chưa biết Hà Nội như thế nào. Thôi, anh em trước lạ sau quen. Anh nghe em Thủy Tiên đây nói, chú không những chữa xe giỏi, mà còn giỏi cả chữ Hán, giỏi cả tổ tôm, chắn, cạ, đúng là đa tài. Hôm nào anh em ta phải làm một hội tổ tôm mới được. Từ nay, anh sẽ coi chú như thằng em. Nào chú có nhận anh không?

Bình nhìn Huy, thấy lạ nhưng nói thẳng luôn:

- Em biết anh thế nào mà nhận làm anh?

Huy cười hì hì và bảo:

- Không phải, anh đâu có may mắn được làm anh chú. Nhưng anh muốn chú vào cùng hội với bọn anh, cho nó vui mà. Anh cũng đang định mở một câu lạc bộ dạy võ, mà nghe hai thằng này nói thì chú cũng học võ có bài bản lắm phải không?

Bình gật đầu và bảo:

- Em học võ từ năm lên 6 tuổi

Gã tên là Tùng “sứt” nhìn Bình chằm chằm và hỏi:

- Mày học võ từ năm 6 tuổi?

Bình nói:

- Vâng, em học từ năm 6 tuổi.

Tên Tùng hỏi:

- Thế bây giờ trình độ võ nghệ của mày như thế nào?

Lúc này Bình cũng thấy cần phải nói để cho bọn kia dè chừng, Bình bảo:

- Em nói thật nhé, loại như hai thằng này, em chấp ba thằng.

(Xem tiếp kỳ sau)

dac biet nguy hiem ky 12 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 14)

Trong một căn nhà của một mụ chủ chứa hút thuốc phiện, Thủy Tiên và Bình nằm cạnh nhau. Bình nhìn Thủy Tiên sợ hãi ...

dac biet nguy hiem ky 12 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 13)

Sau cái lần ấy, Bình và Thủy Tiên xoắn lấy nhau và tình cảm của hai không lọt qua được cặp mắt của bà Tuyến.

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân